04:18 03/04/2019

Lao động nghề biển: Thiếu và yếu

Tại một số vùng ven biển ở Hà Tĩnh, nhiều chủ tàu đang lao đao vì thiếu lao động đi biển. Tình trạng thiếu hụt lao động, đặc biệt là lực lượng lao động có tay nghề cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả khai thác và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Chú thích ảnh
Cảng cá Cửa Sót, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh). Ảnh: Công Tường/TTXVN

Xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà) là một trong những địa phương có số tàu thuyền công suất lớn, đánh bắt dài ngày nhiều nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, thời gian qua các chủ tàu đều thiếu người đi biển và thường xuyên phải ra khơi trong tình trạng thiếu 3 đến 5 người so với trước kia. Trên các khu vực ở Cảng Cửa Sót, nhiều tàu cá đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho chuyến biển mới, nhưng lại chưa thể ra khơi vì không có đủ bạn thuyền.

Ông Nguyễn Văn Lòng, thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim, Lộc Hà, Hà Tĩnh, chủ tàu cá với công suất hơn 800 CV (được đóng theo quy định tại Nghị định 67 của Chính phủ) chia sẻ: Ròng rã nhiều tháng nay, tàu của tôi phải nằm bờ. Một phần do chi phí mỗi chuyến ra khơi lớn, phần do thiếu bạn thuyền. Nghề câu ngày càng khó khăn hơn khi ngư trường cạn kiệt, nhiều lao động đã không còn mặn mà với nghề truyền thống này.

Câu chuyện thiếu lao động đi biển đang là một thực tế khá phổ biến tại xã Thạch Kim. Cũng vì nguyên nhân này, một số ngư dân ở Thạch Kim chưa mặn mà với việc cải hoán tàu thuyền. Ông Phạm Minh Tịnh, ở thôn Giang Hà, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, cho biết: Đã nhiều lần định cải hoán tàu thuyền công suất lớn, nhưng trước thực tế lao động nghề biển ngày càng khan hiếm, tôi vẫn ra khơi trên con tàu 55 CV.

Số lượng tàu thuyền tại xã Thạch Kim tương đối lớn với hơn 100 tàu thuyền các loại, trong đó có 26 tàu công suất trên 90 CV, số còn lại công suất dưới 90 CV. Với mỗi chuyến ra khơi, tàu công suất lớn cần từ 15 đến 20 lao động, tàu công suất vừa và nhỏ cần từ 5 đến 7 lao động cho một chuyến biển, tổng số cần khoảng 1.000 lao động trên các tàu cá. Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, khi lực lượng thanh niên đi làm ăn xa, xuất khẩu lao động ngày càng tăng, tỷ lệ lao động sống bằng nghề đi biển ở Thạch Kim chỉ đáp ứng được một phần nhỏ khối lượng công việc.

Ông Hà Minh Tân, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh, cho biết: Những năm qua, Thạch Kim đã chú trọng phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, nhưng cùng với khó khăn trong việc thiếu bạn tàu, nghề cá còn đứng trước một vấn đề nan giải khi lực lượng lao động bám biển đang có xu hướng ngày một già hóa.

Hiện nay, số lượng lao động đi biển của xã Thạch Kim có khoảng 600 người, nhưng độ tuổi từ 45 trở lên chiếm tới hơn 70%. Và thực tế, nhiều tàu 100% lao động có độ tuổi từ 50 đến 65 tuổi. Lao động trẻ mặc dù có sức khỏe nhưng lại không mặn mà với nghề truyền thống.

Bài toán nan giải của nghề cá khi tình trạng lao động vừa thiếu về số lượng vừa yếu về chất lượng đang là nỗi lo ở vùng biển Cẩm Lộc. Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên, ông Nguyễn Văn Tuân chia sẻ: Thiếu lao động nghề biển đã trở thành nỗi lo của chúng tôi khi toàn xã có 182 tàu, thuyền, trong đó có 34 tàu công suất trên 90 CV nhưng chỉ có khoảng 600 lao động đi biển. Trong số đó, phần lớn lao động chủ yếu vẫn dựa vào kinh nghiệm đánh bắt thủ công, truyền thống, chứ chưa áp dụng được các kỹ thuật hiện đại nên sản lượng đánh bắt còn hạn chế.

Câu chuyện thiếu lao động nghề biển, đặc biệt là lao động có tay nghề cao cũng đang là thực tế khá phổ biến hiện nay tại các vùng biển khác như Xuân Hội (Nghi Xuân), Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên)... Theo số liệu từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hiện toàn tỉnh có gần 4.000 phương tiện nghề cá, trong đó 374 tàu cá xa bờ có công suất trên 90 CV, số còn lại từ 20 đến dưới 90 CV.

Cùng với chính sách hỗ trợ cải hoán tàu thuyền, từ năm  2012 đến nay, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có các cơ chế, chính sách hỗ trợ đào tạo cho ngư dân để nâng cao năng lực, trình độ khai thác, đánh bắt, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật đánh bắt hiện đại. Nhưng nhu cầu học của người lao động chưa cao nên việc áp dụng các kỹ thuật để khai thác nguồn lợi thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế.

Hoàng Ngà (TTXVN)