04:10 09/04/2011

Làng nghề làm miến - còn nhiều nỗi lo

Hộ anh Nguyễn Văn Hòa (xã Cát Quế) có truyền thống làm miến từ nhiều đời nay. Mỗi tháng, gia đình anh thu mua khoảng 48 tấn bột dong riềng. Bột mua về được cho vào những bể xi măng rồi đổ nước vào ngâm để “rửa bột” cho sạch.

Làm giàu từ miến

Hộ anh Nguyễn Văn Hòa (xã Cát Quế) có truyền thống làm miến từ nhiều đời nay. Mỗi tháng, gia đình anh thu mua khoảng 48 tấn bột dong riềng. Bột mua về được cho vào những bể xi măng rồi đổ nước vào ngâm để “rửa bột” cho sạch. Việc rửa bột cần ba bốn nước, bột càng sạch thì miến càng dai và ngon. Tiếp theo là dùng máy đánh bột cho thật đều và nhuyễn, rồi đến công đoạn tráng bánh. Bột được cho vào thùng, qua nồi hơi sau ít phút, bánh được đưa vào băng chuyền ra phên và phơi. Với dây chuyền này, cơ sở của anh Hòa sản xuất mỗi ngày hàng tấn miến.

Anh Hòa cho biết, để làm được một tấn miến phải dùng hết 1,6 tấn bột, tính chi phí từ xăng dầu, than củi, điện, công thợ, khấu hao máy móc, mỗi cân miến trung bình lãi được từ 500 đến 700 đồng. Tính bình quân 1 tháng, gia đình anh lãi 15 - 20 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tạo việc làm cho 10 người trong địa phương với thu nhập 100.000 đồng/ngày. Theo anh Hòa, hiện nay có khoảng trên 100 hộ gia đình thuộc 3 xã (Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai) có xưởng chuyên làm nghề chế biến miến dong và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương và các vùng lân cận, hộ làm ít nhất một ngày cũng trên 4 tạ miến, những hộ lớn khoảng 1 tấn miến dong.

Trải bánh miến lên phên. Ảnh: An Đăng-TTXVN


Khi được hỏi dây chuyền tráng bánh mua ở đâu, anh Hòa dẫn chúng tôi đến nhà anh Đỗ Đăng Thắng, chủ xưởng cơ khí ở xã Minh Khai, người đã chế tạo máy làm miến phục vụ người dân nơi đây. Anh Thắng cho biết: Trước đây, gia đình anh có nghề làm miến truyền thống nhưng vẫn không đủ ăn, làm cả ngày cũng chỉ được 5 đến 10 kg miến do công cụ thô sơ. Sau khi xuất ngũ năm 1990, thấy người làng nghề vất vả mà không đủ ăn, anh đã mày mò nghiên cứu chế tạo ra máy tráng miến đầu tiên có công suất từ 1 đến 2 tạ/ngày. Đến nay, anh đã chế tạo ra chiếc máy có công suất từ 1 đến 2 tấn miến/ngày.

Ông Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ tịch UBND xã Cát Quế cho biết: Nhờ nghề làm tinh bột và miến dong được duy trì và phát triển, những năm gần đây đời sống của nhân dân trong xã không ngừng tăng cao, bộ mặt nông thôn thay đổi từng ngày.

Còn đó những nỗi lo

Một trong những khó khăn mà các cơ sở làm miến trong làng nghề gặp phải là thiếu vốn. Nhiều hộ nghèo như anh Hàm ở Cát Quế, chị Thanh ở Dương Liễu muốn vay vốn để mở xưởng làm miến nhưng việc tiếp cận vốn vay có hỗ trợ lãi suất đối với người nông dân rất khó, thủ tục lại phức tạp.

Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề nan giải mà địa phương chưa tìm ra cách giải quyết. Những tháng giáp Tết, số hộ làm miến tăng nên lượng bã thải ra rất nhiều. Môi trường ô nhiễm như hiện nay là do một số hộ chế biến tinh bột, làm miến đổ thẳng nước thải ra cống rãnh, mà không qua xử lý. Hệ thống thoát nước không được nạo vét thường xuyên khiến rác thải ứ đọng rất nhiều. Bên cạnh đó, trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng chưa cao.

Để sản phẩm tinh bột và miến dong của nghề làm miến ngày càng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, trong đó có việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, thì vấn đề môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm cần phải được giải quyết triệt để. Có như vậy, người dân làng nghề mới có cuộc sống ấm no, bền vững nhờ nghề truyền thống.

PV