11:12 14/11/2015

Lật lại vụ “ba Thủ tướng Israel” đích thân giải cứu máy bay bị không tặc - Kỳ cuối

Halsa là "kẻ không tặc" duy nhất còn sống trong vụ cướp máy bay 571. "Cụ bà 60 tuổi" này khẳng định không hề tiếc nuối vì hành động cách đây hơn 40 năm.


CHIẾN DỊCH ISTOPOE VÀ "NỮ KHÔNG TẶC" HALSA

Trong quá trình đàm phán, phía Israel đã thuyết phục thành công nhóm “Tháng 9 đen tối” rằng máy bay gặp sự cố và cần phải được sửa chữa gấp. Các đặc nhiệm tham gia chiến dịch Isotope đều mang bộ đồ màu trắng, nhằm để nhóm không tặc tin rằng họ là những nhân viên kĩ thuật lên để sửa chữa hệ thống tuabin nước. Trong cuộc đấu súng trên khoang máy bay, Abed al-Aziz Atrash, Ali Taha Abu Snina bị bắt chết, Halsa và "nữ cộng sự" và Rima Tannous bị bắt sống. Ba hành khách bị thương, một người trong số này là Miriam Anderson, 22 tuổi, sau đó mất trong bệnh viện.

Theresa Halsa (phải) tại phiên tòa kết án ở Lod ngày 14/8/1972. Ảnh: AP

Chiến dịch giải cứu Isotope từ lâu đã được chính giới và truyền thông Israel khắc họa là biểu tượng của ý chí, quyết tâm của giới lãnh đạo chính trị, quân sự nước này trong cuộc chiến chống lại mối đe dọa khủng bố. Phát biểu tại lễ công chiếu bộ phim “Vụ không tặc Sabena – phiên bản của Tôi” hồi tháng 9 vừa qua ở Jerusalem, Thủ tướng Netanyahu hồi tưởng rằng “quân khủng bố như những con mồi bẫy, chiếm máy bay, bắt cóc hành khách và đe dọa giết chết họ hay thảm kịch tương tự gì đó”. Ông nhấn mạnh, bài học quan trọng nhất trong vụ giải cứu máy bay 571 chính là ở chỗ “…không chỉ là những kĩ thuật quân sự tinh vi, mà là quyết tâm của chúng ta, sẵn sàng đương đầu với những kẻ đe dọa chúng ta dưới hình thức của chủ nghĩa khủng bố”.

Một cảnh quay trong phim ghi lại hình ảnh “đặc nhiệm Netanyahu” túm lấy tóc Halsa, nhưng đó là tóc giả và liền rơi ra. “Đó là trong phim thôi. Tôi không thể nói đây là tác phẩm tuyệt vời, bởi lẽ họ bỏ qua một thực tế là tôi bị thương khi lính Israel đột nhập máy bay”, “nữ  không tặc” duy nhất còn sống bày tỏ. Thế nhưng sự thực trong chiến dịch Isotope thậm chí còn ly kì hơn những gì Halsa nói. Số là khi Netanyahu vọt lên máy bay qua cửa thoát hiểm, anh này túm lấy Halsa và cố ép cô khai ra chất nổ được giấu ở đâu. Đúng lúc đó, một đặc nhiệm khác là Marko Ashkenazi giơ súng (đã lên đạn) phang vào người Halsa. Súng cướp cò và viên đạn bay sượt qua người cô, găm trúng vào bắp tay Netanyahu. Cả “nữ không tặc” người Palestine và đặc nhiệm Israel đều bị thương.

Sau này, khi lên làm Thủ tướng, ông Netanyahu nhớ lại cảnh tượng nằm trên đường băng do dính đạn: “Tôi nhận ra anh trai tôi, Yoni. Anh ấy chạy đến kế bên, vẻ mặt rất lo sợ. Yoni tiến lại gần, anh ấy nhìn tôi nằm đó, với bộ đồ màu trắng thấm màu đỏ vì máu chảy. Trong một thời khắc, mặt anh ấy biến sắc và nói ‘Thấy chưa, đã bảo đừng tham gia rồi mà’”. Yoni Netanyahu lúc đó cũng là lính đặc nhiệm và từng thất vọng vì không được chọn tham gia giải cứu máy bay 571. Bốn năm sau, ông bị giết hại trong một chiến dịch khác, chiến dịch mang tên Entebbe giải cứu các con tin Israel bị các tay súng của PLO bắt giữ ở Uganda.

Tại sao một y tá người Israel gốc Arab lại trở thành một nữ không tặc? Đó là một câu chuyện dài. Halsa xuất thân trong một gia đình Arab theo đạo Thiên chúa giáo và theo học ở Acre thuộc Israel. Cô chia sẻ từng có mong ước được gia nhập Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) do tình trạng đối đầu giữa người Do Thái và người Arab ngày một gia tăng ở cả trong và ngoài biên giới Israel. 6 tháng trước khi thực hiện vụ không tặc, Halsa vượt biên giới Israel – Lebanon và gia nhập trại huấn luyện gần Beirut, học cách sử dụng súng, cuốn thuốc nổ và bắn súng phóng lựu.

Halsa bị kết án 220 năm tù do hành vi chiếm đoạt máy bay của hãng hàng không Sabena, cùng với đó là mức án chung thân cho việc giam giữ mỗi hành khách trên máy bay. Cô cho rằng, chính quyền Israel đưa ra mức án cao như vậy là muốn chia rẽ người Palestine, chia rẽ tinh thần và bản sắc của người Palestine, tuy nhiên, họ đã không thể đạt mục tiêu. Đến tháng 11/1983, Halsa được thả tự do khi PLO và Israel thực hiện đợt trao đổi tù binh sau cuộc chiến ở Lebanon năm 1982. Bà lập gia đình, hiện 60 tuổi, có hai con trai và một con gái và đang sống hạnh phúc ở Jordan, với công việc là chăm sóc những người tàn tật.

Liệu Halsa có tiếc nuối điều gì không? - phóng viên tờ The Guardian đặt câu hỏi. “Có. Tôi ước là mình đã cho nổ tung máy bay. Tại sao ư? Tôi nghĩ rằng đó là bởi châu Âu và Mỹ nhìn Israel bằng hai mắt. Thế nhưng với người Arab thì họ chỉ nhìn một mắt mà thôi”, bà trả lời. Điều làm “cụ bà 60 tuổi” này không vừa ý nhất chính là việc, bộ phim của Dinnar quá sa vào việc mô tả bà và ba “đồng nghiệp” kia đã quá ngây thơ, non nớt trước những đặc nhiệm Israel. “Họ cứ nghĩ là họ thông minh, nhưng chẳng đến mức thế đâu. Chẳng qua là bọn họ gặp may thôi. Nhẽ ra mọi thứ tồi tệ hơn đã xảy ra đối với họ”, Halsa nói.

Hoài Thanh (Theo The Guardian)