10:06 22/10/2016

Lan tỏa cách làm du lịch cộng đồng bền vững

Du lịch cộng đồng được coi là thế mạnh của vùng Tây Bắc với sự đa dạng văn hóa các dân tộc. Từ phát triển tự phát, du lịch cộng đồng Tây Bắc đang được quy hoạch để phát triển bài bản hơn.

Cộng đồng hưởng lợi

Gia đình ông Hà Công Minh (bản Hịch 2, xã Mai Hịch, huyện Mai Châu, Hòa Bình) phát triển du lịch từ năm 2013 với sự hỗ trợ kỹ thuật ban đầu từ Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED). Gia đình ông được hướng dẫn cách bài trí, làm lại nhà vệ sinh... “Là nhà đầu tiên trong bản đón khách quốc tế, hôm đầu khách đến cả hai vợ chồng tôi đều run, không biết nên trao đổi gì vì không biết ngoại ngữ, khách hỏi gì chỉ cười. Giờ quen rồi, khách đến biết chào hỏi và tổ chức các dịch vụ ăn ngủ nghỉ, khám phá quanh bản. Mùa nào thức đó, chúng tôi tự tổ chức cho khách tham gia công việc trồng rau, trồng lúa, cắt cỏ”, ông Hà Công Minh chia sẻ.

Cách bài trí tại nhà sàn du lịch cộng đồng Mai Hịch (Mai Châu) hấp dẫn du khách nước ngoài.

Để thu hút khách, ông Hà Công Minh lập công ty gia đình, lấy thương hiệu là Minh Thơ Homestay, quảng bá trên mạng. Đến nay, khách quốc tế đã đặt chỗ kín hết năm 2017.

Cùng gia đình ông Hà Công Minh, bản Hịch 2 có 5 gia đình khác tham gia làm du lịch cộng đồng. Do khách quốc tế rất quan tâm đến nguồn thực phẩm sạch, tại một số thôn bản trong xã phát triển vườn rau sạch cung cấp cho các cơ sở lưu trú làm du lịch cộng đồng. “Du khách thậm chí được tham gia vào quá trình trồng, chăm sóc, thu hái. Không chỉ khách quốc tế, nhiều khách trong nước cũng đặt hàng nguồn rau sạch nơi đây”, bà Đào Thị Mai Hoa, giám đốc COHED cho biết.

Để nhân rộng mô hình, dự án phát triển du lịch cộng đồng gắn với giảm nghèo đang được COHED chuẩn bị triển khai tại 3 xã vùng cao là Mai Hịch, Pù Bin, Tân Mai (Mai Châu). Theo đó, dự án sẽ tập huấn kỹ năng làm du lịch thân thiện với môi trường, bảo tồn bản sắc văn hóa và phát triển sản phẩm du lịch gắn với thị trường...

Dựa trên nhu cầu của thị trường khách, tại các điểm du lịch cộng đồng về phát triển các sản phẩm du lịch mới như: tạo con đường hoa, cánh đồng hoa, làm sách ảnh giới thiệu về Mai Châu, giới thiệu các đặc sản văn hóa và ẩm thực, nông sản sạch của địa phương...

Theo ông Lưu Huy Linh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch Hòa Bình, huyện Mai Châu vừa công bố quy hoạch điểm du lịch quốc gia, trong đó điểm nhấn là du lịch cộng đồng. Trước đây, khi nói đến du lịch Mai Châu là nói đến du lịch tại bản Lác, bản Văn. Tuy nhiên, quá trình phát triển “nóng” khiến không gian bị “chật chội” và đô thị hóa. Do đó, trong quy hoạch sẽ mở rộng phát triển du lịch cộng đồng ra các xã xung quanh, gắn với xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh hệ thống 92 nhà nghỉ cộng đồng (homestay), một loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp đang hình thành như Mai Châu villas, Sol Bungalow... đáp ứng đa dạng loại hình nhu cầu du lịch, từ bình dân đến cao cấp tại huyện Mai Châu.

Hướng phát triển bền vững

Theo đánh giá của Tổng cục Du lịch, mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Mai Châu có thể triển khai nhân rộng tại khu vực Tây Bắc. “Phát triển du lịch tạo điều kiện tiêu thụ nông sản và quảng bá đặc sản địa phương”, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá.

Còn ông Nguyễn Công Hoan, Phó Giám đốc Hanoi Redtour cho rằng: “Du lịch cộng đồng phát triển, hoạt động văn hóa văn nghệ mang nét truyền thống địa phương cũng được phục hồi và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc. Đơn cử như lễ hội nhảy lửa của đồng bào Pà Thèn ở thôn My Bắc (xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, Hà Giang) thường chỉ 1 năm diễn 1 lần nhưng nay có thể diễn thường xuyên trong tour du lịch”, ông Nguyễn Công Hoan cho biết.

“Trên thực tế, du lịch mới phát triển một số tuyến đi Hà Giang, Mộc Châu, Sa Pa. Các điểm đầu khác ở giai đoạn đầu phát triển du lịch và mang nhiều yếu tố tự phát. Do đặc thù của vùng núi Tây Bắc, nên hạ tầng nói chung và hạ tầng du lịch nói riêng, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách. Quy hoạch du lịch vùng Tây Bắc đã được Tổng cục Du lịch hoàn thiện, trong đó tập trung vào 12 khu du lịch quốc gia, 6 điểm du lịch quốc gia. Cùng với đó, Năm du lịch quốc gia 2017 sẽ được tổ chức tại Tây Bắc sẽ tạo điều kiện cho du lịch cộng đồng phát triển”, ông Hà Văn Siêu cho biết.

Các tỉnh Tây Bắc cũng xác định những điểm nhấn để tập trung xây dựng “đặc sản” du lịch, như Lào Cai, Yên Bái có ruộng bậc thang; Hà Giang có hoa tam giác mạch; Điện Biên có cụm di tích quốc gia chiến thắng Điện Biên Phủ; Hòa Bình, Sơn La có du lịch sinh thái, trải nghiệm...


Bài và ảnh: Xuân Cường