05:10 12/05/2011

Lào Cai:Qui hoạch vùng trồng chè chất lượng cao

Lào Cai đang hình thành rõ nét các vùng trồng chè chuyên canh chất lượng cao cùng với các vùng cây ăn quả khác như mận, lê, đào... tạo thành một trong những mũi nhọn trong tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.

Lào Cai đang hình thành rõ nét các vùng trồng chè chuyên canh chất lượng cao cùng với các vùng cây ăn quả khác như mận, lê, đào... tạo thành một trong những mũi nhọn trong tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn.

Người dân trở lại với cây chè

Tại Lào Cai, hiện tại một số vùng trồng giống chè mới, chè chất lượng cao đã được các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới thu mua nguyên liệu đến cụm dân cư với giá từ 3.000 đồng/kg trở lên như: Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng), Nông trường Thanh Bình (Mường Khương), nâng giá trị sản xuất chè bình quân toàn tỉnh đạt từ 25 đến 30 triệu đồng/ha/năm. Người dân từ chỗ thờ ơ, muốn quay lưng lại với cây chè vào năm 2000 trở về trước, đến nay đã trở lại yêu cây chè và coi đây là cây mũi nhọn giúp thoát nghèo bền vững. Nhờ đó vùng chè kỹ thuật mở rộng đến đâu, tỷ lệ hộ nghèo được đẩy lùi nhanh đến đó.

Chè là cây công nghiệp dài ngày quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Lào Cai. Ảnh: Đình Na - TTXVN


Đến năm 2011, Lào Cai có 3.629 ha chè trồng tập trung, tăng so với năm 2006 là 25,3%. Cơ cấu giống chè chất lượng như chè Shan, chè lai LDP1, LDP2 và đặc biệt là chè Ô Long ngày càng được mở rộng, chiếm từ 20% đến 42% diện tích. Năng suất chè bình quân toàn tỉnh đạt 55 tạ/ha, tăng 25tạ/ha so với năm 2000 về trước trồng bằng các giống chè cũ. Sản lượng chè búp tươi đạt gần 10.000 tấn tăng hơn 6.000 tấn so với năm 2000.

Theo ông Phạm Đình Quê, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai: Hoạt động sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè trên địa bàn tỉnh Lào Cai gần đây diễn ra khá sôi động, phần nào khẳng định được sản phẩm chè của tỉnh đã có những bước tiến mới. Những kết quả về sản xuất, kinh doanh chè mà Lào Cai đã đạt được trong những năm qua là nhờ có chủ trương, chính sách của tỉnh về đất đai, vốn (cho vay ưu đãi 22 triệu đồng/ha trồng mới, 2 năm đầu không tính lãi); đầu tư thâm canh kỹ thuật, phân vùng thu mua nguyên liệu... nên đã thu hút được các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư và hợp tác tạo nên một thị trường chè ổn định trong nước và xuất khẩu. Các doanh nghiệp đã thực hiện tốt vai trò “bà đỡ” cho người nông dân trong vùng nguyên liệu bằng việc mở rộng các đại lý thu mua chè, ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho các hộ dân trong vùng dự án, cho vay phân bón không tính lãi với số lượng theo mức đầu tư thâm canh, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật, giao cán bộ kỹ thuật phụ trách từng địa bàn và phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm ở khu vực đó, từng bước hướng người dân làm quen với cơ chế thị trường tạo đầu vào nguyên liệu ổn định cho nhà máy.

Vươn tới tầm cao mới

Để có một sản phẩm chè ngon, sạch và đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, những người sản xuất và chế biến chè Lào Cai đã biết bám vào mục tiêu Nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh Lào Cai lần thứ XIII để phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu, nguồn nhân lực sẵn có của địa phương phát triển chè theo hướng đa dạng hóa về chủng loại và phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái.

Mục tiêu phát triển ngành chè của Lào Cai đến năm 2015: Trồng mới trên 3.000 ha chè đảm bảo quy trình kỹ thuật, sử dụng các giống chè chất lượng cao; thâm canh tăng năng suất và nâng cao chất lượng trên diện tích chè hiện có; xây dựng, nâng cấp hệ thống chế biến phù hợp với các vùng nguyên liệu. Năm 2011, Lào Cai có nhà máy và sản phẩm chè tinh chế chất lượng cao và những năm tiếp theo tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các hộ gia đình cải tạo, trồng thay thế từ 800 - 1.000 ha chè giống Trung Du (trồng bằng hạt). Tỉnh phấn đấu từ năm 2015, đưa giá trị sản xuất chè đạt 40 triệu đồng/ha/năm. Để thực hiện mục tiêu trên, các giải pháp phát triển phải được triển khai đồng bộ như: Bố trí đất trồng chè theo mục tiêu sản phẩm; tập trung đầu tư những vùng chè năng suất cao, an toàn để phục vụ chế biến chè xanh, chè đen có độ cao dưới 500 m so với mực nước biển; chủ yếu ở huyện Bảo Thắng, Bảo Yên. Những vùng có độ cao từ 500 đến dưới 800 m phát triển chè chất lượng cao và an toàn để chế biến chè xanh cao cấp, ưu tiên một số vùng của huyện Mường Khương, Bát Xát. Những vùng sản xuất chè sạch, chè hữu cơ để chế biến chè xanh, chè Ôlong chất lượng cao, trồng trên độ cao trên 800 m phát triển ở Bắc Hà, Sa Pa, Mường Khương. Tỉnh chuyển đổi cơ cấu giống chè, mở rộng diện tích các giống chè mới có năng suất và chất lượng tốt phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng; tổ chức sản xuất và quản lý chất lượng giống chè, ứng dụng các biện pháp canh tác tiến bộ vào trong sản xuất.

Trong tương lai, người trồng chè Lào Cai không chỉ sống được bằng nghề mà còn làm giàu từ cây chè chất lượng.

Lục Văn Toán