03:13 01/03/2020

Làn sóng phụ nữ tiên phong trong ngành tình báo Mỹ

Khi bà Gina Haspel tuyên thệ nhậm chức Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), bà đã trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ vị trí này. Chính quyền Mỹ khi đó gọi đây là chiến thắng của phụ nữ trong ngành tình báo xưa nay vốn không coi trọng phái yếu.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: History.com

Ngày 16/12/1941, chín ngày sau sự kiện Trân Châu Cảng, một bà mẹ ba con ở bang Maryland tên là Adelaide Hawkins đã ký bản khai có tuyên thệ trước Cơ quan Tình báo Chiến lược Mỹ (OSS) ở Washington. Trong đó, bà khẳng định sẽ bảo vệ Hiến pháp Mỹ trước mọi kẻ thù dù trong hay ngoài nước và sẽ trung thành, tuân thủ Hiến pháp Mỹ. Bà Hawkins đã trở thành trợ lý thư ký mật mã với mức lương 1.620 USD/năm.

Theo trang history.com, vai trò thực sự của Hawkins là người tiên phong trong lĩnh vực tình báo Mỹ. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, OSS đã thành lập mạng lưới tình báo đầu tiên của Mỹ. Hawkins quản lý trung tâm tin nhắn của cơ quan này ở Washington và tập trung vào công việc mật mã. Bà đã giúp đào tạo về liên lạc cho điệp viên làm việc trong khu vực của kẻ thù, Sau chiến tranh, khi Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) được thành lập tháng 9/1947, bà là một trong số những người phụ nữ đầu tiên đứng trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của CIA.

Các tài liệu giải mật gần đây của CIA cùng các tài liệu khác cho thấy một giai đoạn lịch sử ngắn về vai trò phụ nữ trong CIA. Có thời điểm số lượng phụ nữ trong CIA cũng phản ánh số lượng phụ nữ Mỹ trong lực lượng lao động nói chung. Tuy nhiên, cũng có thời điểm xu hướng này khác biệt hẳn.

Làn sóng nữ điệp viên đầu tiên

Lúc đầu, giới chức tình báo Mỹ phải đối mặt với câu hỏi: Phụ nữ có thể trở thành điệp viên giỏi không? Khi được giới chức Mỹ hỏi về vấn đề này, một quan chức tình báo châu Âu nói: “Điệp viên cần bình tĩnh, giản dị và kín đáo. Phụ nữ giàu cảm xúc, tự kiêu và nói nhiều. Họ dễ yêu và không phân biệt đối xử. Họ không kiên nhẫn với yêu cầu nghiêm ngặt về biện pháp an ninh. Họ có sức chịu đựng khó khăn kém”.

Tuy nhiên, giới chức tình báo Mỹ không đồng ý với nhận định trên. Theo tài liệu giải mật của CIA, cơ quan này tập trung rất nhiều vào nỗ lực thúc đẩy vai trò của phụ nữ. Giám đốc CIA khi đó là Allen Dulles từng nói rằng phụ nữ là điệp viên tốt. Ngày 10/8/1953, CIA đã thành lập “ban phụ nữ” để đánh giá, thúc đẩy phát triển vấn đề sự nghiệp và phi sự nghiệp của phụ nữ trong CIA.

Ban này hoạt động hiệu quả. Tới những năm 1950, nhiều điệp viên nữ tài giỏi xuất hiện. Trong số đó có Eloise Page, người gia nhập CIA từ khi cơ quan này mới thành lập. Page vươn lên nhiều vị trí trong các hoạt động tình báo nước ngoài sau chiến tranh, trở thành trưởng nhóm hoạt động kỹ thuật và khoa học. Với biệt danh “bươm bướm sắt”, Page sau này trở thành người phụ nữ đầu tiên phụ trách cơ sở của CIA ở Athens, Hy Lạp.

Chú thích ảnh
Bức tranh vẽ điệp viên Virginia Hall. Ảnh: CIA

Một nhân vật quan trọng nữa là Virginia Hall, biệt danh “quý bà khập khiễng” vì bà có một chân giả. Hall đã hoạt động khắp châu Âu để tổ chức các mạng lưới tình báo và tiếp tế cho phong trào kháng chiến. Nỗ lực của bà đã giúp phá hủy Đức Quốc xã – chế độ coi bà là điệp viên nguy hiểm nhất. Bà làm cho CIA tới những năm 1960 với công việc tổ chức các nhóm kháng chiến sau Bức màn Sắt.

Mặc dù phong trào phụ nữ phát triển mạnh mẽ ở CIA những năm 1960 nhưng văn hóa của đàn ông vẫn thống trị ở cơ quan này. Phụ nữ cho biết họ phải làm việc vất vả hơn để được thăng tiến như đàn ông và họ không thể đảm nhiệm một số công việc như vị trí quản lý. Một tài liệu những năm 1970 đề cập tới vấn đề này: “Phong trào giải phóng của phụ nữ đã gây nhiều tranh cãi, nhưng đó không phải là vấn đề nhạy cảm với phụ nữ ở CIA. Vấn đề thực sự là lương của nhân viên chính phủ do người đóng thuế trả, cả nam và nữ, da trắng và da màu. Luật yêu cầu các cơ quan chính phủ đối xử bình đẳng với mọi nhân viên, tuyển dụng và thăng chức cho họ chỉ dựa trên cơ sở năng lực”.

Có người cho rằng tuyển dụng dựa trên năng lực là cái cớ để không tuyển phụ nữ. Một nhân viên tình báo tên là Harritte Thompson năm 1977 đã kiện CIA ra tòa vì đối xử không công bằng với phụ nữ. Đơn kiện cáo buộc quản lý ở CIA chủ yếu ưu tiên nhân viên nam. Thompson nói: “Vì là phụ nữ mà tôi không được tham gia các khóa huấn luyện cần thiết trong thời gian dài mà các khóa này nhằm chuẩn bị cho nhân viên được thăng chức”.

Khi vụ kiện này kéo dài ở tòa, các cuộc thảo luận về vai trò giới cũng đang định hình lại nước Mỹ. Năm 1978, các thành viên cuộc họp kín của phụ nữ tại quốc hội đã tổ chức họp với Giám đốc CIA Stansfield Turner để thảo luận vai trò phụ nữ ở CIA. Ông Turner nói về những khó khăn khi khi cài cắm điệp viên nữ tại một số khu vực trên thế giới, ví dụ như Trung Đông. Tuy nhiên, các nữ nghị sĩ chất vấn ông Turner: Có phải những người phụ trách tuyển dụng ở CIA đều là nam? Có thể dùng nhiều phụ nữ hơn trong công việc phân tích và kỹ thuật ở CIA hay không?

Cuối cùng, Harritte Thompson đã dàn xếp vụ kiện với CIA. CIA đã cho cô thăng chức và trả phần tiền lẽ ra cô phải được hưởng trước đó. CIA sau đó bước vào thời kỳ làn sóng quyền lực mới của phụ nữ.

Trần kính ngành tình báo

Chú thích ảnh
Bà Gina Haspel tuyên thệ nhậm chức Giám đốc CIA. Ảnh: Reuters

Vào những năm 1980, các cuộc thảo luận về vai trò giới từ những năm 1960 và 1970 đã biến thành phong trào đòi bình quyền cho phụ nữ, nhưng phong trào này chưa xảy ra ở CIA. Năm 1983, Phó giám đốc CIA John N. McMahon đã viết biên bản ghi nhớ tên là “Phụ nữ CIA”. Ông đã kiểm tra số liệu thống kê về giới tại CIA và giật mình với kết quả. Cuối cùng, CIA đã thực hiện nghiên cứu về “trần kính” (rào cản vô hình ngăn phụ nữ đạt đến đỉnh cao trong một lĩnh vực nhất định) năm 1992 nhằm xác định xem có rào cản về cơ hội thăng tiến với nhân viên CIA hay không, đặc biệt là với phụ nữ và nhóm thiểu số.

Nghiên cứu kết luận phụ nữ tập trung ở những nhóm cấp bậc thấp hơn đàn ông. Mặc dù phụ nữ chiếm gần 40% lực lượng lao động nhưng họ chỉ nắm giữ 10% vị trí cấp cao trong Cục Tình báo Mật (SIS).
Hai năm sau khi nghiên cứu trên được xuất bản, nữ đặc vụ CIA Jeanne Vertefeuille (người làm nhân viên đánh máy khi mới vào CIA năm 1954) đã có công vạch mặt Aldrich Ames – cựu nhân viên CIA làm gián điệp cho Nga. 

Trong những năm sau đó, nhiều phụ nữ như Nora Slatkin, Stephanie O’Sullivan và V. Sue Bromley đã trở thành những nhân vật có vai trò quan trọng ở CIA. Năm 2002, CIA đã bổ nhiệm bà Jami Miscik làm Phó giám đốc, phụ trách cung cấp thông tin hàng ngày cho Tổng thống khi đó là ông George W. Bush.

Phụ nữ vươn tới cấp bậc cao nhất trong CIA khi bà Gina Haspel làm giám đốc. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr nói về bà Haspel: “Bà chắc chắn là người có năng lực nhất”.

Thùy Dương/Báo Tin tức