05:07 01/05/2011

Làng tiến sĩ bên sông Cầu

Lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam với gần 845 năm, kể từ khoa thi Minh Kinh Bác học đầu tiên 1075 thời nhà Lý đến khoa thi cuối cùng năm 1919 triều Nguyễn, có 187 khoa (đại khoa)...

Lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam với gần 845 năm, kể từ khoa thi Minh Kinh Bác học đầu tiên 1075 thời nhà Lý đến khoa thi cuối cùng năm 1919 triều Nguyễn, có 187 khoa (đại khoa) thì người Hà Bắc (nay là Bắc Ninh và Bắc Giang) dự thi 145 khoa, 645 người đỗ tiến sĩ và tương đương tiến sĩ, chiếm hơn 1/4 tiến sĩ cả nước. Trong đó riêng làng Kim Đôi, xã Kim Chân, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh, đã có 25 tiến sĩ, là một trong hai làng có truyền thống khoa bảng hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt có gia đình 5 người con thì cả 5 đều đỗ tiến sĩ.

Lễ vinh danh tiến sĩ, thạc sĩ họ Nguyễn làng Kim Đôi năm 2010.

Kim Đôi xưa có tên gọi là Dủi Quan (người dân sống bằng nghề dủi tôm cá ngoài đồng và sông ngòi, có nhiều người làm quan). Nằm bên bờ nam sông Cầu, nơi đây từng được mệnh danh là một trong những "lò tiến sĩ" của nước Việt, nổi tiếng qua câu ca lưu truyền ghi trong cuốn “Phong thổ Kinh Bắc thời Lê”: “Kim Đôi nhiều cuộc hiển vinh. Hai mươi lăm vị khoa danh rỡ ràng”. Số lượng tiến sĩ của làng tập trung chủ yếu vào dòng họ Nguyễn với 18 vị. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Phong thổ Kinh Bắc thời Lê”, “Đăng khoa lục” và tập sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” đều liệt kê các tiến sĩ làng Kim Đôi.

Cụ Nguyễn Nhân Tiên- hậu duệ đời thứ 17 (86 tuổi) là Trưởng ban Đại diện dòng họ Nguyễn Kim Đôi cho biết: Khởi thủy của làng tiến sĩ bắt đầu từ gia đình bà Hoàng Thị Hay (quê ngoại ở vùng Bạch Nhạn, Phả Lải, Hải Dương), một người mẹ mẫu mực nuôi dạy con cái nên người. 5 người con trai của bà đều lần lượt đỗ tiến sĩ và trở thành những quan đại thần dưới triều Lê. Khoa thi năm Bính Tuất 1466, hai anh em Nguyễn Nhân Bỉ (SN 1448) và Nguyễn Nhân Thiếp (SN 1452) cùng đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Thái Nguyên Tham ngự và Lại Bộ Thượng thư Đông các học sĩ. Tiếp đó là Nguyễn Nhân Bồng (SN 1450) đỗ khoa Kỷ Sửu 1469, làm Lễ Bộ tả thị lang, hội viên Hội Tao đàn nhị thấp bát tú; Nguyễn Nhân Dự (SN 1456) đỗ khoa Nhâm Thìn 1472, giữ chức Hiến sát sứ và người em út Nguyễn Nhân Đạc (SN 1457) đỗ khoa Ất Mùi 1475, giữ chức Hàn lâm Viện kiểm thảo.

Từ một gia đình nghèo hiếu học, 5 anh em họ Nguyễn đã làm rạng danh công đức Tổ tiên. Họ là những người đã đặt những viên gạch hồng đầu tiên xây nên “Làng Tiến sĩ” Kim Đôi, mang về cho quê hương 8 chữ vàng “Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều” do vua Lê Thánh Tông ban tặng. Bia Minh thế hệ còn lưu giữ trong Từ đường họ Nguyễn đã ghi“Thanh tiền trúng tuyển nhân gian thiểu; Hoàng bảng thư danh bản tộc ta”, có nghĩa là: “Ngày xưa nhà nghèo chỉ có tiền kẽm gỉ xanh mà đi thi đỗ đạt cao thật hiếm có trong nhân gian, nhưng được ghi tên bảng vàng thì họ ta có rất nhiều”. Tổ tiên làm quan cao chức trọng nhưng vẫn giữ gìn bồi đắp nhân đức, làm nhiều điều lành hiền phúc hậu nên con cháu dòng dõi được vinh hiển muôn đời. Quả thực, từ nền tảng khoa danh, con cháu Nguyễn tộc Kim Đôi tiếp tục ghi tên mình trong bảng vàng khoa cử với 13 người đỗ tiến sĩ trong các triều đại phong kiến kế tiếp.

Trải qua thời gian, truyền thống hiếu học khoa bảng luôn được người làng Kim Đôi phát huy. Ngày giỗ Tổ 28/2 năm Canh Dần 2010, lần đầu tiên Ban đại diện họ Nguyễn đã tổ chức lễ vinh danh con cháu là thạc sĩ, tiến sĩ trong nền giáo dục quốc dân hiện đại. Cụ Nguyễn Nhân Tiên phấn khởi cho biết, dòng họ hiện có 3 tiến sĩ là Nguyễn Việt Huyến (SN 1940) - Tiến sĩ Hóa học; Nguyễn Sỹ Thuận và Nguyễn Thị Diệu Thư (SN 1975) cùng chuyên ngành Tin học. Ngoài ra còn có 8 người trình độ thạc sĩ các chuyên ngành quản lý kinh tế, sử học, hóa học, kiến trúc... cùng hàng trăm người đỗ cử nhân. Dẫu rằng ngày nay bước đường khoa cử đạt được còn khiêm tốn, song nói như cụ Nguyễn Nhân Tiên, con cháu họ Nguyễn vẫn có thể tự hào rằng họ đang viết tiếp những mốc son truyền thống của cha ông; xứng với đôi câu đối còn được trao truyền qua đôi câu đối trước cổng nhà thờ “Kim bảng thạch bi truyền vọng tộc; Hiên xa tứ mã xứng cao môn”.

C.Duy