04:07 17/04/2021

Lập lại trật tự đô thị trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện không chỉ phát sinh mới các vụ vi phạm xây dựng với thủ đoạn tinh vi mà còn tồn tại nhiều sự vụ chưa được giải quyết dứt điểm do sự thiếu quyết liệt, phối hợp thiếu đồng bộ của các cơ quan chức năng.

Vì thế, cần sự chung tay vào cuộc của các cơ quan liên quan nhằm xử lý nghiêm minh, tạo răn đe, phòng ngừa chung cũng như sớm lập lại trật tự xây dựng trên địa bàn.

Một vụ việc gây bức xúc trong dư luận trong thời gian gần đây diễn ra tại thành phố Thủ Đức. Cụ thể, tại phường Trường Thạnh, Quận 9 (nay là thành phố Thủ Đức), ông Bùi Thanh Tuấn xây dựng trái phép công trình vi phạm là cột sắt, kèo, sắt, mái tôn, vách tôn, nền xi măng với diện tích xây dựng vi phạm hơn 2.244 m2. Tháng 5/2019, UBND Quận 9 ban hành Quyết định số 57/QĐ-UBND về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả nhưng đến nay, ông Bùi Thanh Tuấn chưa thực hiện.

Đến tháng 8/2019, UBND phường Trường Thạnh, Quận 9 ra thông báo cưỡng chế phá dỡ, tuy nhiên sau đó, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 314/2019/QĐ-BPKCTT về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm đình chỉ Quyết định số 57/QĐ-UBND của UBND Quận 9.

Trong tháng 9/2019, UBND Quận 9 có Công văn khiếu nại huỷ bỏ Quyết định số 314/2019/QĐ-BPKCTT của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 376 về hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng tại Quyết định số 314 trước đó.

Mọi việc tưởng chừng được xử lý nhanh gọn nhưng trong tháng 11/2019, ông Bùi Thanh Tuấn nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khi cho rằng Quyết định số 57/QĐ-UBND của UBND Quận 9 chưa đúng quy định. Trên cơ sở đó, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ban hành Quyết định số 423/QĐ-BPKCTT về áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, tạm đình chỉ thi hành Quyết định số 57/QĐ-UBND của UBND Quận 9. Điều này thể hiện sự thiếu thống nhất khi trước đó, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 376/QĐ-BPKCTT huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng tại Quyết định số 314/2019/QĐ-BPKCTT cũng do chính Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí ban hành.

Đặc biệt, hơn nửa năm sau nhận thấy vụ việc chưa được đưa ra xét xử trong khi các công trình vi phạm xây dựng vẫn ngang nhiên tồn tại và được sử dụng, trong tháng 6/2020, UBND Quận 9 có công văn đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm đưa vụ án ra xét xử. Trên cơ sở phán quyết của Toà án, UBND Quận 9 sẽ thực hiện cưỡng chế buộc tháo dỡ thực hiện khắc phục hậu quả.

Thế nhưng, mọi việc vẫn giẫm chân tại chỗ. Đến tháng 11/2020, UBND Quận 9 tiếp tục có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm đưa ra xét xử vụ án. Gần đây nhất, vào ngày 24/3/2021, lần thứ 3 UBND thành phố Thủ Đức tiếp tục có văn bản đề nghị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sớm đưa ra xét xử để UBND thành phố Thủ Đức có biện pháp thực hiện cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng. Tuy nhiên, từ đó đến nay mọi việc dường như rơi bế tắc.

Như vậy, từ khi phát hiện và lập biên bản hành chính xử phạt hành vi vi phạm trật tự xây dựng đến nay hơn 2 năm, các công trình vi phạm xây dựng vẫn chưa được xử lý, mặc nhiên tồn tại và đang được sử dụng như một sự thách thức luật pháp và dư luận. 

Một vụ xử lý vi phạm xây dựng “dây dưa” không kém là trường hợp bà Đỗ Thị Lan xây dựng không phép tại một phần thửa đất số 66, tờ bản đồ số 53 thuộc phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức với diện tích vi phạm gần 49m2, kết cấu công trình móng gạch, cột sắt. Tháng 1/2018, UBND phường Tăng Nhơn Phú A, Quận 9 cũ (nay là thành phố Thủ Đức) ban hành quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, phá dỡ toàn bộ công trình không phép.

Thông tin đến phóng viên TTXVN, bà Trần Thị Thu Hoài, Chủ tịch UBND phường Tăng Nhơn Phú A cho biết, khu đất mà bà Đỗ Thị Lan xây dựng không phép được quy hoạch và hiện UBND Quận 9 xây dựng trụ sở Khu phố 3 và công viên cây xanh. Từ tháng 12/2017, UBND phường Tăng Nơn Phú A đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Đỗ Thị Lan, yêu cầu ngừng thi công xây dựng.

Trong tháng 10/2020, UBND phường Tăng Nhơn Phú A báo cáo UBND Quận 9 về việc rà soát các khu đất đang bị lấn chiếm; trong đó, có phần đất bà Đỗ Thị Lan xây dựng không phép. Đến ngày 4/1/2021, bà Đỗ Thị Lan cam kết tự tháo dỡ công trình vi phạm nhưng sau đó không thực hiện nên ngày 8/1/2021, UBND phường Tăng Nhơn Phú A đã tổ chức cưỡng chế.

Để xử lý triệt để các vụ vi phạm trật tự xây dựng, vừa qua, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã giao UBND các quận, huyện rà soát, tổ chức cưỡng chế một số công trình vi phạm trật tự xây dựng có tính chất, quy mô lớn, nghiêm trọng (mỗi quận huyện ít nhất có 2 công trình). Đồng thời, phân cấp mạnh cho UBND quận huyện trực tiếp quản lý lực lượng thanh tra xây dựng địa bàn trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ thông qua đề án thí điểm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng thuộc UBND quận, huyện.

Ngoài ra, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định số 30/QĐ-UBND về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Theo đó, tất cả các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố phải được kiểm tra, giám sát ngay từ khi khởi công đến khi hoàn thành, đưa vào sử dụng. Mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý kiên quyết ngay từ đầu; mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật.

Quyết định nói trên cũng xác định, việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động xây dựng là trách nhiệm của UBND quận huyện, UBND xã phường, thị trấn. Thanh tra Sở Xây dựng chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các công trình xây dựng lớn, đặc thù, phức tạp và thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng tại các quận huyện. Hành vi tiếp tay, bao che, buông lỏng quản lý của cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng sẽ bị xử lý nghiêm, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy vậy, để xử lý dứt điểm các vụ vi phạm xây dựng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cơ quan liên quan; trong đó, có cả cơ quan tư pháp nhằm rút gọn quy trình và thời gian xử lý để nhanh chóng khắc phục, tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn.

Trần Xuân Tình (TTXVN)