07:14 31/07/2019

Lạng Sơn sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã

Ngày 31/7, UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức cuộc họp xem xét Đề án về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019-2021.

Theo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2019-2021, Lạng Sơn sẽ tiến hành sắp xếp 51 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 9/11 đơn vị cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Tổng số đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Lạng Sơn sau sắp xếp là 200 đơn vị, giảm 26 đơn vị so với trước khi sắp xếp.

Việc sắp xếp, sáp nhập được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo công khai, dân chủ, theo đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu nhất trí cao với dự thảo Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính của UBND tỉnh. Nhiều đại biểu nêu ý kiến việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã cần có hướng dẫn cụ thể về đảm bảo chế độ chính sách đối với các cán bộ, công chức tại các đơn vị sau sắp xếp, đặc biệt là vị trí việc làm của các cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và cần quy định số lượng người làm việc tại các đơn vị hành cấp xã mới.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có định hướng cho việc đặt tên mới cho xã, vị trí đặt trụ sở mới, quản lý sử dụng các trụ sở cũ sau sắp xếp... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị, đối với các xã mới sát nhập từ 3 đến 4 xã cũ, tỉnh cho phép được thêm các phó chủ tịch nhằm đảm bảo xử lý công việc được thuận lợi.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, lãnh đạo tỉnh sẽ quan tâm tạo mọi điều kiện như bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện đề án; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời biểu dương, khen thưởng các địa phương làm tốt để việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã đạt hiệu quả cao nhất.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tư tưởng, nắm bắt dư luận xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương.

Việc sắp xếp phải gắn với đổi mới, tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, thực hiện dân chủ, khách quan, minh bạch trong việc rà soát, đánh giá, bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ công chức, viên chức tại các xã thuộc diện sắp xếp.

Ngọc Tùng (TTXVN)