07:07 29/07/2017

Lao động tự do có được hỗ trợ khi bị tai nạn trong lúc làm việc?

Bạn đọc đặt câu hỏi: Tôi làm công nhân xây dựng tự do, khi bị tai nạn lao động không mong muốn thì có được hỗ trợ, mức hỗ trợ ra sao?

Tập huấn an toàn lao động. Nguồn: Bộ LĐTBXH.

Về vấn đề này, Nghị định Nghị định 37/2016/NĐ CP quy định hỗ trợ kinh phí khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.


Theo đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động khi có người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau: Đối với người lao động tham gia bảo hiểm hiểm xã hội bắt buộc (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) bắt buộcthì người sử dụng lao động và tổ chức bảo hiểm y tế có trách nhiệm chi trả các khoản chi phí và bồi thường cho người lao động theo Luật bảo hiểm xã hội.


Đối với người lao động không tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế bắt buộc thì người sử dụng lao động có trách nhiệm: Thanh toán chi phí từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định đối với người lao động; Trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị; Bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động; Thông báo bằng văn bản cho những người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại biết về tình trạng sức khoẻ của người lao động.


Điều kiện được hỗ trợ kinh phí phục hồi chức năng cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hướng dẫn cụ thể và chi tiết hơn về điều kiện để người lao động được hưởng các mức trợ cấp cũng như bồi thường khi có thương tổn. Theo đó, Người lao động (NLĐ) được hỗ trợ kinh phí điều trị phục hồi chức năng do tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp phải hội đủ 2 điều kiện sau: Được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định phục hồi chức năng lao động; Suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.


Mức hỗ trợ kinh phí tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 2 lần mức lương cơ sở/người/lượt. Số lần hỗ trợ tối đa 2 lần/NLĐ và chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần/năm.


Mức hỗ trợ trên áp dụng với đối với những người tham gia bảo xã hội bắt buộc tại khu vực có quan hệ lao động và phải đóng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, trong số 52 triệu người trong độ tuổi lao động, chỉ có khoảng 13 triệu người trong khu vực có quan hệ lao động, còn lại là khu vực không có quan hệ lao động. Do đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.


Theo đó, dự thảo đề xuất quy định 7 chế độ mà người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng. So với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì các chế độ của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện về tai nạn lao động được kết cấu tương tự 4 chế độ, bổ sung mới 1 chế độ và sửa đổi 2 chế độ.


Cụ thể gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp; Dưỡng sức và phục hồi sức khỏe (Điều 12 của Dự thảo):tuy nhiên, do không có người sử dụng lao động xác định số ngày nghỉ trong khung như khu vực BHXH bắt buộc, nên để bảo đảm khả thi dự thảo quy định cụ thể số ngày nghỉ với một mức tùy theo thương tật (được tính bằng mức trung bình trong khung hưởng của khu vực BHXH bắt buộc); Hỗ trợ chi phí y tế; Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động.


Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung thêm quy định về điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu 12 tháng mới được hưởng các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Quy định này nhằm góp phần bảo đảm cân đối giữa thu, chi, nhất là khi bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện mới hình thành, chủ yếu là người có nguy cơ cao về tai nạn lao động tham gia.


Do vậy, bạn đọc làm công nhân lao động tự do và không nói rõ có hợp đồng lao động hay không? Nếu có hợp đồng lao động và xác định đã đóng đủ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thì người lao động căn cứ theo các quy định của Nghị định 37/2016 để được hỗ trợ.


Còn nếu chưa tham gia BHXH, BHYT, sắp tới, người lao động có thể tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện.


XC/Báo Tin Tức