07:10 26/07/2025

Lan tỏa giá trị không gian Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử : Để di sản mãi trường tồn (Bài cuối)

Chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà cùng với các di tích khác mới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới là sự tôn vinh tầm quốc tế về những giá trị văn hóa, lịch sử độc đáo riêng có của di sản mà tỉnh Bắc Ninh đang nắm giữ. Từ đó, nâng tầm vị thế của tỉnh và khẳng định giá trị văn hóa trường tồn, lan tỏa toàn cầu của vùng đất Kinh Bắc. Vinh dự này cũng đặt ra trách nhiệm đối với chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh trong việc bảo tồn, phát huy giá trị để di sản mãi trường tồn.

Chú thích ảnh
Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Ninh), thuộc hệ thống Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Yên Tử), là ngôi chùa cổ có từ thời Lý. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị độc đáo

Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều lần trùng tu, song chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà được bảo tồn khá nguyên vẹn với lối kiến trúc đặc trưng, hệ thống tượng Phật và những giá trị độc đáo. Có được kết quả đó, những năm qua, chính quyền và nhân dân địa phương đã nỗ lực gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản quý giá này trong dòng chảy văn hóa đương đại. Đến nay, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt; lễ hội hai chùa được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm và phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà. Điều này nhằm bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch và nơi sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, kết nối với các điểm di tích liên quan đến phật giáo Trúc Lâm ở tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và các di tích danh lam thắng cảnh nổi tiếng khác trong tỉnh, tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả với nhiều giải pháp để bảo tồn nhằm phát huy giá trị di tích trên địa bàn. Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Mai Sơn, tỉnh tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh miền đất, văn hóa, con người Bắc Ninh nhằm thu hút du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm; qua đó giúp nâng cao nhận thức, giáo dục ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Địa phương quan tâm hoàn thiện chính sách và phân bố các nguồn lực đầu tư cho việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản trên địa bàn; chú trọng công tác xã hội hóa, phát huy vai trò của cộng đồng địa phương trong bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị di sản. Tỉnh giải quyết hài hòa giữa bảo tồn di sản và phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, hằng năm, địa phương quan tâm đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhằm kịp thời trùng tu, tôn tạo hệ thống di tích trên địa bàn; xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi kết nối hai di tích này với các di tích khác trong và ngoài tỉnh…

Để bảo tồn lâu dài bộ mộc bản quý giá chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Nhà Chùa xây dựng Nhà lưu giữ mộc bản ngay trong khuôn viên chùa. Công trình gồm hai khu chức năng: khu trưng bày giới thiệu giá trị lịch sử - văn hóa của mộc bản đến với công chúng và khu lưu giữ được thiết kế kiên cố bằng gỗ tự nhiên, có hệ thống chống ẩm, chống mối mọt, đảm bảo điều kiện bảo quản nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn di sản.

Chị Dương Thị Hoài Thu, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Quản lý di tích chùa Bổ Đà cho biết, thời gian qua, chùa Bổ Đà đã phối hợp với chính quyền và các đơn vị thực hiện các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đúng nguyên tắc khoa học và giá trị lịch sử; trong đó nổi bật là việc phục dựng các hạng mục kiến trúc như: tường đất cổ, khu tháp mộ tổ sư và các công trình phụ trợ bằng vật liệu truyền thống, giữ nguyên yếu tố gốc của di tích. Song song với đó, địa phương tập trung nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện hồ sơ khoa học, tổ chức các hoạt động lễ hội truyền thống có quy mô, góp phần làm sống dậy không gian văn hóa tâm linh đặc sắc gắn với đời sống cộng đồng.

Chung tay lan tỏa giá trị di sản

Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà là những di tích - lịch sử, văn hóa đầu tiên được UNESCO ghi danh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Như vậy với 7 di sản, Bắc Ninh trở thành một trong những địa phương đứng đầu cả nước về di sản được UNESCO vinh danh, góp phần củng cố niềm tin, tăng sức hút của tỉnh trong phát triển du lịch, lan tỏa những nét đẹp văn hóa của dân tộc ra thế giới.

Chú thích ảnh
Nhiều kiến trúc của chùa Bổ Đà vẫn giữ được nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh Trương Quang Hải cho biết, có thêm di sản thế giới trên địa bàn sẽ tạo thời cơ, động lực để du lịch Bắc Ninh vươn mình trong xu thế phát triển du lịch chung. Việc các di sản trên được công nhận cũng là "chứng nhận" uy tín, giúp nâng cao vị thế và thương hiệu du lịch của tỉnh, tạo ra sản phẩm tâm linh, văn hóa độc đáo, đặc sắc và sẽ hiệu quả hơn khi kết hợp với các sản phẩm du lịch dọc theo con đường Hoằng dương Phật pháp của các Phật Tổ Phật giáo Trúc Lâm mà tỉnh đang xây dựng.

Tuy nhiên, hai di tích này cũng như nhiều di tích được công nhận khác phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức lớn, từ biến đổi khí hậu, tốc độ đô thị hóa đến xu hướng phát triển văn hóa mới, ô nhiễm môi trường…

Để bảo tồn và phát huy giá trị của hai di tích, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Mai Sơn cho biết, thời gian tới, tỉnh tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và cán bộ nơi có di sản, cũng như du khách thập phương khi đến tham quan di tích; từ đó có ý thức trách nhiệm trong việc bảo tồn cũng như phát huy các giá trị di tích. Tỉnh tiếp tục đầu tư kinh phí làm tốt công tác khảo cổ, nghiên cứu bổ sung làm giàu thêm cho di tích và mở rộng thêm vùng bảo vệ của di tích. Đồng thời, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ cao cho công tác bảo tồn, truyền thông về các giá trị nổi bật toàn cầu của di tích. Cùng với đó, tỉnh phối hợp với thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh ban hành các kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật theo đúng tiêu chuẩn của UNESCO và pháp luật Việt Nam trong việc bảo tồn và phát huy di tích trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Các bức tường, cổng và một số công trình chùa Bổ Đà khác được xây dựng hoàn toàn bằng đất nện theo lối trình tường. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Với vai trò là người đứng đầu địa phương nơi có di tích, Bí thư Đảng ủy phường Vân Hà (tỉnh Bắc Ninh) Nguyễn Đại Lượng cho biết, sau khi Bổ Đà được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới, địa phương xác định sẽ tiếp tục đầu tư, cải tạo, chỉnh trang và làm tốt công tác bảo tồn, phát huy lan tỏa những giá trị của di tích. Trong đó, địa phương sẽ đầu tư, nâng cấp, cải tạo đối với một số hạ tầng ở bên ngoài di tích; đồng thời dự kiến đầu tư dự án công viên tâm linh sinh thái Bổ Đà; xây dựng các tour du lịch kết nối Bổ Đà với các di tích trên địa bàn, một số làng nghề, làng cổ để tạo thành tour du lịch đặc sắc thu hút du khách.

Với định hướng và giải pháp rõ ràng, bảo tồn, phát huy giá trị hai di sản chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà không chỉ là niềm tự hào mà còn là trách nhiệm; hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế địa phương hài hòa, bền vững và nâng cao vị thế di sản Việt Nam trên trường quốc tế.

Thái Hùng- Đồng Thúy- Thanh Thương (TTXVN)