02:11 16/02/2020

Lật lại thảm kịch khiến 8 nhà leo núi Liên Xô thiệt mạng - Kỳ cuối

Bất chấp cảnh báo có bão mạnh sắp tới và phải xuống núi ngay, các nhà leo núi nữ Liên Xô vẫn tự tin vào bản thân và tiếp tục hành trình chinh phục đỉnh núi Lenin.

Kỳ cuối: Thảm kịch giữa bão tuyết

Khi North gặp các nhà leo núi nữ Liên Xô, trời gió rất to và tầm nhìn chỉ được vài mét. Hai bên chào hỏi nhau và anh xuống tiếp, gặp một số nhà leo núi nam người Liên Xô và cùng xuống núi với họ.
North cho rằng nhóm phụ nữ Liên Xô đã trèo lên khu vực dốc đó và cắm trại vào ban đêm ở rìa Đông của đỉnh Lenin rồi hôm sau tiếp tục leo lên đỉnh.

Chú thích ảnh
Trưởng nhóm leo núi nữ Liên Xô Elvira Shatayeva (trái) và các nhà leo núi châu Âu tại trại ở chân núi. Ảnh: Arlene Blum

Vào sáng 5/8, tại khu vực đỉnh Razdelny, một nhà leo núi Liên Xô tới lều của Blum ở Trại III, mang theo tin nhắn từ chân núi nói rằng sắp có bão, không leo nữa.

Tuy vậy, không khí dường như bình thường và trời khá trong. Mọi người đã đi khá xa và đều sẵn sàng. Một số đã chọn leo tiếp. Blum, Heidi Lüdi và Eva Isenschmid bắt đầu hành trình phía trước.

Heidi Lüdi và Eva Isenschmid mang theo đồ bảo hộ và định cắm trại qua đêm khi có thể. Blum nhanh chóng tiếp tục, tâm trí luôn hy vọng đánh bại mọi loại thời tiết.

Gần tới đỉnh núi, khi cơn bão ập vào lúc gần trưa, Blum lùi xuống, vật lộn với gió và bão tuyết. Cô may mắn gặp Williamson – người đã leo lên đỉnh Lenin lần nữa. Anh đã mở đường và khuyến khích Blum tiếp tục khi cô ngồi xuống kiệt sức. Trên đường xuống, họ gặp hai người trong nhóm của Blum và một phụ nữ Bavaria rồi cùng họ xuống núi.

Trong khi đó, Steck, Wren và Glidden đi bộ lên gần đỉnh núi chính và do bão mạnh, họ đã dừng lại và cắm trại ở độ cao 6.700m tại Trại IV, trại cuối cùng trên đường tới đỉnh Lenin.

Về phần mình, đội leo núi nữ Liên Xô lên tới đỉnh Lenin chiều muộn 5/8, mang theo đầy đủ đồ dùng. Lúc 17 giờ, họ đánh điện bằng radio về trại ở chân núi và nói rằng do tầm nhìn rất xấu nên họ sẽ gặp khó khăn khi leo xuống và phải dựng trại chờ thời tiết khả quan hơn. Abalakov, nhà leo núi Liên Xô đang ở trại chân núi, đã đồng ý và yêu cầu nhóm leo núi phải xuống ngay nếu có thể hoặc chờ qua đêm. 

Đêm đó, nhóm của Steck vẫn đi ủng và mặc nguyên quần áo đi ngủ đề phòng lều bị bão xé tan. Nhóm người Mỹ này dùng lều nilon có khóa kéo và cột nhôm. Họ gia cố cột và đã an toàn sau cơn bão.

Trong khi đó, nhóm nhà leo núi nữ Liên Xô dùng lều vải, đóng bằng nút gỗ, cột bằng gỗ. Trong đêm đầu tiên, gió đã làm sập hai lều.

Chú thích ảnh
Gió mạnh thổi khi cơn bão ập đến ngày 5/8/1974. Ảnh: Arlene Blum

Sáng 6/8, tại chân núi, tuyết đã dày thêm hơn 12cm và ngày càng cao hơn, lên tới 30cm. Gió mạnh từ 112 đến 128km/h. Nhóm leo núi tập trung nghe tín hiệu radio thông qua phiên dịch, còn Shatayeva đánh điện bằng radio, báo cáo tình hình trời mù tuyết và gió ngày càng mạnh.

Lúc 17 giờ, khi Shatayeva báo cáo một người trong nhóm đã ốm và một người nữa dường như không khỏe, cô nhận lệnh của Abalakov đưa cả nhóm xuống núi, tìm chỗ tuyết nào mà họ có thể đào hang trú ẩn. Lệnh đó có nghĩa là nếu người ốm không thể di chuyển hoặc họ không thể tìm được nơi ẩn náu phù hợp, họ phải bỏ lại người ốm để bảo toàn tính mạng cho cả nhóm.

Khi nhóm leo núi nữ xuống núi, Irina Lyubimtseva đã không qua khỏi. Cô chết cóng khi đang giữ dây thừng an toàn cho người khác. Những người còn lại không thể đào hang trong tuyết nên họ đã tìm cách dựng hai lều trên một khu vực cách đỉnh Lenin không xa.

Sức của nhóm leo núi cạn dần. Abalakov dứt khoát yêu cầu những ai có thể đi được phải tiếp tục xuống núi. Shatayeva cho biết cô hiểu lệnh và sẽ cố gắng.

Ngày hôm đó hoặc hôm sau nữa, hai người ốm là Nina Vasilyeva và Valenina Fateyeva đã không cầm cự nổi. Cũng vào hôm đó, gió mạnh ập tới làm rách lều và thổi bay ba lô, bếp lò và găng tay. Năm phụ nữ co cụm trong một chiếc lều không có cọc, chỉ có ba túi ngủ.

Sáng hôm sau, bốn nhà leo núi Nhật Bản cắm trại ở độ cao 6.500m trên phía Lipkin và có radio mạnh đã nghe thấy tín hiệu bằng tiếng Nga và đoán là có rắc rối. Hai trong số họ đã dũng cảm đi giúp nhóm nhà leo núi nữ nhưng bị gió thổi không đi nổi, buộc phải lùi lại. Những người leo núi khác trong khu vực cũng được huy động nhưng họ ở quá xa.

Ngày 7/8, lúc 8 giờ, Abalakov hỏi Shatayeva tình hình. Cô trả lời: “Ba người nữa ốm, giờ chỉ có hai người trong chúng tôi còn hoạt động tỉnh táo và chúng tôi ngày càng yếu. Chúng tôi không thể và sẽ không bỏ lại các đồng đội sau những gì họ đã làm cho chúng tôi”.

Chú thích ảnh
Chris Wren và Jock Glidden tại Trại II trên đỉnh Lenin. Ảnh: Allen Steck

Hai tiếng sau, Shatayeva báo cáo có thêm một người tử vong, hai người hấp hối. Đến giữa buổi chiều, Shatayeva nói: “Chúng tôi xin lỗi, chúng tôi đã không làm theo lời anh được. Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Giờ chúng tôi lạnh quá”. Trong cơn tuyệt vọng, Abalakov hứa với họ là đội cứu hộ đang trên đường tới.

Cuối giờ chiều, tín hiệu không rõ ràng nhưng dường như đã có thêm một người thiệt mạng. Ba người còn sống. Sức gió lúc này là 128 đến 160km/h. Nhiệt độ ở đỉnh núi từ -30 đến -40 độ C.

Đến 18 giờ 30, thêm một người qua đời. Shatayeva cho biết họ không thể sống qua đêm nữa: “Tôi không đủ sức để ấn nút truyền tín hiệu”. Hai tiếng sau, một người cho biết chỉ còn hai người và cũng sẽ không sống nổi rồi nói lời xin lỗi và tạm biệt. Chồng của Shatayeva sau này cho biết người nói cuối cùng không phải là vợ anh mà là Galina Perehodyuk.

Nhà leo núi người Mỹ Steck sau này cho biết: “Những sự kiện ngày hôm đó mãi hằn trong trí não tôi”. Theo Steck, ngày 8/8, bộ ba nhà leo núi Mỹ bất ngờ nhìn thấy thi thể đầu tiên bên dưới đỉnh núi. Wren nhận ra đó là Shatayeva. Họ có thể nhìn thấy các thi thể khác phía trên.

Cùng lúc đó, bốn nhà leo núi Nhật Bản cũng tới nơi. Steck mượn radio để gọi về trại chân núi nói: “Có gì rất lạ, rất buồn đã xảy ra ở đây”.

Họ tìm thấy các thi thể khác phía trên, và vừa đi vừa khóc giữa đám vải lều rách bươm và mảnh cột lều. Ngoài Shatayeva, họ thấy hai phụ nữ bị chôn nửa người trong tuyết, ba người nằm ngổn ngang quanh lều rách và một người bị đông cứng trong tư thế cầm dây thừng ròng xuống dưới. Người thứ 8 được phát hiện bên dưới khi chồng Elvira và một đội hỗ trợ lên núi một tuần sau đó để đưa thi thể họ về.

Đêm đó tại trại, cả ba nhà leo núi Mỹ chắc chắn nghe thấy tiếng phụ nữ và họ cho rằng đó là tiếng Nga. Steck kể: “Họ mở lều ra và không thấy ai cả”.

Chú thích ảnh
Ba nhà leo núi Mỹ và 4 nhà leo núi Nhật Bản phát hiện thi thể đồng nghiệp nữ Liên Xô ngay dưới đỉnh Lenin. Ảnh: Allen Steck

Có nhiều lý do khiến thảm kịch xảy ra với 8 phụ nữ. Họ đã gặp phải cơn bão tồi tệ nhất trong 25 năm. Họ mang theo trang thiết bị không tốt. Họ đều gặp áp lực phải thể hiện là cần làm điều gì đó để giữ vững tiêu chuẩn của nhóm nhà leo núi nữ.

Ngoài ra, theo Wren, có thể họ mang theo niềm kiêu hãnh của phụ nữ Liên Xô mạnh mẽ: Họ nhất quyết không lùi bước khi cơn bão sắp tới, họ đã tính toán sai khi chờ tầm nhìn khá hơn. Có thể họ không muốn bị đánh giá là những người bỏ cuộc. Shatayeva là người có trách nhiệm tuyệt vời với nhóm leo núi. Họ rất đoàn kết với nhau và đã ở bên nhau tới phút chót. 

North, người cuối cùng nhìn thấy nhóm này còn sống, nói: “Có thể gọi họ là nạn nhân của hoàn cảnh. Tôi cho rằng nếu không có cuộc tụ họp quốc tế thì họ đã không ở đó trong tình huống đó, thời tiết đó. Tự nhiên ở đó vào thời điểm đó là bất thường”.

Còn Williamson, người đã ở Trại III trên đỉnh Razdelny trong cơn bão, nói: “Họ không yếu ớt hay ngốc nghếch. Tôi không đổ lỗi cho họ. Những điều kiện này cùng xuất hiện. Đó là cơn bão tồi tệ. Tôi không có gì ngoài ngưỡng mộ họ. Tôi chỉ buồn vì mọi điều kiện xấu xảy ra cùng lúc. Cơn bão đến khá nhanh và qua nhanh”.

Quyết định quan trọng nhất chính là quyết định ở lại trên đỉnh Lenin. Trên đỉnh đó, Shatayeva lúc đầu còn mừng khi thấy tuyết rơi. Ngày 4/8, cô nói với chồng qua radio: “Tuyết rơi là tốt, nó che lối đi. Để sẽ không ai nói là bọn em đi lên theo đường mà người khác đã mở”.

Có ba nhóm leo núi nam giới Liên Xô ở gần họ và cho biết sẵn sàng hỗ trợ nếu cần. Theo chồng Shatayeva, không thể loại trừ khả năng chính vì lý do có nam giới ở gần nên nhóm phụ nữ đã kéo dài thời gian lên đỉnh Lenin, cố gắng thoát khỏi sự bảo hộ của đồng nghiệp nam. Nếu họ lên đỉnh trước một ngày, họ sẽ xuống nhanh hơn khi bão tới.

Giờ đây, hơn 45 năm đã trôi qua, phụ nữ đã chứng tỏ bản thân trong lĩnh vực leo núi. Họ thường xuyên xuất hiện trên các đỉnh núi cao trên thế giới và được đồng nghiệp nam giới công nhận. Câu chuyện về các nhà leo núi nữ Liên Xô nói trên là một câu chuyện sử thi buồn trong lịch sử leo núi thế giới hiện đại.

Thùy Dương/Báo Tin tức