12:09 16/12/2017

Lãnh đạo ĐH Bách Khoa Hà Nội: Không thể đánh đổi chất lượng, uy tín của hệ đào tạo chính quy

Xoay quanh đề xuất công nhận bằng đại học tại chức sẽ có giá trị giống như bằng đại học chính quy trong dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), không ghi rõ loại hình đào tạo trên bằng cấp, báo Tin tức đã có cuộc trao đổi riêng với PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa Hà Nội - một trong những trường học hàng đầu Việt Nam hiện nay về chất lượng giáo dục.

PGS.TS Trần Văn Tớp khẳng định sẽ giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo hệ tập trung đã làm thành thương hiệu của ĐHBKHN. Ảnh: ĐHBKHN

Thưa ông, việc Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sửa đổi do Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đề xuất đưa ra trong đó quy định bằng đại học tại chức có giá trị giống như bằng đại học chính quy vì chỉ có 1 loại văn bằng chuẩn là có hợp lý hay không?

Xây dựng luật phải hiện đại và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Vì vậy, Luật GDĐH quy định hình thức đào tạo đại học tập trung và không tập trung là phù hợp với xu thế phát triển và triết lý học tập suốt đời. Quan điểm của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội (ĐHBKHN) là ủng hộ đề xuất nêu trên, không phân biệt bằng cấp từ 2 hình thức đào tạo này.

Nếu như trước đây, người tốt nghiệp hệ tại chức học không được học lên cao học hoặc tiến sĩ. Tuy nhiên, cách đên trên 20 năm, Luật cho phép người có bằng đại học hệ tại chức tiếp tục học lên các bậc cao hơn, tức là cũng đã một cách gián tiếp không phân biệt hệ đào tạo chính quy và đào tạo tại chức. Đây là hướng phát triển đào tạo mở ra rất nhiều cơ hội cho người học. Nhiều sinh viên của tôi ở hệ tại chức vẫn phấn đấu học lên thạc sĩ, tiến sĩ dù không phải đào tạo gốc là hệ chính quy. Như vậy rõ ràng là trong chủ trương chung cũng đã công nhận bằng tại chức.

Cũng phải nói cho rõ là ở giai đoạn trước đây, một số quy định về đối tượng đào tạo tại chức là khá rõ ràng. Họ phải là người lao động đã có thời gian công tác từ 5 năm trở lên và được cơ quan cử đi học tập đúng chuyên ngành cơ quan có nhu cầu, đúng lĩnh vực người đó đang làm việc. Như vậy rõ ràng đào tạo đó là đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trực tiếp cho công việc, vừa đi làm, vừa đi học. Và cái học bổ trợ rất tốt cho việc đi làm. Nhiều người học năng lực tốt, nhưng có thể do điều kiện, hoàn cảnh họ không thể theo học hình thức chính quy có cơ hội nâng cao trình độ chuyên môn bằng theo học hệ tại chức phục vụ công việc của cá nhân và của đơn vị. Vì vậy động lực và định hướng học tập theo hệ này là rất rõ ràng. Từ kinh nghiệm thực tế và thêm kiến thức được trang bị phù hợp với công việc giúp họ có bước phát triển rất tốt trong nghề nghiệp và trưởng thành, nhiều người có kết quả học tập tốt, trở thành cán bộ quản lý, lãnh đạo ở những cương vị cao trong các doanh nghiệp, là tấm gương cho các thế hệ sinh viên đi sau.

Tuy nhiên, quan điểm của phần đông các chuyên gia, nhà tuyển dụng hay người học vẫn đánh giá hai bằng cấp này không ngang bằng về chất lượng, theo ông thực tế đào tạo hệ tại chức hiện nay ra sao?

Hiện nay, quan niệm của người sử dụng lao động, của xã hội vẫn cho rằng bằng cấp của 2 loại hình đào tạo chính quy và tại chức là khác nhau. Cá biệt có những đơn vị sử dụng lao động, thậm chí có địa phương có những đánh giá thấp về bằng tại chức như không tuyển dụng người tốt nghiệp hệ tại chức, nếu sinh sau năm 1975 muốn trở thành công chức thì phải tốt nghiệp hệ chính quy, nên có thể thấy rõ ràng xã hội còn những đánh giá có khoảng cách về đánh giá chất lượng GDĐH hệ chính quy và tại chức.

Sự khác nhau về chất lượng bằng chính quy và bằng tại chức đến từ nhiều phía. Trước hết, từ thái độ học tập của người học, như đã nói ở trên, nếu hệ vừa học vừa làm trước đây tuyển sinh những người đã đi làm thực tế, có nhu cầu nâng cao trình độ và có thêm kiến thức để áp dụng vào công việc thực tế, thì động lực học tập của các đối tượng hệ vừa học vừa làm đã  khác nhiều, là đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học, văn bằng hai, rất nhiều sinh viên hệ vừa học vừa làm là những người đã không trúng tuyển đại học hệ chính quy.

Các trường đại học quan niệm đào tạo tại chức là đào tạo nhân lực trực tiếp, trong khi đào tạo chính quy đào tạo nhân lực và nhân tài. Từ đó dẫn đến các quy định đạo tạo có khác nhau từ điều kiện tuyển đầu vào khác biệt; thời gian học tập trung. Nếu như hệ chính quy với thời gian học tập trung 10 tháng mỗi năm với điều kiện thư viện, thực hành, thí nghiệm liên tục, thì hệ vừa học vừa làm chỉ học tập trung 5 khoảng 5 - 6 tháng mỗi năm. Bên cạnh đó, sự quản lý về đào tạo của các trường cũng không được chặt chẽ như hệ chính quy. Vì thế xét về chất lượng vẫn còn khoảng cách giữa hệ tại chức và chính quy. Đương nhiên vẫn có những cá nhân xuất sắc vươn lên và có thể đáp ứng tốt công việc dù học ở hệ đào tạo đại học nào.

Cũng phải nói thêm là khoảng cách này là giữa hệ chính quy và tại chức của cùng một trường chứ không thể so sánh hệ chính quy của trường tốp trên với tại chức của trường tốp dưới. Bản thân hệ chính quy của các trường tốp dưới đã có chất lượng rất khác với các trường tốp trên rồi.

Nếu vẫn còn khoảng cách giữa chất lượng hai hệ đào tạo, vậy đề xuất kể trên liệu cá khả thi khi áp dụng vào thực tế?

Đối với nhiều nước vẫn tồn tại hình thức đào tạo full tme (chính quy - tập trung) và part time (không tập trung - vừa học vừa làm) và họ không phân biệt bằng cấp giữa 2 hình thức đào tạo này.

Nếu đảm bảo chất lượng đào tạo hệ tập trung và hệ không tập trung và xoá bỏ khoảng cách về bằng cấp giữa hình thức đào tạo tập trung (Full time, mà trước đây ta gọi là chính quy) với loại không tập trung (part time, mà trước đây ta gọi là tại chức hoặc vừa học vừa làm hoặc đào tạo liên tục) là đúng, phù hợp với xu thế và triết lý đào tạo : học suốt đời. Tôi cho rằng Luật cần xây dựng hiện đại, phù hợp với xu thế chung, do vậy tôi ủng hộ với đề xuất này. Tuy nhiên trong hoàn cảnh, bối cảnh hiện nay của chúng ta hiện tại là khó, thậm chí rất khó vì những lý do sau đây: Để đảm bảo chất lượng của các loại hình đào tạo, thì mọi quy trình đào tạo phải giống nhau và có chất lượng như nhau từ tuyển sinh đầu vào đến quản lý đào tạo, chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, cách thức thi cử, đánh giá phải như nhau. Tuy nhiên hiện tại gữa 2 loại hình đào tạo này vẫn còn khoảng cách do cách thức tuyển sinh, quản lý đào tạo, do quan niệm của xã hội và người sử dụng lao động, do thời gian tập trung cho việc học tập, do quan niệm của cả người học (sinh viên) và các cơ sở đào tạo (giảng viên và cán bộ quản lý).

Người học hệ không tập trung rất khó có đủ thời gian để đảm bảo học và tự học. Thời gian tập trung chí khoảng 5-6 tháng so với hệ chính quy là 10 tháng/1 năm. Sinh viên hệ không tập trung phải cần thời gian dài hơn khoảng 1,6 lần hoặc thời gian tự học phải gấp đôi so với hệ tập trung.

Nếu các trường muốn đảm bảo chất lượng đào tạo 2 hệ này, đảm bảo chuẩn và chất lượng đầu ra như của chính quy, thì cần tuyển sinh chặt chẽ như tuyển sinh đại học tập trung và đạt điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng. Mặc dù hiện nay, quy chế tuyển sinh đã có rất nhiều tự chủ của cả các trường, có thể xét tuyển theo hồ sơ. Tuy nhiên nhiều trường vẫn áp dụng thi tuyển hoặc dựa vào kết quả thi THPT quốc gia. Ngay cả khi xét tuyển theo hồ sơ, họ cũng nhằm vào đối tượng có học lực khá, giỏi. Như vậy, nếu tuyển sinh chặt chẽ như đại học chính quy, thì khó, thậm chí không thể tuyển sinh được. Ngay cả khi xét tuyển được, thì khả năng tốt nghiệp cũng thấp do áp dụng thi cử, đánh gía như của hệ tập trung. Các trường thấy cần xiết chặt quá trình đào tạo để chất lượng hệ không chính quy không ảnh hưởng tới uy tín và chất lượng hệ chính quy của trường.

Hiện nay, để quản lý 2 hệ này cũng có 2 quy chế quản lý đào tạo khác nhau. Mặc dù thời gian đào tạo tối đa được quy định như nhau. Vì vậy khi đề xuất này được chấp nhận thì có thể nói tất cả các khâu trong đào tạo hình thức tập trung và không tập trung  phải giống nhau. Điều khác nhau duy nhất là sinh viên hệ tập trung phải có thời gian tập trung ở trường ít nhất 10 tháng, trong khi hệ không tập trung (vừa học, vừa làm phải theo kỳ và chỉ đạt khoảng 3 - 4 tháng/năm.

ĐHBKHN là 1 trong bốn 4 trường đại học đầu tiên ở Việt Nam được trao giấy chứng nhận kiểm định Hội đồng cấp cao về đánh giá nghiên cứu và giáo dục đại học (HCERES). Ảnh: ĐHBKHN

Thực tế để triển khai điều luật này sẽ có ảnh hưởng như thế nào đến các trường hoặc cụ thể là trường ĐHBKHN?

Để ủng hộ chủ trương không phân biệt bằng cấp và chất lượng đào tạo của hai bằng chính quy và chuyển sang tập trung và không tập trung, ĐHBKHN phải giữ chất lượng hệ chính quy, không thể đánh đổi việc để chất lượng, danh tiếng, uy tín của hệ đào tạo chính quy đã trở thành thương hiệu.

Cách đây 10 năm số lượng sinh viên vừa học vừa làm của ĐHBKHN là rất đông nhưng hiện nay số lượng này chỉ chiếm chưa đến 10% số học viên (2.700 sinh viên hệ tại chức trong khi hệ chính quy có 28.700 sinh viên đang theo học năm học 2016-2017). Đối tượng chủ yếu vẫn là hệ tại chức ngắn hạn từ cao đẳng sang đại học, văn bằng hai. Kinh phí đóng góp theo đó cũng không nhiều. Lý do sinh viên hệ tại chức ít đi là do hiện nay cũng đã có nhiều cơ hội học đại học. Như vậy, tại Đại học BKHN không có chuyện hệ tại chức là “nồi cơm của các trường đại học” như nhiều người vẫn nói.

Khi luật này đi vào cuộc sống, lãnh đạo trường quyết tâm đảm bảo chất lượng đào tạo.

Để thực hiện việc này, nhà trường không gặp khó khăn nào khi đã có khung đào tạo rất chất lượng của hệ chính quy. Việc siết chặt chất lượng đầu ra có thể thực hiện bằng việc áp dụng việc thi như của hệ chính quy. Như vậy chất lượng cũng sẽ được đảm bảo. Với quy chế thi hệ chính quy, ĐHBKHN có thể đảm bảo ngay cả những sinh viên có chất lượng đầu vào tốt nhưng không học tập chăm chỉ cũng sẽ không thể có bằng.

ĐHBKHN quyết tâm giữ vững chất lượng đào tạo và từng bước nâng cao chất lượng đào tạo đặc biệt hệ chính quy, không có chủ trương nới hay giảm một tiêu chuẩn, yêu cầu nào. Với hệ không tập trung sau này trên bằng cấp không được ghi nữa, nếu luật được thông qua, trên bằng giống nhau nhưng trên bảng điểm có thể sẽ ghi rõ là hệ tập trung hay không tập trung để người sử dụng có thông tin. Khi cần quan tâm đến bảng điểm để xem xét tố chất của ứng viên về một lĩnh  vực nào đó, chuyên ngành chuyên biệt thì cần quan tâm đến bảng điểm, các kỹ năng xã hội, các kỹ năng khác có thể tìm hiểu qua phỏng vấn.

Có quan điểm lo ngại, mong muốn đảm bảo đẹp hồ sơ của người học sẽ làm tăng cao nhu cầu học tại chức, ý kiến của ông về điều này?

Với các trường đào tạo tại chức theo số đông vẫn cứ phải nghĩ đến uy tín của thương hiệu đào tạo. Hệ đào tạo không tập trung với các trường tốp dưới họ có thể siết chặt đầu ra nhưng chất lượng của họ vẫn là thấp ở cả hệ đào tạo chính quy hay tại chức của họ vẫn thấp, vì vậy, bằng cấp của họ vẫn không thể ngang bằng với các trường tốp trên được.

Với các trường tốp trên, đảm bảo đầu ra chặt chẽ thì việc các sinh viên có thể ra trường sẽ phải học thực chất. Càng nâng cao chất lượng học tập, thi cử thì sinh viên càng phải nâng cao việc học. Như vậy, khó có thể có hiện tượng đổ xô đi học tại chức để có bằng đẹp ở các trường tốp trên.

Xã hội Việt Nam là xã hội “sính” bằng cấp nên người ta coi trọng bằng cấp, trong khi tuyển dụng vị trí làm việc phải xuất phát từ nhu cầu và năng lực ứng viên phù hợp với vị trí công việc. Cơ quan, đơn vị tuyển dụng phải có phương pháp và cách thức tuyển dụng chọn đúng người phù hợp với yêu cầu, trong đó bằng cấp có thể chỉ là 1 điều kiện. Hiện nay nhiểu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và kể cả doanh nghiêp trong nước họ đều chú trọng về năng lực, kỹ năng và kiến thức chuyên môn của ứng viên.

Ngoại trừ một số ngành đặc thù cần coi trọng bằng cấp thì đó sẽ là một yếu tố ưu tiên khi tuyển dụng. Ví dụ như giảng viên đại học ưu tiên có bằng tiến sĩ chẳng hạn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Sơn/Báo Tin tức (ghi)