Tôi sống ở phố Ngọc Hà từ trước năm 1954 nên không lạ gì làng hoa Ngọc Hà. Làng Ngọc Hà là một trong số “thập tam trại” - mười ba làng bao quanh hồ Tây, chuyên sản xuất những nhu yếu phẩm cung cấp cho kinh thành Thăng Long xưa.
Trước khi quân Pháp đánh chiếm Hà Nội, làng Ngọc Hà nằm ở phía Đông tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức. Cuối thế kỷ 19, người Pháp chiếm một phần đất của làng để xây dựng Phủ Toàn quyền.
Nay nơi đó là Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chính phủ và vườn hoa Bách Thảo.
Làng Ngọc Hà cũ có 5 xóm, các xóm đều có đường thông ra phố Đội Cấn, phố Ngọc Hà và làng Đại Yên. Từ những năm 1920, do làng ở gần một số công sở, xí nghiệp và trại lính, nên người các nơi đến làng mua đất để ở ngày một nhiều. Một số khác đến thuê nhà trong các ngõ đầu làng. Ở đầu phố Ngọc Hà có một trại lính khố xanh làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh vùng ven của Phủ Toàn quyền.
Trong đợt khai quật di tích Hoàng thành Thăng Long, Viện khảo cổ đã tìm thấy dấu tích một con sông cổ chảy ngang qua kinh thành theo hướng Đông - Tây, về phía làng Ngọc Hà xưa. Các nhà khảo cổ cho rằng đây chính là con sông mang tên sông Ngọc, làm nên tên làng Ngọc Hà.
Ngọc Hà có nghề trồng hoa lâu đời. Thời kỳ đầu, dân làng chỉ trồng các loại hoa cúng. Hoa được xâu lạt thành tràng hoa hoặc gói trong lá chuối tươi. Các cô gái hàng hoa nơi đây đã từng đi vào thơ ca, tiểu thuyết...
Đầu thế kỷ XX, người Pháp đưa các loại hoa lay ơn, cẩm chướng, cúc, violet và rau củ ngoại đến Ngọc Hà. Người Ngọc Hà dần học được kỹ thuật trồng các loại hoa này, vừa để bán cho cả người Việt và người Pháp, vừa để chơi trong nhà mình. Các quầy bán hoa bắt đầu mọc lên ở các ngã tư các phố Tây, tập trung ở khu vực Hồ Gươm và phố Hàng Lược, chợ Đồng Xuân. Vào dịp Tết Nguyên đán, hình thành chợ hoa Cống Chéo - Hàng Lược, chủ yếu do người làng Ngọc Hà bán. Cho đến những năm 1970, Ngọc Hà vẫn còn là một làng trồng hoa cung cấp hoa tươi trong nội thành Hà Nội.
Vào thời điểm cuộc chiến Điện Biên Phủ trên không diễn ra ở Hà Nội, làng Ngọc Hà đã trở thành một chứng tích ghi lại sự kiện lịch sử này, cũng như lưu giữ một di tích kỳ thú về "quái thú" xác B-52 trên hồ Hữu Tiệp (nay thuộc phường Ngọc Hà).
Còn nhớ, 19h10 tối 18/12/1972, tôi nhận được tin từ Hội đồng Phòng không Thành phố cho biết B-52 đang bay vào đánh phá Hà Nội. Tôi vội báo cáo với Tổng Biên tập Đào Tùng. Đây là khoảng thời gian vô cùng quý giá để các phóng viên TTXVN chúng tôi chuẩn bị làm tin tố cáo tội ác hủy diệt Hà Nội và tường thuật máy bay B-52 sẽ bị bắn rơi trên dịa bàn Hà Nội. Thông tin nội bộ cho biết các trận địa tên lửa đã chủ động đón lõng hướng B-52 vào đánh phá Hà Nội.
Lúc 20h13, kíp chiến đấu Tiểu đoàn 59, Trung đoàn tên lửa 261 đã phóng tên lửa SAM 2 tiêu diệt mục tiêu. Chiếc B-52 đầu tiên trúng đạn bùng cháy sáng rực bầu trời phía Bắc Hà Nội. Ngay lập tức, mũi phóng viên ảnh của Tổng xã của Văn Bảo lao xe qua phà Hàm Tử quan trực chỉ Đồng Anh, Sóc Sơn. Các anh sang đến cánh đồng Chuôn, xã Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, Hà Nội khi các đám cháy chưa tắt. Tại đây trong ánh lửa, Văn Bảo kịp chụp được tấm ảnh lịch sử: Bàn chân dép lốp của nữ dân quân dẫm lên mảnh xác máy bay có phù hiệu của máy bay B-52.
Lái xe Đào Đắc Phòng đưa mũi phóng viên của tôi tác nghiệp ở Gia Lâm, Yên Viên, nơi dính các vệt bom rải thảm khiến mấy chục người thương vong. Và ngay trong đêm, tôi đã có bài tổng thuật trận đầu thắng lớn của quân dân Thủ dô. Kết thúc ngày đầu tiên của Điện Biên Phủ trên không, quân và dân Thủ đó đã tiêu diệt 3 máy bay B-52.
Tư liệu về B-52 có ghi rằng một viên tướng Mỹ, từng "chém gió" rằng nằm dưới tầm B-52, đối phương chỉ còn cách cầu Chúa. Tuy nhiên, người Hà Nội không cầu Chúa, khấn Phật cứu mình, mà vùng đứng lên nổ súng, bấm nút phóng tên lửa và đưa máy bay MIG 21 lên nghênh chiến B-52. Trong giai đoạn I của chiến dịch Linebacker II (Sấm rền 2), máy bay Mỹ đã liên tục đánh phá Hà Nội trong 6 ngày, 7 đêm; trút hàng ngàn tấn bom đạn xuống mảnh đất "Thăng Long phi chiến địa". Với hỏa lực phòng không hiệu quả của ta, kẻ thù đã phải chịu những tổn thất nặng nề với 52 máy bay bị bắn rơi, trong đó có 18 chiếc B-52. Trong nhiều thông tin “khủng” về B-52 có chi tiết B-52 đời sau (kiểu D, G, H) có thể đem theo 30 tấn bom và rải thảm số bom đó trong 10 - 15 giây, tạo thành những loạt chấn động nổ có sức phá hoại cực mạnh cho một vêt bom dài 1.000 mét, rộng 100 mét với những hố bom chi chít kề nhau như cảnh tượng Mặt trăng bị thiên thạch bắn phá.
Bước vào giai đoạn 2 của Linebacker từ đêm 26/12/1972, Mỹ huy động 105 máy bay B-52 và 100 máy bay chiến thuật yểm trợ, đánh ồ ạt từ nhiều hướng vào nhiều mục tiêu khác nhau ở Hà Nội và Hải Phòng. B-52 còn ném bom rải thảm vào các khu dân cư đông đúc ở Hà Nội như Khâm Thiên, An Dương, Bệnh viên Bạch Mai giết hại rất nhiều người. Rút kinh nghiệm đợt I, chúng thay đổi thủ đoạn, chiến thuật, thay đổi đường bay, tăng cường gây nhiễu, phóng bom tạo thành những đám mây nhiễu kim loại bao phủ bầu trời nhằm che mắt hệ thống radar...
Tuy nhiên, ngay trong đêm 26/12, đã có 4 chiếc rơi tại chỗ... Một B-52 rơi ngay xuống nội thành để lại một di tích kỳ thú về quái thú xác B-52 ở làng hoa Ngọc Hà.
Tổng hợp lại chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, đế quốc Mỹ đã rải hơn 20.000 tấn bom hủy diệt các bệnh viện, khu dân cư, trường học ở Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác... Tội ác này đã bị trừng phạt đích đáng: 81 máy bay, trong đó có 34 "pháo đài bay" B-52, 5 "cánh cụp cánh xòe" F 111 bị bắn rơi; 43 phi công Mỹ bị bắt sống... Các chuyên gia quân sự Mỹ cảnh báo nếu tiếp tục tổn thất như vậy, Không quân Mỹ sẽ hết máy bay chiến lược B-52 trong vài tháng và đặc biêt trầm trọng là tổn thất to lớn về lực lượng phi công lái B-52. Người ta còn tính toán chi tiết về tỷ lệ B-52 bị tiêu diệt là 17,6% (34/193 chiếc B-52 của Mỹ huy động vào chiến dịch) - vượt xa sức chịu đựng mà Mỹ có thể chấp nhận được, buộc Hoa Kỳ phải chấm dứt cuộc tập kích chiến lược và trở lại Hội nghị Paris... Gần 1 tháng sau, ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, mở ra một giai đoạn mới cho sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Hồ Hữu Tiệp là địa điểm duy nhất trong nội thành Hà Nội có xác B-52 rơi, nên người dân gọi là hồ B-52 và được giữ lại thành chứng tích lịch sử. Hồ B-52 luôn là biểu tượng của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, là niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung.
Đến phường Ngọc Hà sau 50 năm kể từ khi chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi xuống hồ Hữu Tiệp, chúng ta vẫn được nghe những câu chuyện còn in đậm trong trí nhớ của những người dân nơi đây về trận chiến 12 ngày đêm anh dũng của quân và dân Hà Nội.
Nhà giáo Ưu tú Nguyên Bá Thông năm nay đã gần 90 tuổi là một nhân chứng chiến công này. Cụ nguyên là Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Hà. Ngôi trường nằm ngay trên bờ hồ Hữu Tiệp. Cụ nhớ lại, khi máy bay bị rơi xuống đây có cả bom rơi vào trường nhưng không nổ, được công binh tháo gỡ ngay. Ngày hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm làng Ngọc Hà, tận mắt thấy xác máy bay rơi. Đại tướng động viên người dân giữ vững tinh thần tiếp tục chiến đấu. Đó những ký ức không bao giờ quên.
Về sự kiện máy bay B-52 rơi ở hồ Hữu Tiệp, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Ngọc Hà em lộng lẫy hoa tươi
Xin thơm khắp Miền Nam, Miền Bắc
Cùng với di tích xác pháo đài bay B-52 ở Ngọc Hà, cách đó tầm một cây số đường chim bay là Bảo tàng Chiến thắng B52 khá hoành tráng, góp phần làm cho bạn bè thế giới hiểu hơn về cuộc chiến tranh Việt Nam, mà còn giúp thế hệ sau thấm thía rằng chiến thắng hào hùng đã phải trả bằng máu và nước mắt của những người đi trước, để càng cố gắng hơn trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, giàu đẹp.