04:09 01/04/2017

Lập lại trật tự vỉa hè, tiểu thương vắt óc 'tính kế' thích nghi

Thuê nhà vài ba mét vuông hay chui vào ngõ ngách là những cách mà tiểu thương buôn bán trên vỉa hè tính đến để "sống sót" trong chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè đang diễn ra tại Hà Nội.

Mấy ngày nay, ai đi qua góc phố Hồ Hoàn Kiếm - Đinh Tiên Hoàng không còn thấy các hàng nộm bò khô bày bán tràn lan ra vỉa hè như trước đây nữa. Nhân viên của quán đứng trên đường, hễ thấy có khách "lơ ngơ" nhìn trước ngó sau là nhanh nhảu, đon đả chào mời. "Nộm chị ơi, vào đây chị ơi".

Thì ra mấy hàng nộm đã "chui" vào một con ngõ nhỏ gần đó. Ngồi trong hẻm ăn vừa tối tăm, ẩm thấp, lại nơm nớp lo bị đuổi nên khách cũng không còn hào hứng. Lượng khách giảm đáng kể từ khi trật tự vỉa hè được lập lại.

Quán phở trên vỉa hè phố Hàng Hòm phải thuê địa điểm cố định để bán hàng nhưng vẫn bày ghế cho khách ngồi ăn trên vỉa hè.

Cách đó không xa, tại phố Hàng Hòm, quán phở gà Khánh Béo thay vì ngang nhiên chiếm dụng cả dãy vỉa hè làm nơi đun nấu và bán hàng như trước đây thì nay đã phải "thay đổi chiến thuật". Quán phở này treo biển "Phở gà Khánh Béo chuyển về 17 Hàng Hòm", tuy nhiên vị trí cũ thì vẫn bày ghế nhựa để khách ngồi ăn.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, quán phở này đã phải thuê mặt bằng vài mét vuông để làm chỗ đun nấu cố định, phòng khi bị lực lượng chức năng truy đuổi... chạy không kịp. Còn khách thì vẫn ngồi ăn trên vỉa hè, khi nào đuổi thì chạy.

Bàn ăn được thay bằng những chiếc ghế cao để... chạy cho lẹ.

Đối diện bên kia phố là quán phở gà Hồng. Quán này có mặt bằng khoảng chục mét vuông nhưng không thể đủ chỗ cho khách ngồi vì những lúc cao điểm lên đến mấy chục người. Do đó, khách vẫn phải ngồi tràn ra vỉa hè. Tuy nhiên, bàn nhựa trước đây được thay bằng những chiếc ghế cao để phòng khi bị đuổi thì... chạy cho lẹ.

Chị Nguyễn Trang, một thực khách ngồi ăn phở ở đây cho biết: "Vừa ngồi ăn vừa lo bị công an đuổi nên cũng mất cả ngon. Chưa kể kiểu ngồi ăn tạm bợ lấy ghế thay bàn".

Hàng xôi xéo vỉa hè này phải nghỉ sớm hơn để tránh bị bắt.

Khó khăn cũng là điều mà quán xôi xéo, xôi ngô trên vỉa hè phố Lý Thường Kiệt phải đối mặt. Quán này đã bán hơn 20 năm nay nên có rất nhiều khách quen. Quán bán từ 6 giờ đến 9 giờ sáng mà lúc nào cũng đông khách.

Từ khi có chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, chị chủ quán chỉ bán từ sáng sớm đến khoảng 8 giờ sáng là phải vội vàng dọn dẹp trả lại mặt bằng vỉa hè. Lượng hàng bán ra cũng ít đi hẳn.

Những hàng quán ăn uống là vậy, còn các tiểu thương bán thịt, rau, thực phẩm ở chợ cóc cũng "đau đầu" tìm chỗ bán hàng mới. Đa phần họ là những người buôn bán nhỏ, không có nhiều vốn nên việc thuê chỗ bán hàng cố định gần như là bất khả thi. Do đó họ chỉ còn cách chui vào các ngõ ngách để bán, nhằm tránh sự truy đuổi của lực lượng chức năng.

Nhiều vỉa hè đã sạch sẽ, gọn gàng hơn sau chiến dịch "giải cứu vỉa hè" nhưng các tiểu thương lại gặp khó khăn để kiếm chỗ làm ăn.

Là người có “kinh nghiệm” nhiều năm bán hàng ở góc phố Phan Huy Chú - ngõ Phan Chu Trinh, chị Mai thuê phần hiên nhà khoảng 2-3 mét vuông của một nhà dân trên phố. Diện tích tuy nhỏ nhưng cũng đủ để chị bày vài mẹt rau, chậu đậu phụ, giá dưa chuột, cà rốt...

"Thuê nhà để bán hàng thì yên tâm, không ảnh hưởng gì đến vỉa hè, không sợ bị đuổi. Nhưng với những người 'buôn thúng, bán mẹt' hoặc trông vào gánh hàng rong có phải ai cũng có tiền mà thuê đâu. Nhiều người bán hàng rong đã chở hàng trên xe đạp để dễ di chuyển từ chỗ này đi chỗ khác", chị Mai tâm sự.

Chiến dịch "lập lại trật tự vỉa hè" đã mang lại bộ mặt khang trang, sạch sẽ cho đô thị. Tuy nhiên về lâu dài, cơ quan chức năng cần quy hoạch những quán ăn vỉa hè vào khu vực phố ẩm thực, những người bán hàng rong vào các khu chợ hay khu vực chuyên hàng rong để đảm bảo đời sống ổn định cho người dân.

Hoàng Dương/Báo Tin Tức