07:13 17/07/2015

Lãnh đạo đảng Dân chủ Mỹ kêu gọi ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ đã hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân mà Nhóm P5+1 vừa ký với Iran tại Vienna (Áo), đồng thời kêu gọi các đồng nghiệp ủng hộ văn kiện này.


Trong một động thái mang tính biểu tượng được đánh giá cao, lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 16/7 đã hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân mà Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) vừa ký với Iran tại Vienna (Áo), đồng thời kêu gọi các đồng nghiệp ủng hộ văn kiện này.

Bà Nancy Pelosi tuyên bố "ủng hộ mạnh mẽ" thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: huffingtonpost.com


Theo phóng viên TTXVN tại Washington, phát biểu với báo giới, Hạ nghị sỹ Pelosi tuyên bố "ủng hộ mạnh mẽ" thỏa thuận hạt nhân Iran và ca ngợi nỗ lực đàm phán của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Tuyên bố của bà Pelosi, một người có tiếng nói quan trọng trong đảng Dân chủ, được coi là sự khích lệ lớn đối với nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thuyết phục Quốc hội Mỹ thông qua thỏa thuận trên, đặc biệt trong bối cảnh hầu hết các nghị sỹ Cộng hòa và một vài nghị sỹ Dân chủ bày tỏ phản đối.

Thủ lĩnh phe Dân chủ tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Ben Cardin cho rằng không nên đặt niềm tin vào Iran và Quốc hội Mỹ cần phải "xem xét một cách cẩn trọng và sáng suốt".

Trong khi đó, phần lớn các nghị sỹ Dân chủ ủng hộ thỏa thuận với Iran, song một số vẫn bày tỏ nghi ngại. Thượng nghị sỹ Dianne Feinstein, thành viên viên cấp cao của đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Thượng viện, tuyên bố ủng hộ thỏa thuận, cho rằng đây là một "thỏa thuận tốt, đáp ứng các đòi hỏi an ninh quốc gia của Mỹ".

Chính quyền Obama cũng đã phát động một chiến dịch vận động hành lang cho thỏa thuận hạt nhân Iran. Phó Tổng thống Joe Biden cùng ngày đã trở lại Đồi Capitol để gặp gỡ các thành viên của Ủy ban Tình báo Thượng viện. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến có phiên điều trần trước ủy ban này vào ngày 23/7 tới về thỏa thuận này.

Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew sẽ có cuộc điều trần tại Thượng viện vào tuần tới. Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ có cuộc điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, song thời gian chưa được ấn định.

Theo Luật Rà soát thỏa thuận hạt nhân Iran được lưỡng viện Quốc hội thông qua hồi tháng 5 và Tổng thống Obama ký thành luật, Quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét và đưa ra quyết định đối với thỏa thuận. Trong trường hợp Quốc hội bác bỏ, Tổng thống Obama có thể sử dụng quyền phủ quyết và để loại bỏ quyền phủ quyết của tổng thống, các nghị sỹ Cộng hòa phải huy động được 2/3 số phiếu.

Một nghị quyết bác bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran chỉ cần đa số phiếu mà phe Cộng hòa đang nắm giữ hiện nay là đủ để thông qua tại Hạ viện, song đảng Cộng hòa phải cần có thêm ít nhất 6 phiếu nữa từ các nghị sỹ Dân chủ để đạt đủ 60 phiếu nhằm thông qua nghị quyết tại Thượng viện. Khả năng phe Cộng hòa đạt đủ 2/3 số phiếu theo luật định để loại bỏ quyền phủ quyết của Tổng thống Obama còn khó hơn.

Trong một diễn biến liên quan Iran, hãng thông tấn chính thức IRNA của Iran cùng ngày cho biết sau khi sau khi nước này và 6 cường quốc thế giới đạt được thỏa thuận hạt nhân "lịch sử", Mỹ đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào hai công ty hàng hải Iran là Công ty Hàng hải Iran (IRISL) và Công ty Hàng hải Trung Đông Tidewater. Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, 16 giám đốc điều hành các hãng vận tải đường thủy của Iran cùng các công ty liên quan cũng được rút khỏi danh sách trừng phạt của Mỹ.

Các công ty vận tải đường thủy Iran chiếm số lượng đông đảo nhất trong danh sách trừng phạt của các nước phương Tây. Theo thống kê, tổng cộng 132 công ty vận tải đường thủy nằm trong danh sách đen của Mỹ.

TTXVN/Tin Tức