08:14 21/08/2020

Làn sóng vượt biên tập thể từ Maroc vào Tây Ban Nha

Ngày 20/8, nhà chức trách Tây Ban Nha thông báo ít nhất 1 người thiệt mạng và 11 người khác bị thương khi khoảng 300 người di cư châu Phi tìm cách vượt hàng rào biên giới ngăn cách vùng Mellila của quốc gia này và Maroc.

Chú thích ảnh
Người di cư Maroc vừa được cứu ở ngoài khơi eo biển Gibraltar thuộc Tây Ban Nha. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo cảnh sát địa phương, nạn nhân thiệt mạng (hiện chưa được xác định danh tính và quốc tịch) đã ngã từ độ cao 5m xuống một lạch nước gần biên giới. Trong số những người bị thương có 8 người di cư và 3 nhân viên bảo vệ, nhưng các vết thương không nghiêm trọng. Đã có khoảng 30 người trong đám đông vượt qua hàng rào dây thép gai vào đất Tây Ban Nha trong khi số còn lại bị các lực lượng an ninh Maroc chặn lại.

Vụ việc trên là một trong những là một trong những vụ vượt biên tập thể đông nhất trong năm nay ở Melilla. Nơi này và vùng Ceuta là hai thành phố tự trị của Tây Ban Nha nằm trên bờ biển Bắc Phi, tạo nên các đường biên giới duy nhất giữa Liên minh châu Âu và châu Phi và hai vùng này cũng là những điểm nóng thường xuyên chứng kiến người di cư tìm cách vượt biên từ châu Phi sang châu Âu.

Theo Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, trong 7 tháng đầu năm, đã có 1.383 người di cư tìm cách xâm nhập Ceuta và Melilla, thấp hơn so với con số 3.313 người cùng kỳ năm 2019. Ngược lại, số người tràn vào Canary, quần đảo của Tây Ban Nha nằm ở phía Tây Maroc, lại tăng vọt lên 3,136 người, gấp 7 lần trong vòng một năm, bất chấp quãng đường dài và nguy hiểm do các dòng chảy ở Đại Tây Dương gây ra.

* Ngày 20/8, Bộ Nội vụ Lybia thông báo đã giải cứu 67 người nhập cư trái phép, trong đó có 17 phụ nữ và 10 trẻ em, ở vùng biển ngoài khơi Abu Kammash, một thị trấn nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 120 km về phía Tây, sau khi chiếc thuyền chở họ bị lật. Những người này đã được nhà chức trách hỗ trợ nhân đạo và y tế trước khi được giao cho trung tâm tiếp nhận người nhập cư trái phép.

Kể từ khi rơi vào tình trạng bất ổn chính trị và an ninh rối loạn từ năm 2011, Libya đã trở thành điểm trung chuyển của hàng nghìn người muốn vượt Địa Trung Hải nhập cư trái phép vào châu Âu. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), tính từ đầu năm 2020 đến nay đã có 7.000 người nhập cư trái phép được giải cứu và trở lại Libya.

Nguyễn Tuyên (TTXVN)