05:08 31/05/2018

Làng cổ Đường Lâm loay hoay với phát triển du lịch

Làng cổ Đường lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) sở hữu những giá trị văn hóa, cảnh quan, kiến trúc tiêu biểu của vùng nông thôn đồng bằng sông Hồng song mỗi năm chỉ đón khoảng 17 vạn du khách. Trước thực tế này, thị xã Sơn Tây và ngành Du lịch Hà Nội đang tập trung “biến” Đường Lâm thành điểm đến hấp dẫn của du lịch Thủ đô.

Cổng làng Đường Lâm. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Ít người được hưởng lợi từ du lịch

 

 

Làng cổ Đường Lâm hiện có 5 thôn với gần 1.600 hộ dân, hơn 6.000 nhân khẩu. Ở một nơi người dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp từ nhiều đời nay, phát triển du lịch được coi là cơ hội lớn trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế.

 

 

 
Mặc dù vậy, sau hơn 10 năm Đường Lâm được công nhận Di tích làng cổ, đến thời điểm này mới có 10% người dân làm dịch vụ du lịch. Mục tiêu của thị xã Sơn Tây đề ra đến năm 2015 phải có ít nhất 45% người dân làm dịch vụ du lịch, có nghĩa đã qua mốc này tới 3 năm nhưng chỉ tiêu mới đạt được một phần nhỏ.


Việc chuyển đổi từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch còn chậm xuất phát từ hai yếu tố: Hỗ trợ của chính quyền địa phương và tính chủ động của người dân. “Dù thị xã Sơn Tây có nhiều chương trình hỗ trợ người dân làm du lịch song nhiều người chưa biết cách vận dụng vào thực tế. Đây là những điều chúng tôi rất trăn trở. Nút thắt đang nằm ở chỗ, nếu người dân không thấy lợi từ di tích thì việc bảo tồn và phát huy di tích làng cổ rất khó khăn” - ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm bày tỏ.

 

 

Những năm qua, thị xã Sơn Tây cũng như Ban Quản lý Di tích làng cổ Đường Lâm xây dựng các đề án, cơ chế hỗ trợ, tổ chức nhiều lớp tập huấn cho người dân làm dịch vụ du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch, đưa người dân đi tham quan các mô hình du lịch làng nghề, du lịch homestay, tạo điều kiện hỗ trợ về vốn…Tuy nhiên chỉ một số ít gia đình biết cách đón khách đến tham quan, ăn uống hoặc tổ chức thêm một số sản phẩm du lịch như trải nghiệm nấu ăn, thu hoạch nông sản, đánh bắt cá, đạp xe thăm làng cổ. Còn lại, nhiều gia đình bị giới hạn bởi nguồn lực, nhân lực, kỹ năng làm du lịch.

 

 

 
Theo thống kê, làng cổ có 1.600 hộ dân nhưng việc đón khách mới chỉ tập trung tại 10 gia đình có nhà cổ và khoảng 5 - 7 nhà xây dựng theo mô hình nhà truyền thống khác. Cũng từ đó, một mâu thuẫn khác lại phát sinh, một số người dân so sánh lẫn nhau khi cùng ở trong di tích làng cổ nhưng nhà thu được tiền của khách du lịch, nhà kia lại không.


Ngược lại, việc hỗ trợ người dân làm du lịch của chính quyền địa phương đã thực sự phù hợp với điều kiện, khả năng của từng hộ gia đình chưa cũng là điều cần suy ngẫm. Vấn đề đặt ra đối với chính quyền thị xã Sơn Tây hiện nay là làm thế nào để nhiều người dân cùng hưởng lợi từ di tích, trước mắt phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ, sau nữa để nâng cao đời sống kinh tế người dân.

Hỗ trợ khơi dậy tiềm năng du lịch Đường Lâm

 

Ngôi nhà cổ 250 tuổi của gia đình bác Kiều Anh Ban được Nhà nước đầu tư trùng tu đầu năm 2013. Ảnh: Thanh Hà/TTXVN

Bà Trịnh Thị Thúy ở thôn Đông Sàng cho biết, mặc dù rất muốn tham gia làm du lịch nhưng ngôi nhà cổ của gia đình bà không nằm ở trung tâm làng cổ, hơn nữa nhà chưa được đầu tư tu bổ do thiếu kinh phí. Hiện tại, gia đình đang có nghề làm bánh gai, hàng ngày bà vẫn cần mẫn với công việc này để tăng thu nhập cho gia đình. Thực tế, không chỉ gia đình bà Thúy mà rất nhiều người dân tại làng cổ Đường Lâm mong muốn được làm du lịch, thu lại nguồn lợi từ chính tiềm năng, lợi thế nơi họ đang sinh sống.

 

 

 

Tại Quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, thành phố Hà Nội tập trung phát triển 6 cụm du lịch, trong đó làng cổ Đường Lâm sẽ nằm trong cụm Sơn Tây - Ba Vì. Tại các cụm này, thành phố sẽ phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch như: đường giao thông, hệ thống vui chơi, giải trí, phát triển nguồn nhân lực… thúc đẩy du lịch phát triển.

 

 

 
Ông Trịnh Xuân Tùng, Trưởng Phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Sở đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ để nâng cao chất lượng điểm đến cho làng cổ Đường Lâm như thực hiện kết nối doanh nghiệp lữ hành với điểm đến làng cổ, tập huấn cho thuyết minh viên tại điểm, hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá du lịch… Công tác hỗ trợ này từng bước tạo hình ảnh đẹp hơn cho làng cổ.

 

Trong vai trò là cơ quan có chức năng quản lý trực tiếp làng cổ Đường Lâm, ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: Từ nay đến năm 2020, thị xã Sơn Tây phê duyệt và đưa vào triển khai thực hiện đề án phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với thương mại, dịch vụ tại làng cổ Đường Lâm, tạo ra các sản phẩm phục vụ khách du lịch nhằm đem lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng dân cư. Thị xã xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ du lịch nhằm khai thác hiệu quả giá trị của di tích làng cổ.

 

 
Nhấn mạnh về việc đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Đường Lâm, ông Nguyễn Huy Khánh khẳng định, thị xã Sơn Tây sẽ xây dựng các tour tuyến du lịch khép kín trên địa bàn thị xã và kết nối với các vùng du lịch huyện Ba Vì, các tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; xây dựng môi trường văn hóa trong các hoạt động du lịch. Hạ tầng du lịch tại làng cổ như hệ thống biển bảng chỉ dẫn, hệ thống các gian hàng lưu niệm trưng bày và bán các sản phẩm du lịch đặc trưng của địa phương cũng được tính đến.


Hiện tại, thị xã Sơn Tây đang tiến hành các thủ tục đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích làng cổ theo hướng thu hẹp khu vực 2 của Di tích làng cổ Đường Lâm. Đây cũng là cơ sở để giảm thiểu những bất cập trong công tác đầu tư, quản lý xây dựng, tạo điều kiện để người dân khu vực này phát triển du lịch.

Tuy vậy, để những lời giải này đi vào thực tiễn sẽ là một hành trình còn nhiều khó khăn. Hơn nữa, điều quan trọng nhất trong lúc này là người dân cần chính quyền hỗ trợ phát triển du lịch từ dạy nghề, tập huấn kỹ năng đón khách, tạo sản phẩm du lịch… một cách hiệu quả, bài bản để họ gắn bó với di tích, hào hứng làm du lịch.
 

QM/Báo Tin tức