07:07 10/07/2012

Lạng Sơn: Mái ấm tình thương nơi biên giới

Trung tâm Hy vọng nằm tại khu Phiêng Quăn (thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) đã thực sự là ngôi nhà ấm áp cho những mảnh đời nhỏ bé có số phận không may mắn.

Trung tâm Hy vọng nằm tại khu Phiêng Quăn (thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, Lạng Sơn) đã thực sự là ngôi nhà ấm áp cho những mảnh đời nhỏ bé có số phận không may mắn. Hiện tại, nơi đây đang nuôi dưỡng và dạy dỗ hơn 50 em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, nhiều em mất cả cha lẫn mẹ. Các em được nuôi dưỡng chu đáo, được hỗ trợ ăn, học đầy đủ...


 

Màn biểu diễn văn nghệ của các cháu tại Trung tâm Hy vọng.

 

Gặp chúng tôi, những em nhỏ của Trung tâm Hy vọng đều chào hỏi lễ phép với nụ cười rạng rỡ, thân thiện. Ngắm nhìn các em, ít ai biết rằng đây chính là những đứa trẻ mồ côi, thậm chí có những em mồ côi khi mới lọt lòng. Cô Vi Thị Tươm - Phó Giám đốc Trung tâm Hy vọng, người công tác ở đây từ những ngày đầu mới thành lập trung tâm, cho biết: Trung tâm được tổ chức phi Chính phủ của Hà Lan tài trợ để xây dựng cơ sở vật chất từ năm 2003 đến năm 2006. Sau khi xây dựng xong, trung tâm gặp nhiều khó khăn vì không có kinh phí để nuôi dưỡng các em mồ côi, nhưng với quyết tâm của Ban giám đốc và sự chia sẻ, tài trợ của cộng đồng các nhà hảo tâm và chính những người dân địa phương, trung tâm đã duy trì được hoạt động từ đó đến nay. Hiện trung tâm đang nuôi dưỡng hơn 50 trẻ em mồ côi và tất cả các nguồn kinh phí để thực hiện việc này đều chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa.


Rất nhiều mảnh đời, số phận không may mắn được ngôi nhà "Hy vọng" này che chở, bao bọc. Như trường hợp của em Lý Thị Hồng, sinh năm 1996, dân tộc Nùng, ở thôn Phiêng Bưa (xã Khuất Xá, huyện Lộc Bình). Lý Thị Hồng mồ côi cả cha lẫn mẹ, là con út trong một gia đình nghèo có tới 6 anh em, nên đã được gửi tới Trung tâm. Hồng sống ở trung tâm đã 4 năm rồi. "Tại đây cháu được các bố, mẹ ở Trung tâm yêu thương, chăm sóc coi như con đẻ, được học tập, vui chơi, cháu rất hạnh phúc khi được sống ở đây. Cháu sẽ cố giắng học tập thật tốt để trở thành một người có ích cho xã hội", Lý Thị Hồng xúc động cho biết.


Em Hoàng Văn Lạng, sinh năm 1999, dân tộc Sán Chỉ, ở thôn Nà Nong (xã Minh Phát, huyện Lộc Bình) cũng có một hoàn cảnh thật đáng thương. Hoàng Văn Lạng tâm sự: "Cháu vào trung tâm được 3 năm, bố cháu bị tàn tật, mẹ thì mất tích. Khi vào đây, được các bố, mẹ tận tình chăm sóc từ miếng ăn, giấc ngủ, cháu vui lắm. Đây thực sự là ngôi nhà thân thương của chúng cháu".


Tại trung tâm, các em được hỗ trợ hoàn toàn về nơi ăn, ở, y tế, tư vấn tâm lý, học văn hóa, học nghề, nâng cao kỹ năng sống… Sau thời gian ở đây, các em thi đỗ vào các trường chuyên nghiệp vẫn được trung tâm hỗ trợ tiền ăn, nghỉ, học tập để các em tiếp tục theo học. Hiện tại Trung tâm đã có 11 em theo học các trường cao đẳng, trung cấp và các trường nghề ở Hà Nội. Một số học sinh tiêu biểu ở đây có thể kể đến như các em: Ma Thị Tuyết (học sinh tiên tiến nhiều năm, nay học tại trường Cao đẳng Tài nguyên Môi trường); em Nguyễn Thị Duyên (học sinh tiên tiến nhiều năm, hiện học tại trường Trung cấp nấu ăn)…


Cô Vi Thị Tươm cho biết thêm: Cả Trung tâm hiện chỉ có 3 người, chăm sóc các cháu 24/24 giờ. "Tuy vất vả là vậy, nhưng chúng tôi thấy vui và tình nguyện làm công việc này vì tương lai và niềm hạnh phúc của những đứa trẻ nơi đây. Còn rất nhiều khó khăn ở phía trước, chúng tôi rất mong muốn được các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tiếp tục giúp đỡ về mặt vật chất và tinh thần, chung tay chăm lo, nuôi dưỡng những mảnh đời quá thiệt thòi và kém may mắn này để các em có thể trở thành những công dân có ích cho xã hội. Trước mắt, chúng tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức để xây dựng cho các cháu một căn nhà đa năng phục vụ các hoạt động học tập, vui chơi, giải trí".


Rời Trung tâm Hy vọng, sau những nụ cười và lời chào của các em nơi đây, chúng tôi vẫn trăn trở với những mong muốn rất thiết thực, bình dị của trung tâm: Mong một sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng để nụ cười, niềm vui hạnh phúc mãi nở trên môi những trẻ em không may mắn...


Thắng Trung