07:10 23/07/2020

Làn sóng thứ hai mang tính huỷ diệt của đại dịch cúm Tây Ban Nha

Làn sóng đầu tiên của dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 thực ra không đặc biệt nguy hiểm. Số ca tử vong tăng vọt chỉ ập đến khi dịch bệnh quay trở lại với làn sóng thứ hai.

Chú thích ảnh
Một trung tâm điều trị bệnh nhân cúm Tây Ban Nha tại Mỹ năm 1918. Ảnh: Getty Images

Quy mô khủng khiếp của đại dịch cúm năm 1918, còn gọi là “cúm Tây Ban Nha”, rất khó để nắm được hết. Virus cúm đã lây nhiễm 500 triệu người trên toàn cầu và giết chết ước tính 20 triệu – 50 triệu sinh mạng, nhiều hơn toàn bộ số binh sĩ và thường dân thiệt mạng trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Mặc dù đại dịch toàn cầu này kéo dài trong 2 năm, con số tử vong lớn nhất đã dồn vào 3 tháng đỉnh dịch trong mùa Thu năm 1918. Các nhà sử học ngày nay tin rằng, mức độ nghiêm trọng của làn sóng thứ hai trong dịch cúm Tây Ban Nha là do virus đã đột biến lây lan dữ dội qua hoạt động của các đội quân thời chiến.

Khi cúm Tây Ban Nha xuất hiện lần đầu tiên vào đầu tháng 3/1918, nó mang theo mọi dấu hiệu của bệnh cúm mùa, mặc dù là một chủng rất dễ lây lan và độc lực cao. Một trong những trường hợp mắc bệnh được ghi nhận đầu tiên là Albert Gitchell, một đầu bếp của quân đội Mỹ tại căn cứ Funston, bang Kansas. Anh này nhập viện khi sốt 40 độ C. Virus cúm nhanh chóng lan sang các bộ phận khác của căn cứ, nơi có tới 54.000 lính đồn trú. Tới cuối tháng 3 năm đó, 1.100 binh sĩ Mỹ phải nhập viện và 38 người tử vong do viêm phổi.

Chú thích ảnh
Nhân viên Chữ thập đỏ chuẩn bị cáng để vận chuyển bệnh nhân cúm ở Mỹ. Ảnh: Thư viện Quốc hội

Khi quân đội Mỹ được triển khai hàng loạt để tham chiến tại châu Âu, họ đã mang theo cúm Tây Ban Nha qua đại dương. Trong suốt tháng 4 và tháng 5/1918, virus lan nhanh như cháy rừng qua Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Italy.

Ước tính 3/4 quân đội Pháp và một nửa binh sĩ Anh bị nhiễm cúm vào mùa Xuân năm 1918. Tuy nhiên, làn sóng lây nhiễm đầu tiên của virus cúm Tây Ban Nha không quá nghiêm trọng và số ca tử vong không quá cao. Người bệnh bị các triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi thường chỉ trong 3 ngày. Theo dữ liệu y tế công cộng còn hạn chế vào thời điểm đó, tỷ lệ tử vong của dịch tương tự như cúm mùa.

Cái tên "oan" cho Tây Ban Nha

Chính trong quãng thời gian này, dịch cúm Tây Ban Nha đã bị hiểu sai. Tây Ban Nha là quốc gia trung lập trong Thế chiến I và không giống như các nước láng giềng châu Âu, họ không áp đặt kiểm duyệt báo chí thời chiến.

Ở Pháp, Anh, Mỹ, các tờ báo không được phép đưa tin về bất cứ điều gì có thể gây ảnh hưởng tới những nỗ lực thời chiến, bao gồm cả tin tức về một loại virus đang càn quét qua quân đội các nước. Vì thế các nhà báo Tây Ban Nha là nhóm duy nhất trên thế giới đưa tin về dịch cúm lan rộng ở nước này vào mùa Xuân năm 1918. Đó là lý do đại dịch được gọi là “cúm Tây Ban Nha”.

Số ca lây nhiễm cúm Tây Ban Nha giảm xuống trong mùa Hè năm 1918 và vào tháng 8, mọi người đều hy vọng dịch bệnh đã qua đỉnh điểm. Nhưng đó chỉ là khoảng lặng trước cơn bão. Đâu đó ở châu Âu, một chủng virus cúm Tây Ban Nha đột biến đã xuất hiện, có khả năng giết chết cả những thanh niên khỏe mạnh chỉ trong vòng 24 giờ kể từ khi xuất hiện những triệu chứng đầu tiên.

Chú thích ảnh
Một bệnh viện dã chiến ở Mỹ trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918. Ảnh: Getty Images

Làn sóng thứ hai

Cuối tháng 8/1918, những con tàu chiến khởi hành từ cảng Plymouth, Anh, chở theo những binh sĩ không hay biết mình đã nhiễm chủng mới của virus cúm Tây Ban Nha. Khi những con tàu này cập bến tại nhiều thành phố như Brest ở Pháp, Boston - Mỹ, hay Freetown ở Tây Phi, làn sóng thứ hai của đại dịch cúm toàn cầu bắt đầu bùng phát.

“Hoạt động di chuyển nhanh của các binh sĩ trên toàn cầu là nhân tố lây lan dịch bệnh quan trọng”, James Harris, nhà sử học tại Đại học bang Ohio (Mỹ), chuyên nghiên cứu về bệnh truyền nhiễm và Thế chiến I, cho biết. “Toàn bộ tổ hợp công nghiêp quân sự, gồm rất nhiều con người và trang thiết bị trong những điều kiện đông đúc chắc chắn là yếu tố góp phần lớn khiến đại dịch lây lan rộng”.

Từ tháng 9 đến tháng 11/1918, tỉ lệ tử vong do cúm Tây Ban Nha tăng vọt. Riêng tại Mỹ, 195.000 người đã chết vì virus cúm này chỉ trong tháng 10/1918. Và không giống như cúm mùa thông thường, chủ yếu tấn công người già và trẻ em, làn sóng thứ hai của dịch cúm Tây Ban Nha mang “đường cong W”, với con số tử vong cao ở người già, trẻ em và cũng cao ở cả những người khỏe mạnh trong độ tuổi 25-35. 

Chú thích ảnh
Cúm Tây Ban Nha hạ gục cả những người đàn ông khỏe mạnh. Ảnh: Getty Images

"Cơn bão cytokine"

Điều gây khiếp sợ không chỉ là cái chết với hàng triệu đàn ông và phụ nữ trẻ khỏe, mà còn ở cách mà họ bị virus quật ngã. Bị sốt cao, xuất huyết mũi và viêm phổi, cuối cùng bệnh nhân bị chết đuối trong hai lá phổi ngập đầy dịch lỏng của mình.

Mãi tới vài thập kỷ sau, các nhà khoa học mới có thể giải thích được hiện tượng được gọi là “cơn bão cytokine” này. Khi cơ thể người bệnh đang bị virus tấn công, hệ miễn dịch sẽ gửi đi các protein thông tin, gọi là cytokine để thúc đẩy quá trình gây viêm có ích. Nhưng một số chủng cúm, đặc biệt là chủng “cúm Tây Ban Nha” đột biến, có thể gây ra phản ứng miễn dịch thái quá một cách nguy hiểm ở những người khỏe mạnh. Trong những trường hợp đó, cơ thể bệnh nhân bị quá tải bởi các cytokine, dẫn đến viêm nặng và tích tụ chất lỏng trong phổi.

Các bác sĩ quân đội Anh tiến hành khám nghiệm tử thi những người lính tử vong trong làn sóng dịch thứ hai, đã mô tả những tổn thương ghê gớm ở phổi bệnh nhân cúm giống như nạn nhân của một cuộc chiến tranh hóa học.

Chú thích ảnh
Một phụ nữ thở qua khẩu trang nối với một loại máy lọc không khí trong đại dịch cúm 1918. Ảnh: Getty Images

Thiếu biện pháp cách ly 

Nhà nghiên cứu Harris tin rằng sự lây lan nhanh chóng của làn sóng thứ hai dịch “cúm Tây Ban Nha” vào mùa Thu năm 1918 ít nhất cũng có phần lỗi của giới chức y tế cộng đồng đã không muốn áp dụng các biện pháp cách ly thời chiến.

Chẳng hạn ở Anh, một quan chức chính phủ tên Arthu Newsholme biết rõ rằng việc phong tỏa dân sự nghiêm ngặt là cách tốt nhất để đối phó với dịch, nhưng ông ta lại không muốn các nỗ lực chiến tranh bi tê liệt khi các công nhân nhà máy đạn dược bị cách ly ở nhà.

Còn ở Mỹ, các phản ứng về y tế công cộng bị cản trở bởi tình trạng thiếu điều dưỡng nghiêm trọng khi hàng ngàn y tá đã được triển khai đến các doanh trại quân đội và tiền tuyến. Sự thiếu hụt càng tệ hơn do Hội Chữ thập đỏ Mỹ từ chối huy động các y tá gốc Phi, cho đến tận khi giai đoạn chết chóc nhất của đại dịch đã qua. 

Thiếu công cụ phát triển vắc-xin

Tuy nhiên một trong những lý do chính khiến bệnh cúm Tây Ban Nha cướp đi quá nhiều mạng sống  là vì thế giới không có đủ công cụ khoa học để phát triển một loại vắc-xin ngừa virus này.

Cho đến tận những năm 1930, kính hiển vi vẫn không thể nhìn thấy thứ gì nhỏ khó tin như virus. Thay vào đó, các chuyên gia y tế hàng đầu vào năm 1918 tin rằng dịch cúm này là do một loại vi khuẩn có biệt danh là “trực khuẩn Pfeiffer” gây ra.

Chú thích ảnh
Người dân Mỹ đeo khẩu trang phòng dịch cúm 1918. Ảnh: Getty Images

Sau trận dịch cúm bùng phát vào năm 1890, một bác sĩ người Đức tên là Richard Pfeiffer đã phát hiện ra rằng tất cả các bệnh nhân của ông đều mang một chủng vi khuẩn đặc biệt mà ông gọi là H.influenzae (sau này được đặt biệt danh là “trực khuẩn Pfeiffer”). Khi đại dịch cúm Tây Ban Nha tấn công, các nhà khoa học đã có ý định tìm biện pháp tiêu diệt trực khuẩn Pfeiffer. Hàng triệu USD được đầu tư vào các phòng thí nghiệm hiện đại để phát triển kỹ thuật xét nghiệm và điều trị H.influenzae, nhưng tất cả đều vô ích.

Đến tháng 12/1918, làn sóng thứ hai chết chóc của dịch cúm Tây Ban Nha cuối cùng đã qua, nhưng đại dịch thì còn lâu mới kết thúc. Làn sóng thứ ba bùng phát ở Australia vào tháng 1/1919, trước khi quay trở lại châu Âu và Mỹ. Người ta tin rằng Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson cũng đã nhiễm virus khi tham gia các cuộc đàm phán hòa bình hậu Thế chiến ở Paris vào tháng 4/1919.

Tỷ lệ tử vong của làn sóng thứ ba cũng cao như làn sóng thứ hai, nhưng việc chiến tranh kết thúc vào tháng 11/1918 đã loại bỏ những điều kiện cho phép dịch bệnh lây lan rộng và nhanh chóng. Con số tử vong toàn cầu từ làn sóng thứ ba mặc dù vẫn lên tới hàng triệu, cũng không thể so sánh với những tổn thất kinh hoàng trong làn sóng thứ hai.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo History)