08:22 26/08/2015

Làng Vạn Phúc với những hồi ức về cách mạng

Những ngày tháng 8, về làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi được nghe kể về truyền thống cách mạng của làng lụa có tiếng Thủ đô này.

Những ngày tháng 8, về làng Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội), chúng tôi được nghe kể về truyền thống cách mạng của làng lụa có tiếng Thủ đô này.

Một trong những lý do làng Vạn Phúc được chọn làm An toàn khu do khoảng cách nằm ven ngoại thành không quá gần nhưng cũng không quá xa, đường xá đi lại thuận tiện lên chiến khu Việt Bắc. Từ năm 1938 đến năm 1945, nhiều cán bộ lãnh đạo Đảng về Vạn Phúc hoạt động như các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh...

Ông Nguyễn Quang Hải kể lại thời kỳ trước năm 1945.


Khác hẳn với con đường rộng rãi đầu làng với nhiều ki ốt bán hàng lụa, để đi vào một số nhà đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng trước thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền, chúng tôi đi theo con đường ngoằn nghèo trong làng Vạn Phúc. Đến ngôi nhà cụ Nguyễn Quang Oánh, một trong những nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng năm xưa, chúng tôi gặp ông Nguyễn Quang Hải (80 tuổi), là con thứ hai của cụ Nguyễn Quang Oánh. Ngôi nhà giờ đã được làm khang trang và trước sân có ghi tấm biển di tích cách mạng. Tuổi đã cao nhưng ông Hải vẫn nhớ những câu chuyện về việc nuôi dưỡng những đồng chí cán bộ lãnh đạo cách mạng trước thời kỳ năm 1945.

“Bố tôi là cụ Nguyễn Quang Oánh đã mất cách đây hơn 30 năm nhưng những lời căn dặn của cụ vẫn được con cháu trong gia đình ghi nhớ. Vào mùa thu năm 1939, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã về làm việc ở Vạn Phúc một thời gian. Cơ sở đã bố trí nơi ở, làm việc cho đồng chí Tổng Bí thư ở tầng hai nhà tôi. Thời kỳ này, nhà tôi cũng là nơi đặt xưởng in tờ báo "Cờ Giải phóng” - cơ quan tuyên truyền của Xứ ủy Bắc kỳ trong hai năm 1938 - 1939. Nhà tôi còn là địa điểm mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chính trị khóa đầu tiên cho cán bộ cách mạng”, ông Hải kể.

Tấm bia trước một số cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng.


“Thời gian ở nhà tôi, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đóng vai thầy giáo dạy tiếng Pháp. Đang trong thời kỳ hoạt động bí mật nên lúc đó, người dân trong làng cũng chỉ biết đó là thầy giáo. Chỉ có bố tôi biết Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ là cán bộ quan trọng của Đảng. Ngoài đồng chí Nguyễn Văn Cừ, nhà ông cũng từng là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh. Có một lần mật thám vào vây bắt cán bộ cách mạng. Khi thấy “người lạ” ập vào cửa, bố tôi liền “giục” đồng chí Trường Chinh và những người thợ cầy đi làm. Lúc đó đồng chí Trường Chinh đi lẫn vào với những thợ cày khác đi làm đồng và thoát ra ngoài. Thường thì chỉ có những nhà có điều kiện mới nuôi giấu cán bộ cách mạng. Nhà tôi lúc đó có nhiều ruộng, khoảng 15 khung dệt nên trong nhà lúc nào cũng có hơn 20 người làm. Chính vì vậy mới che mắt được mật thám. Sau này cách mạng thành công, gia đình tôi không ai còn làm nghề dệt nữa. Căn nhà xưa đã xây theo kiến trúc mới để chia cho các con”, ông Hải kể.

Gần với nhà cụ Nguyễn Quang Oánh là nhà cụ Nguyễn Văn Chắt là nơi nuôi giấu nhiều cán bộ cách mạng. Vào tháng 7/1940, làng Vạn Phúc tiếp tục được đón đồng chí Trường Chinh về công tác. Xứ ủy và chi bộ đã bố trí nơi ăn ở, làm việc của đồng chí Trường Chinh ở nhà cụ Nguyễn Văn Chắt. Để che mắt mật thám, phía dưới nhà có khung dệt đề phòng địch ập đến bất ngờ, nếu chưa kịp rút, đồng chí ngồi vào dệt như người thợ cửi.

Nơi Bác viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.


Những người như ông Hải giờ đã có tuổi nhưng khi kể về những hồi ức trước Cách mạng tháng Tám/1945 vẫn luôn hồ hởi: “Thời đó tôi còn bé, ngày khởi nghĩa, người dân nô nức đi diễu hành để giành chính quyền. Những cơ sở đã từng nuôi giấu cán bộ cách mạng thời kỳ trước năm 1945 đều cảm thấy tự hào vì đã góp phần nhỏ bé vào thành công của cách mạng. Nay các nhà nuôi giấu cán bộ cách mạng trước năm 1945 đều được gắn biển di tích cách mạng. Đây là niềm vinh dự, tự hào không chỉ riêng gia đình mà cho cả người dân Vạn Phúc".

Đến làng Vạn Phúc, một địa chỉ “đỏ” không thể bỏ qua là Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh. Nơi Bác Hồ đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”. Chị Cao Thị Hồng, thuyết minh viên tại điểm cho biết: Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, trước sức ép gia tăng của giặc Pháp hòng quay lại chiếm đóng Việt Nam, để chuẩn bị cho ngày Toàn quốc kháng chiến, người dân làng Vạn Phúc đã vinh dự được đón Bác Hồ vào ngày 3/12/1946. Tuy nhiên, lần này Bác Hồ về Vạn Phúc vào buổi tối và ở nhà cụ Nguyễn Văn Dương. Bác được bố trí ở tầng 2 căn nhà. Tại đây, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Hội nghị Trung ương Đảng mở rộng được triệu tập. Dự họp có Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp... Sáng 20/12/1946, Đài Tiếng nói Việt Nam đặt tại hang Núi Trầm, xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ phát đi "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Bác. Đây là mệnh lệnh mở đầu cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược. Trước đó, ngày 19/12/1946, Bác Hồ đã rời Vạn Phúc, chuyển về Xuân Dương (huyện Thanh Oai).

Theo ông Đặng Quang Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Vạn Phúc, nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các di tích cách mạng khác đang được cơ quan chức năng đầu tư, nâng cấp trở thành điểm thăm quan giáo dục truyền thống cách mạng. Gắn phát triển du lịch với làng nghề dệt truyền thống, Vạn Phúc có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, số hộ nghèo chỉ còn khoảng 1%. Hiện mỗi ngày Vạn Phúc đón hàng chục đoàn khách trong nước và nước ngoài đến tham quan, mua sắm. Phường đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao giá trị từ sản xuất làng nghề như quy hoạch khu du lịch đình, chùa, phường cửi; gắn biển kinh doanh dịch vụ sản phẩm làng nghề... Đồng thời trong chương trình tour, các điểm di tích cách mạng sẽ là điểm đến không thể bỏ qua.

Bài và ảnh: Xuân Minh