11:17 13/11/2015

Lật lại vụ “ba Thủ tướng Israel” đích thân giải cứu máy bay bị không tặc - Kỳ 1

Năm 1972, một đội đặc nhiệm trong đó có cả người lính trẻ Binyamin Netanyahu - đương kim thủ tướng Israel hiện nay, đã đột kích và giải cứu thành công một chiếc máy bay bị nhóm không tặc “Tháng 9 đen tối” kiểm soát.


NHÓM "THÁNG 9 ĐEN TỐI" VÀ VỤ CHIẾM MÁY BAY 571

Một bộ phim tài liệu mới được Israel công chiếu đã cho thấy nhiều tình tiết bất ngờ trong vụ giải cứu chiếc máy bay Boeing 707 mang số hiệu 571, với góc nhìn từ cả 2 phía: Lời kể của “nữ không tặc” Theresa Halsa còn sống và cách dàn dựng của đạo diễn Nati Dinnar. Tại thời điểm tham gia vụ cướp máy bay 571, Halsa mới chỉ 18 tuổi. Liệu khi đó cô ấy có sẵn sàng hy sinh hay không? “Dĩ nhiên là có. Mọi thành viên tham gia chiến dịch này đều sẵn sàng chết”, Halsa trả lời phỏng vấn phóng viên tờ The Guardian qua điện thoại từ nhà riêng ở Amman, Jordan khi được hỏi phản ứng về bộ phim mới liên quan đến sự kiện này.

Theresa Halsa rời khỏi máy bay Boeing 571. Ảnh: AP

Halsa là người duy nhất còn sống sót trong vụ nhóm “Tháng 9 đen tối” gồm 4 người bắt cóc chiếc máy bay Boeing 571 của hãng hàng không Sabena Airlines trên hành trình bay từ Vienna (Áo) tới Tel Aviv ngày 8/5/1972. Sau khi buộc cơ trưởng người Anh Reginald Levy phải hạ cánh xuống sân bay Lod (nay là Ben Gurion), nhóm của Halsa đưa yêu sách đòi chính quyền Tel Aviv phải phóng thích 315 tù nhân Palestine bị Israel giam giữ với tội danh khủng bố; kèm theo đó là lời đe dọa sẽ cho nổ tung máy bay nếu yêu cầu này không được đáp ứng.

Hồi tưởng lại, Halsa cho biết trong 30 giờ mà cô và 3 thành viên khác dùng súng khống chế, giam giữ 90 hành khách và 10 phi hành đoàn, cô từng nghĩ đến cái chết. “Tôi nghĩ là mình sẽ bị lính Israel bắn chết. Hoặc là chúng tôi sẽ cho nổ máy bay nếu họ không đáp ứng yêu cầu. Tôi đã sẵn sàng chết vì muốn cả châu Âu và Mỹ hiểu rằng có một dân tộc Palestine và họ đã bị người Israel đối xử không công bằng”.

Nhóm “Tháng 9 đen tối” được đặt tên để tưởng nhớ hàng nghìn người Palestine bị thiệt mạng hoặc trục xuất khỏi Jordan tháng 9/1970. Nhưng yếu tố khiến nhóm này “nổi tiếng” chính là những vụ tấn công nhằm vào các mục tiêu Israel, nổi bật là vụ sát hại 11 vận động viên Israel tại Olympic mùa Hè ở Munich, chỉ vài tuần sau khi xảy ra vụ cướp máy bay Boeing 571. Trước đó, các “cộng sự” của Halsa đã từng thành công trong hai vụ khác. Vụ thứ nhất là chiếm quyền điều khiển chiếc máy bay của hãng hàng không El Al bay tới Algeria năm 1968, tiếp sau là nhằm vào máy bay của hãng Lufthansa trên hành trình bay tới Aden, Yemen năm 1972.

Đầu năm 1972, cô và 3 người Palestine là Ali Taha Abu Snina, Abed al-Aziz Atrash, Rima Tannous thuộc nhóm “Tháng 9 đen tối” đã được chọn lựa để thực hiện vụ chiếm máy bay 571. “Bộ tứ” này chỉ biết mặt nhau một ngày trước khi thực hiện nhiệm vụ và đóng vai là hai cặp tình nhân. Họ bay từ Lebanon tới Rome bằng hộ chiếu giả và tại đây họ được cấp một hộ chiếu giả khác của Israel để bay tới Frankfurt (Đức) rồi Brussels. Ở chặng cuối cùng này, 2 cặp tình nhân lên chuyến bay 571 và cũng với hộ chiếu giả (nhưng lần này là giả người Israel). 20 phút sau khi cất cánh từ Vienna, nhóm 4 người chiếm quyền kiểm soát máy bay. Cơ trưởng Levy lập tức thông báo với 90 hành khách "như quý vị thấy, chúng ta có những người bạn ở trên khoang". Bốn “vị khách” này khi đó được trang bị 2 súng ngắn, 2 súng phóng lựu cùng với 2 bọc thuốc nổ quấn quanh người.

Nhóm không tặc buộc Levy bay tới sân bay Lod gần Tel Aviv. Khi máy bay đáp xuống đường băng, họ nêu yêu sách đối với các nhân viên kiểm soát mặt đất. Liền sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Moshe Dayan cùng Bộ trưởng Giao thông Shimon Peres (người sau trở thành Thủ tướng và Tổng thống) lập tức có mặt tại hiện trường để chỉ đạo tiến trình đàm phán.

Binh sĩ Israel tuần tra quanh chiếc máy bay. Ảnh: AP

Israel sử dụng thủ pháp đàm phán để kéo dài thời gian, vờ chấp nhận yêu cầu của nhóm “không tặc”. Cùng lúc, 16 đặc nhiệm của nước này thuộc đơn vị Sayeret Matkal được lệnh sẵn sàng đột kích máy bay. 24 giờ sau khi máy bay hạ cánh, chiến dịch giải cứu mang tên Isotope chính thức được khởi động. Đặc biệt, 2 trong số 16 binh sĩ này là Ehud Barak và Binyamin Netanyahu - cả hai sau này đều trở thành Thủ tướng Israel. Tính cả ông Shimon Peres lúc đó là Bộ trưởng Bộ giao thông, Isotope có sự tham dự của cả ba nhân vật là “Thủ tướng tương lai”. Truyền thông Israel gần đây cũng nhắc tới sự kiện này, với nhiều bài báo mang tựa “khi các thủ tướng hạ gục những kẻ không tặc”.

“Họ gọi chúng tôi là khủng bố, nhưng không phải vậy. Khủng bố thực sự chính là những người Israel đã đẩy người dân Palestine khỏi vùng đất của chính mình”, Halsa nói. Bà đồng ý chia sẻ thông tin với phóng viên tờ The Guardian, khi mà bộ phim “Vụ không tặc Sabena – phiên bản của tôi” được trình chiếu và gây tiếng vang lớn tại Liên hoan phim Do Thái ở London hôm 7/11. Những cảnh quay, chi tiết trong bộ phim sau đó gây ra những phản ứng trái chiều giữa những người thuộc cả hai phía liên quan đến sự kiện này.

Kì cuối: Chiến dịch Isotope và "nữ không tặc" Halsa

Hoài Thanh (Theo The Guardian)