02:18 18/02/2015

Làng nghề làm khô biển ở Cà Mau vào Tết

Làng nghề làm cá khô ở Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có gần 40 cơ sở chế biến cá khô biển, chủ yếu là khô mực và được hình thành từ rất lâu đời.

Làng nghề làm cá khô ở Sông Đốc, thị trấn Sông Đốc thuộc huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có gần 40 cơ sở chế biến cá khô biển, chủ yếu là khô mực và được hình thành từ rất lâu đời. Nhiều cơ sở chế biến sản phẩm khô mực đưa đi tiêu thụ tại Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Chỉ riêng trong dịp Tết này, các cơ sở ở thị trấn Sông Đốc cung cấp ra thị trường hơn 30 tấn khô mực, giá cả tăng nhẹ so với ngày thường. 


Làng nghề cá khô phát triển đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Ảnh: baocamau.com.vn


Vào những ngày này, không khí tại làng nghề rất nhộn nhịp, hàng ngàn lao động ở thị trấn đang tất bật với công việc làm khô mực. Đây là cơ hộ kiếm tiền nhiều nhất trong năm, do vậy người dân vùng biển Sông tranh thủ từ sáng sớm đã có mặt tại các cơ sở chế biến cá khô biển và đến chiều tối mới trở về nhà. 

 
Với thời gian lao động như vậy, mỗi lao động sẽ có được thu nhập từ 120.000-250.000đồng/ngày. Công việc của họ rất đơn giản, chỉ cần nhanh tay phân loại kích cỡ khô mực, vệ sinh và sắp xếp cẩn thận sản phẩm khô mực vào thùng theo yêu cầu của các chủ cơ sở. 

 
Chị Nguyễn Thị Hằng có gần 10 năm gắn bó với làng nghề ở Sông Đốc tâm sự: Công việc này phù hợp cho những lao động nhàn rỗi. Nhiều người ít học, không nghề nghiệp ổn định nên chọn nghề làm khô biển để mưu sinh. Cứ mỗi dịp Tết, gia đình chị có ba lao động đi làm thuê cho chủ cơ sở thu nhập bình quân từ 5-7 triệu đồng và khoản thu nhập này đủ để ăn Tết. 

 
Theo ông Nguyễn Đồng Khởi, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, cửa biển Sông Đốc có đoàn tàu khai thác thủy sản đông nhất ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chuyến khai thác thủy sản vào giáp Tết Nguyên đán đạt sản lượng gần 8.500 tấn; trong đó sản lượng mực tươi chiếm 40%. 

 
Do giá trị khô mực cao hơn gấp nhiều lần so với mực tươi và khô mực bảo quản được lâu nên nhiều cơ sở chế biến cá khô biển ở Sông Đốc đặt hàng các chủ tàu cá khi đánh bắt mực tươi làm khô ngay trên biển để khô giữ được nguyên chất lượng. 

 
Ông Từ Văn Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc bày tỏ, cửa biển Sông Đốc có hơn 30.000 dân nhưng có đến gần 50% là dân tạm trú. Người dân tứ xứ đổ về đây mưu sinh bằng nghề biển như: làm ngư phủ, làm khô biển, mua bán. 

 
Ở thị trấn có làng nghề chế biến khô biển nổi tiếng, trong đó phải kể đến khô mực là sản phẩm khô biển đặc sản được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Trong những năm gần đây, làng nghề làm khô mực ở đây ăn nên, làm ra đã tham gia giải quyết việc làm thường xuyên cho một số lượng lớn lao động nhàn rỗi, tạo nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân thuộc diện gia đình nghèo ở nơi cửa biển sầm uất này. 

 

Kim Há (TTXVN)