11:21 15/11/2022

Lan tỏa tình yêu thương tới mỗi học sinh trên con đường chinh phục tri thức

Chiều 15/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức Tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình cùng chủ đề diễn ra trong hai ngày 15 - 16/11/2022 nhằm cổ vũ, động viên và tri ân các thầy giáo, cô giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, có nhiều cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Đây cũng là chuỗi hoạt động góp phần triển khai phong trào “Tôi yêu Tổ quốc tôi” của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào thanh niên năm 2022 và chào mừng kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Chú thích ảnh
Trong ảnh: Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Kim Quy mong muốn, thông qua hoạt động lần này, các thầy, cô giáo có dịp gửi gắm, chia sẻ tâm huyết của những người làm giáo dục, góp phần lan tỏa nhiều câu chuyện về tình yêu thương, chân thành, nỗ lực dìu dắt học sinh trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách. Đó sẽ là sự khơi gợi mạnh mẽ để các thanh niên, sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, thể hiện những hành động thiết thực để tri ân thầy, cô giáo; không ngừng phấn đấu, rèn luyện để không phụ công những "người lái đò" thầm lặng.

Chú thích ảnh
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia, Ủy viên Hội đồng Giáo sư Nhà nước phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Các tham luận tham gia tọa đàm xoay quanh nhiều nội dung như: đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt; chia sẻ kinh nghiệm về kết nối tình nghĩa thầy - trò với những học sinh “có cá tính khác biệt”; chia sẻ quan điểm giáo dục tâm lý về việc làm thế nào để gìn giữ truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong thời đại mới...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để xã hội “Tôn sư trọng đạo”, cộng đồng cần hiểu rõ ảnh hưởng quan trọng của người thầy đối với sự phát triển xã hội. Giáo viên tạo ra những ảnh hưởng sâu sắc và góp phần làm thay đổi nhiều cuộc đời. Nghề giáo cho các giáo viên có cơ hội để thử nghiệm nhiều ý tưởng mới mẻ và điều chỉnh ý tưởng đó ngay trong quá trình học dựa trên quan sát thực tế để làm cho tiết học trở nên thú vị, thu hút người học; do đó ưu thế này cần được tận dụng.

Chú thích ảnh
Các thầy cô tham dự buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Chia sẻ tại tọa đàm, cô giáo Lê Thị Uyên (huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) cho biết, một người thầy giỏi không chỉ truyền đạt kiến thức giỏi mà còn biết khơi gợi tinh thần hứng khởi cho học sinh. Vì vậy, giáo viên cần tìm cách tạo ra những tiết học sống động, để mỗi giờ học không còn là áp lực mà là thời gian để người thầy thắp lửa nhiệt huyết cũng như khơi dậy sự hứng khởi trong mỗi học trò.

Hiền Hạnh (TTXVN)