07:08 26/07/2012

Làng Nùng đoàn kết đi lên

Nằm giữa thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), làng Nùng - nơi định cư mới của đồng bào người Nùng miền Tây Bắc xa xôi tại cao nguyên Lâm Đồng, đang có những bước chuyển mình rõ rệt.

Nằm giữa thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng), làng Nùng - nơi định cư mới của đồng bào người Nùng miền Tây Bắc xa xôi tại cao nguyên Lâm Đồng, đang có những bước chuyển mình rõ rệt.


Làng Nùng là tên thường gọi của người dân địa phương đối với khu dân cư có gần 30 hộ toàn người Nùng, thuộc tổ dân phố Tiên Phong, thị trấn Đinh Văn. Diện mạo làng nay đã thay đổi rất nhiều so với cách nay gần 30 năm, khi lớp cư dân người Nùng đầu tiên di cư đến vùng đất này. Những ngôi nhà thiết kế theo lối kiến trúc kiểu nông thôn miền Bắc nằm san sát, vươn mình giữa những ruộng lúa mênh mông.


Trong căn nhà gỗ 3 gian, bà Bế Thị Trà (63 tuổi) đang ngồi mân mê tà áo truyền thống của dân tộc mình. Chiếc áo này đã theo bà từ thời con gái, từ lúc còn ở miền quê hương Cao Bằng vào đây. Bà Trà kể cho chúng tôi nghe về quê hương với hang Pác Pó, với rừng, với núi, với chợ phiên Tây Bắc… Bà tâm sự: “Nhớ thì nhớ, nhưng dù sao quê hương mới vẫn tốt hơn quê cũ rất nhiều. Ở đây đường đi dễ dàng thuận lợi, cuộc sống văn minh và tiến bộ hơn”.


 

Những ngôi nhà kiên cố được người dân làng Nùng xây dựng trên quê hương mới.

 

Cuối năm 1989, gia đình bà Trà quyết định rời quê hương là xã Hồng Đại (huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng), vào vùng đất Lâm Đồng lập nghiệp. Hai bàn tay trắng trên quê mới, gia đình bà phải đi mót lúa, mót ngô… tìm cái ăn, cái mặc. Bà Trà lúc đó dạy học ở trường THCS Phi Tô, cách nhà hàng chục cây số. Mỗi tuần phải lội bộ băng rừng đi dạy, nhưng cuộc sống vẫn bộn bề khó khăn, đói ăn thường xuyên.


Thương gia đình bà không có đất, không có nhà, ông K’Bríu (người K’Ho, lúc ấy là cán bộ xã) đã tặng 1 sào đất cho gia đình bà làm nơi định cư. Gia đình bà ra sức làm lụng, dành tiền dựng căn nhà gỗ để có chỗ ở ổn định. Đến nay, gia đình bà đã có của ăn, của để, kinh tế khá giả, con cái được học hành đến nơi đến chốn. Bà nói đầy vẻ tự hào: “Hai người con lớn của tôi đã lập gia đình và có việc làm ổn định, còn đứa con trai út cũng đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh rồi đấy”.


Không còn phải đi mót từng hạt lúa, bắp ngô như ngày trước, gia đình ông Bế Văn Dịch (57 tuổi) hiện nay cũng đã có điều kiện kinh tế khá ổn định. Nhờ biết tích cóp, siêng năng lao động, đến nay gia đình ông đã có 3 sào lúa và hơn 1 ha cà phê. Ngồi trong căn nhà khang trang trị giá hơn 300 triệu đồng được xây dựng từ năm 2008, ông Dịch kể: “Tôi vào đây từ năm 1985 do cuộc sống ở quê cũ nghèo khổ quá, đất chật người đông. Sau nhiều năm cố gắng lao động, gia đình tôi đã xây được căn nhà này. Mấy năm trở lại đây đời sống kinh tế ổn định hơn rất nhiều”.


Lập nghiệp trên vùng quê mới, không những ổn định về mặt đời sống kinh tế mà đời sống văn hóa tinh thần của người dân làng Nùng cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Người làng Nùng đã bỏ được nhiều hủ tục trong ma chay, cưới hỏi, mê tín dị đoan như ở quê cũ. Ông Đỗ Anh Học - Tổ trưởng Tổ dân phố Tiên Phong, nhận xét: “Ý thức của người dân nơi đây đã biến chuyển nhiều, ngày càng văn minh hơn. Mọi người rất đoàn kết và thường xuyên qua lại giao lưu với người dân bản địa, nên tình hình an ninh trật tự rất đảm bảo”.


“Đặc biệt người dân trong thôn còn thường xuyên tham gia các buổi gặp mặt, giao lưu văn hóa với các dân tộc khác trên địa bàn. Ngoài việc thay đổi được những phong tục không phù hợp, họ còn giữ được những nét bản sắc văn hóa riêng, nên đã góp phần cho đời sống văn hóa cộng đồng trong khu vực thêm đa dạng, phong phú” - ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đinh Văn nhấn mạnh.

 


Bài và ảnh: Nguyễn Dũng