04:09 16/04/2017

Lan tỏa làn điệu dân ca Quan họ trong trường học

Nhằm bảo tồn và phát triển làn điệu dân ca Quan họ theo cam kết của Việt Nam với UNESCO khi dân ca Quan họ được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Một trong những giải pháp bền vững, thiết thực, đưa dân ca Quan họ vào giảng dạy trong các trường học.

Học sinh hứng thú

Liền chị Nguyễn Thị Thềm (làng Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) dạy hát dân ca Quan họ cho các em học sinh. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Tháng 9/2009, dân ca Quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau đó năm học 2011 - 2012, Bắc Ninh đưa Quan họ vào dạy trong các trường học. Ngành Giáo dục đã phối hợp với ngành văn hóa tổ chức các buổi tập huấn cho hàng trăm thầy, cô giáo âm nhạc, lãnh đạo, chuyên viên các phòng Giáo dục và Đào tạo, cán bộ phụ trách công tác văn thể của các trường phổ thông về việc sử dụng tài liệu giảng dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh trong trường học.

Đặc biệt, tài liệu, chương trình giảng dạy đã được các cơ quan chuyên môn của tỉnh phối hợp biên soạn và được thẩm định về mặt khoa học âm nhạc cũng như khoa học sư phạm đưa nội dung giảng dạy vào từng cấp học bảo đảm phù hợp với lứa tuổi. Về hình thức giảng dạy, bên cạnh việc kế thừa lối truyền dạy dân gian theo hình thức truyền khẩu, các thầy, cô giáo có kế hoạch, bài bản phù hợp với từng khối lớp, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển dân ca Quan họ toàn diện, hệ thống.

Theo đó, 100% các trường, ở các cấp học từ mầm non đến trung học phổ thông đều được truyền dạy. Mỗi cấp học lại có chương trình dạy phù hợp. Như đối với cấp học Mầm non, các cháu được học 25 – 30 phút/tháng. Các hoạt động dạy và học gồm: học hát Quan họ thông qua đĩa CD, DVD, các hình ảnh trực quan, kết hợp với hoạt động tạo hình, cắt, xé trang phục Quan họ. Với bậc Tiểu học, các cháu sẽ được học 18 tiết/năm học. Chương trình gồm 10 bài dân ca Quan họ lời mới. Bậc Trung học Cơ sở, các em được học 18 tiết quan họ/năm gồm 8 bài Quan họ. Bậc Trung học Phổ thông, học sinh được học 12 tiết/năm gồm 8 bài Quan họ.

Bà Trần Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Hòa Long, thành phố Bắc Ninh cho biết: Sau khi kế hoạch dạy hát Quan họ được ban hành, nhà trường đã lên kế hoạch giảng dạy cho các học sinh. Thông qua những giờ học hát, những câu chuyện, lối ứng xử của người Quan họ góp phần bồi dưỡng phong cách ứng xử, tấm lòng nhân hậu, thủy chung của người Quan họ. Từ đó, giúp các em phát triển nhân cách, thêm yêu quê hương, đất nước. Đến nay, sau hơn 5 năm triển khai, chương trình học mang lại nhiều hứng thú cho học sinh.

Một tiết học hát dân ca Quan họ tại lớp 6A, Trường THCS Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Em Vũ Hà Chi, học sinh lớp 6A, Trường Trung học Cơ sở Hòa Long, thành phố Bắc Ninh cho biết: Mỗi khi đến giờ học hát Quan họ ở trường, em thấy rất hào hứng. Là người con làng Diềm – Làng Quan họ gốc, những kiến thức Quan họ, em đều có thể tiếp thu. Bởi vậy, trong lớp học, em thường được thầy, cô giáo chọn hướng dẫn các bạn học sinh khác. Bên cạnh học trên lớp, về nhà, em còn được tham gia những buổi sinh hoạt Quan họ tại gia đình. Em hy vọng thế hệ trẻ có thể góp sức nhỏ bé trong gìn giữ, phát huy bản sắc dân tộc.

Không giống như Vũ Hà Chi được sinh ra tại làng Quan họ, Nguyễn Anh Thư, học sinh lớp 6A, Trường Trung học Cơ sở Hòa Long, thành phố Bắc Ninh, từ nhỏ đã yêu thích những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà, đằm thắm, nhưng ít có cơ hội được thưởng thức Quan họ. Em biết đến Quan họ thông qua truyền hình, hoặc trong các lễ hội. Lần đầu tiên được các thầy, cô, nghệ nhân truyền dạy và được tự mình biểu diễn em thấy môn học rất lý thú. Trải qua hơn 6 năm học hát Quan họ, đến nay, em đã thuộc hơn 10 bài hát. Anh Thư chia sẻ, học hát Quan họ khó nhất là cách luyến láy, thuộc và hiểu được các lời khó. Lúc đó, thầy, cô hướng dẫn từng nốt nhạc, lời hát cho tròn vành rõ chữ đạt tiêu chí vang, rền, nền, nảy. Âm từ Quan họ lúc trầm, lúc bổng mang lại sự thư thái sau mỗi giờ học căng thẳng.

Bà Nguyễn Thị Thềm, làng Diềm, xã Hòa Long, thành phố Bắc Ninh đã nhiều năm gắn bó trong truyền dạy Quan họ tại các trường học. Bà cho biết, lớn lên ở một làng quê Quan họ, bà cảm thấy đưa Quan họ vào trường học là hoạt động thiết thực để bảo tồn, lan tỏa đến thế hệ sau. Bởi vậy, sau khi nhận được lời mời giảng dạy Quan họ trong trường học, bà nhiệt tình tham gia. Theo bà Thềm, dạy Quan họ, không giống như những môn học khác bởi nhiều từ đệm như: i, a, ư, hự, điều quan trọng nhất đối với giáo viên cần kiên trì, truyền đạt kỹ, uốn nắn từng câu từ theo lối mưa dầm thấm lâu.

Theo thầy Vũ Văn Hòa, Giáo viên môn Âm nhạc, trường Trung học Cơ sở Hòa Long, thành phố Bắc Ninh: Do đặc điểm, chất giọng của mỗi học sinh khác nhau, nhà trường không đòi hỏi quá cao về chất lượng học tập,sau mỗi buổi học các em chỉ cần thuộc bài, nắm được làn điệu là chính. Điều quan trọng nhất khi giảng dạy, tạo niềm đam mê, hứng khởi cho các em.

Cần được nhân rộng

Liền chị Nguyễn Thị Thềm không chỉ hướng dẫn lời hát mà còn chỉ cho các em cách ứng xử, lời nói, dáng đi, cử chỉ văn hóa, mang cốt cách của người hát Quan họ. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Đưa di sản văn hóa, dân ca Quan họ Bắc Ninh vào giảng dạy trong trường học là một giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống văn hóa của quê hương, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ giáo viên, học sinh trong quá trình gìn giữ, bảo tồn (một cách khoa học) để di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, có sức sống bền vững. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, đến nay, toàn tỉnh có 498/498 trường học trên địa bàn tổ chức giảng dạy Quan họ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh có hơn 1.500 câu lạc bộ Quan họ trường học. Đây là nền tảng vững chắc để bảo tồn Quan họ có hệ thống.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, Trưởng Phòng Công tác học sinh, sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết: Sau 5 năm triển khai chương trình dạy học Quan họ trong trường học, đến nay, học sinh từ 5 tuổi đến lớp 12 đều thuộc, biểu diễn được các làn điệu dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sau 12 năm học, các em có thể thành thạo ít nhất 12 làn điệu dân ca Quan họ. Nhờ đó, nhận thức của cán bộ giáo viên và học sinh ngành giáo dục về dân ca Quan họ Bắc Ninh được nâng cao, tự ý thức được trách nhiệm bảo tồn loại hình nghệ thuật này.

Bên cạnh hoạt động giảng dạy trong nhà trường, các Phòng giáo dục đã tổ chức các chương trình ngoại khóa, liên hoan văn hóa nghệ thuật giữa các câu lạc bộ, tạo cơ hội cho học sinh gặp gỡ, giao lưu với các nghệ nhân, liền anh, liền chị ở làng Quan họ gốc. Nhằm đánh giá hoạt động dạy hát Quan họ trong trường học, thời gian qua, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức Hội thi hát dân ca Quan họ Bắc Ninh. Qua đó, phát hiện được nhiều tài năng trẻ bảo tồn phát huy giá trị dân ca Quan họ Bắc Ninh.

Sau mỗi giờ học, các em học sinh mặc trang phục truyền thống và biểu diễn trước lớp bài hát vừa được học để các thầy cô góp ý. Ảnh: Diệp Trương/TTXVN

Hiện nay, việc truyền dạy Quan họ trong trường học đang gặp phải một số khó khăn như thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang phục Quan họ, tài liệu, sách học sinh học Quan họ, tài liệu về thường thức quan họ còn ít, tài liệu sưu tầm trên mạng internet có nhiều thông tin không thống nhất nên giáo viên gặp khó khăn trong việc soạn giáo án, chọn lọc thông tin cung cấp cho học sinh. Khả năng hát Quan họ của một số giáo viên âm nhạc còn hạn chế nên chất lượng dạy hát Quan họ hiệu quả chưa cao.

Ông Trịnh Văn Điền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh có văn bản cho phép tiếp tục thực hiện Kế hoạch đưa dân ca Quan họ Bắc Ninh vào truyền dạy trong trường học giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo, cho phép phát hành tài liệu về dân ca Quan họ Bắc Ninh trong các nhà trường, tập huấn cho cán bộ giáo viên về nội dung, phương pháp truyền dạy dân ca Quan họ Bắc Ninh. Đặc biệt, ngành giáo dục sẽ đầu tư trang bị thêm thiết bị dạy học hiện đại như: đàn organ, đĩa CD, DVD, truyền dạy hát dân ca Quan họ trong các cơ sở giáo dục. Giáo viên âm nhạc trao đổi, học tập kinh nghiệm với các nghệ nhân quan họ, đề xuất kết hợp dạy hát dân ca với các trò chơi dân gian, nhằm nâng cao hiệu quả truyền dạy.

Đây là một chủ trương phù hợp với thực tiễn đời sống văn hóa quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Nó không chỉ là một trong những chương trình hành động bảo tồn, phát huy giá trị của Di sản dân ca Quan họ mà tỉnh thực hiện theo đúng cam kết với UNESCO mà còn mang ý nghĩa quan trọng trong việc bồi đắp tâm hồn cho thế hệ trẻ, góp phần gìn giữ, bảo tồn, tuyên truyền Di sản dân ca Quan họ Bắc Ninh ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Thanh Thương (TTXVN)