08:08 06/08/2021

Lật lại chiến dịch của CIA trục vớt tàu ngầm Liên Xô chìm dưới đáy biển sâu 5.000 m

Trong những năm 1970, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã thực thi một trong những chiến dịch táo bạo nhất: Trục vớt tàu ngầm Liên Xô bị chìm sâu dưới đáy biển Thái Bình Dương.

Chú thích ảnh
Tàu thăm dò Glomar Explorer. Wikimedia Commons

Ngày 9/8/1974, phần lớn người dân Mỹ chú tâm theo dõi việc Tổng thống Richard Nixon từ chức trong tủi hồ. Nhưng cùng thời điểm, ở một cực khác của thế giới, hơn 178 nhân công người Mỹ lại đang thực thi một trong những chiến dịch tình báo táo bạo nhất lịch sử.

Đó là ngày mà CIA hoàn tất việc trục vớt xác tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo động cơ diesel lớp Golf II của Liên Xô, có tên rút gọn là K-129. Tàu ngầm gặp nạn, chìm xuống Thái Bình Dương năm 1968 khi đang thực hiện hành trình tuần tra thường lệ.

Số phận tàu ngầm K-129

K-129 được đưa vào biên chế vào tháng 5/1959. Sau khi hoàn tất công đoạn nâng cấp, duy tu, sửa chữa lớn vào giữa thập niên 1960, K-129 được trạng bị nhiều hệ thống điện tử mới và mang theo vũ khí mới nhất của Liên Xô – ba bệ phóng tên lửa với tổng số 21 quả tên lửa R-21, loại tên lửa đầu tiên của Liên Xô có thể phóng từ tàu ngầm.

Ngày 24/2/1968, K-129 với 98 thủy thủ đoàn được lệnh rời khỏi căn cứ ở Kamchatka và thực thi hoạt động, tuần tra dưới biển trong thời hạn hai tuần. Nhưng đến ngày 8/3, K-129 bắt đầu mất liên lạc. Sang đến ngày thứ hai không nhận được bất kỳ tín hiệu nào, quân đội Liên Xô bắt đầu e sợ một kết cục xấu và lập tức triển khai chiến dịch tìm kiếm quy mô lớn.

Chú thích ảnh
K-129, mẫu tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chạy bằng động cơ điện diesel của Liên Xô. Ảnh: CIA

36 tàu thuyền đã cày xới cả một vùng biển rộng khoảng hơn 2,5 triệu km2 ở Thái Bình Dương. Hơn 54 máy bay các loại cũng đã được huy động trong suốt hơn hai tháng tìm kiếm. Liên Xô thậm chí đã sử dụng tối đa tiềm năng, sức mạnh của công nghệ sóng âm, gọi gặp K-129 qua các kênh mở. Nhưng sau nhiều tháng dò tìm trong điều kiện thời tiết xấu, với sóng biển dâng cao hơn 13 m, Liên Xô quyết định dừng chiến dịch tìm kiếm.

Hải quân Mỹ cùng lúc dõi theo nhất cử nhất động. Việc Liên Xô mở cuộc tìm kiếm mà không lo sợ bị tàu ngầm, máy bay Mỹ phát hiện cho thấy Moskva vừa đánh mất một thứ rất quan trọng, nhiều khả năng là một tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Hải quân Mỹ có ưu thế hơn so với Liên Xô. Hệ thống giám sát âm thanh (SOSUS) – một mạng lưới các thiết bị nghe lén đặt ngầm dưới biển chuyên để định vị tàu ngầm Liên Xô, đã thu được âm thanh về một vụ nổ tàu ngầm tại khu vực tìm kiếm.

Hải quân Mỹ nhờ đó đã thu hẹp được khu vực tìm kiếm xuống chỉ còn 5 hải lý và cử USS Halibut, tàu ngầm tên lửa hành trình đã được cải hoán thành tàu giám sát tình báo, lên đường làm nhiệm vụ tìm kiếm K-129. Sau hơn một tháng, Halibut đã tìm thấy tàu ngầm Liên Xô.

Chú thích ảnh
Tàu ngầm USS Halibut của Hải quan Mỹ tại thời điểm tháng 10/1965. Ảnh: US Navy

K-129 chìm dưới độ sâu 5029 m, cách bờ biển tây bắc Hawaii khoảng 1.900 km. Tàu gặp nạn sau khi gặp sự cố nghiêm trọng về kĩ thuât. Nhưng những phần quan trọng nhất của K-129 như ống phóng tên lửa vẫn còn nguyên vẹn. Ít nhất một trong hai quả tên lửa R-21 dường như vẫn nằm nguyên trong ống phóng.

Chiến dịch trục vớt của CIA

Nhận thấy giá trị của số tên lửa hạt nhân còn nguyên vẹn trên tàu ngầm Liên Xô, CIA nhanh chóng mở chiến dịch trục vớt mang mật danh “Dự án Azorian”. Ý tưởng ban đầu là sử dụng rocket hoặc kinh khí cầu dưới nước để kéo xác tàu. Nhưng các chuyên gia sau đó đều nhận thấy không khả thi. Cách thức duy nhất để trục vớt k-129 là gắn thiết bị khoằm (kẹp) vào tàu để kéo lên.

Tại thời điểm đó, con người chưa có khả năng trục vớt bất kỳ vật thể nào nằm dưới độ sâu hơn 5.000 m, chưa nói đến xác tàu nặng 2.000 tấn. Ngành công nghiệp khai mỏ biển sâu vẫn còn non trẻ. Nhưng một công ty Mỹ có tên là Global Marine lúc này rất nổi tiếng, được coi là nhà chế tạo tàu khai mỏ đại dương giỏi nhất thế giới.

CIA có được sự đồng ý hợp tác của Global Marine trong dự án chế tạo một chiếc tàu lớn, đủ sức thực thi sứ mệnh có một không hai này. Tập đoàn Lockheed Martin được huy động để chế bộ kẹp, được gọi là “thiết bị bắt” (capture vehicle). Mọi việc chưa xong, bởi CIA cần có một câu chuyện tạo vỏ bọc hợp lý. Rất may, cơ quan tình báo Mỹ tìm được một nhân vật phù hợp là Howard Hughes.

Chú thích ảnh
Howard Hughes - nhân vật có vỏ bọc phù hợp với chiến dịch "Dự án Azorian". Ảnh: Getty Images

Là chủ một doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dầu khí ở Texas, Hughes nổi tiếng với vẻ ẩn dật lập dị, rất phù hợp cho một vỏ bọc của một doanh nhân muốn mạo hiểm đổ nguồn lực tài chính tìm kiếm nguồn trầm tích Magan thông qua phương pháp khai mỏ biển sâu lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới. Hughes đồng ý giúp CIA trục vớt xác tàu ngầm Liên Xô.

Công ty Hughes Tool đứng ra đóng tàu thăm dò Hughes Glomar Explorer, con tàu lớn, có chiều dài gần 190 m, chỉ với một mục đích duy nhất là nâng xác, mảnh vỡ tàu K-129 từ đáy biển, đưa vào một “hồ bơi mặt trăng” nằm ở phần thân tàu (lỗ ở vỏ tàu khoan dùng để thả cột ống khoan xuống biển trên các tàu thăm dò).

Tàu Glomar Explorer đến địa điểm khảo sát vào ngày 4/7/1974, sáu năm sau khi xác định được vị trí tàu ngầm liên xô. Tàu thăm dò của Hughes đã mất cả một tháng để đưa “thiết bị bắt” xuống đáy biển. Trong quá trình vận hành, tàu Glomar Explorer từng hai lần bị tàu Liên Xô theo dõi, bám sát. Tuy nhiên, phía Liên Xô không có lý do gì để nghi ngờ tàu Mỹ, chiếc Glomar Explorer tiếp tục hành trình “khảo sát” như bình thường.

Sau một tháng, bộ kẹp chạm được vào phần xác tàu ngầm. Giờ là công đoạn kéo lên khỏi mặt nước. Nhưng thật không may, thảm họa ập tới. Một vài chiếc móc trong “thiết bị bắt” bất ngờ bung ra và khoảng 2/3 thân tàu ngầm, trong đó có phần chứa ống phóng tên lửa và khoang điều hành tàu K-129 rơi ngược trở lại đáy biển. Phần rơi xuống không có cách nào để vớt lại lần nữa, nhưng thủy thủ trên tàu Glomar Explorer vẫn tiếp tục trục vớt những gì còn lại bám trong “thiết bị bắt”. Trục vớt xong, thủy thủ đoàn cho tàu chạy về bờ biển Mỹ.

Chú thích ảnh
Thủy thủ tàu Glomar Explorer thực hiện nghi thức an táng với các binh sĩ Liên Xô thiệt mạng trong vụ tàu ngầm K-129 gặp nạn. Ảnh: CIA

CIA sau đó còn chuẩn bị cho lần trục vớt thứ hai, qua chiến dịch có mật danh “Dự án Matador”. Nhưng đến ngày 18/3/1975, phóng viên Jack Anderson cho công bố thông tin về “Dự án Azorian”. Giám đốc CIA William Colby đã đích thân thuyết phục nhiều phóng viên khác, trong đó có nhà báo điều tra Seymour Hersh của tờ New York Times, không đăng bài cho đến khi trục vớt xong phần xác tàu K-129. Nhưng Anderson từ chối đề nghị của ông Colby và cho phát toàn bộ câu chuyện về phi vụ trục vớt của CIA trên đài phát thanh quốc gia.

Chuyện bị lộ, Nhà Trắng buộc phải ngưng “Dự án Matador”. Hải quân Liên Xô cũng giám sát chặt chẽ vùng biển có xác tàu K-129. Tuy nhiên, chiến dịch trục vớt vẫn được coi là một thành công. CIA chưa bao giờ tiết lộ đầy đủ thông tin về những phần xác tàu được vớt lên.

Nhưng ít nhất phía Mỹ cũng thu được hai ngư lôi trang bị đầu đạn hạt nhân cùng nhiều tài liệu và cả quả chuông tàu ngầm. Phần thu thập được từ xác tàu cũng giúp Mỹ hiểu rõ hơn thiết kế tàu ngầm của Liên Xô, địa điểm sản xuất những chi tiết quan trọng nhất, thời hạn thay thế cũng như độ dày vỏ thép thân tàu.

Trong chiến dịch trục vớt này, phía Mỹ vớt được 6 thi thể nguyên vẹn cùng với nhiều phần thi thể của thủy thủ trên tàu K-129. Sau khi cập cảng Mỹ vào tháng 9/1974, thủy thủ tàu Glomar Explorer đã thực hiện nghi thức an táng với các binh sĩ Liên Xô thiệt mạng trong vụ tàu ngầm K-129 gặp nạn. Đến năm 1992, Giám đốc CIA Robert Gates đã trao cho Tổng thống Nga Boris Yeltsin đoạn băng ghi lại buổi lễ này, cùng với quả chuông của tàu ngầm K-129.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (B.I)