08:22 27/08/2011

Lao động thiếu văn hóa nghề nghiệp

Mỗi năm Việt Nam đào tạo được khoảng trên 1,5 triệu lao động. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu lao động có chất lượng, trong đó “văn hóa nghề” chưa được trang bị một cách đầy đủ hay nói cách khác, lao động nước ta đang thiếu văn hóa nghề nghiệp…

Mỗi năm Việt Nam đào tạo được khoảng trên 1,5 triệu lao động. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu lao động có chất lượng, trong đó “văn hóa nghề” chưa được trang bị một cách đầy đủ hay nói cách khác, lao động nước ta đang thiếu văn hóa nghề nghiệp… Đó là nhận xét của bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hội Dạy nghề Việt Nam, về chất lượng lao động hiện nay.

Biểu hiện rõ nhất của việc thiếu văn hóa nghề là ở người lao động (NLĐ) đi làm việc tại nước ngoài. NLĐ Việt Nam đi xứ người làm việc với hành trang “3 không”: Không có nghề, không biết ngoại ngữ, không có tác phong công nghiệp. Sau khi đăng ký đi xuất khẩu lao động mới được học một khóa nghề và ngoại ngữ cấp tốc nên tác phong làm việc, kiến thức về pháp luật và văn hóa ứng xử rất thiếu. Vì vậy, chỉ cần có mâu thuẫn với chủ sử dụng lao động, lao động ngay lập tức bỏ làm, khiếu kiện.

Một số người không tuân thủ pháp luật nước sở tại, cờ bạc, uống rượu, đánh nhau. Tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn xảy ra ở hầu khắp các thị trường. Theo các chuyên gia, đó là do NLĐ thiếu một “phông” văn hóa cần thiết. Chính vì thế, NLĐ chỉ chăm chăm lo cố thủ quyền lợi của mình, thậm chí không quan tâm đến pháp luật của nước sở tại, chứ đừng nói đến việc bảo vệ uy tín của doanh nghiệp, của cơ quan chức năng Việt Nam. Ngoài ra, điều có thể nhận thấy dễ dàng là NLĐ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nước ta hiện nay là sẵn sàng “về quê”, chối từ những yêu cầu về quản lý công nghiệp; đi muộn về sớm, không làm đủ 8 giờ, không chú trọng đến các thiết bị bảo hộ lao động khi làm việc, thiếu trách nhiệm với công việc, bỏ việc khi không vừa ý.

Chưa kể đến một bộ phận không nhỏ người lao động rất thiếu văn hóa nghề, biểu hiện ở việc tùy tiện, cẩu thả, thiếu trung thực, thiếu tự giác, chưa yêu nghề; tự ti, tự phụ, thiếu tính cộng đồng, tính nhân văn, tự đánh mất mình. Những hành vi thiếu văn hóa nghề đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đội ngũ lao động hiện nay.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng, đã đến lúc chúng ta cần coi việc trang bị “văn hóa nghề” cho NLĐ là chìa khóa để nâng cao chất lượng nhân lực Việt Nam. Có văn hóa nghề, NLĐ mới không đứng trước nguy cơ mất thị trường lao động của chính mình, ngay trên đất nước mình. Với tình trạng hiện nay, hoàn toàn xảy ra bi kịch: Lao động các nước ồ ạt vào Việt Nam làm việc, còn lao động Việt Nam đi “làm hộ” lao động các nước những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại. Công thức văn hóa nghề = kiến thức nghề + trình độ tay nghề + đạo đức nghề + thái độ hành nghề + sự nhận biết, khả năng xây dựng và thích nghi môi trường, đã được đưa ra. Nhìn vào công thức này, hoàn toàn có thể hiểu, văn hóa nghề biến một người thợ lành nghề thành một lao động chuyên nghiệp.

Hiếu Dũng