01:15 28/01/2011

Làn sóng biểu tình ở Tuynidi lan sang Ai Cập, Yêmen

Tình hình ở Ai Cập và Yêmen đang diễn biến hết sức phức tạp khi hàng nghìn người dân ở mỗi quốc gia này, “lấy cảm hứng” từ cuộc biểu tình lật đổ tổng thống ở Tuynidi mới đây, cũng xuống đường phản đối chính phủ.

Tình hình ở Ai Cập và Yêmen đang diễn biến hết sức phức tạp khi hàng nghìn người dân ở mỗi quốc gia này, “lấy cảm hứng” từ cuộc biểu tình lật đổ tổng thống ở Tuynidi mới đây, cũng xuống đường phản đối chính phủ.

Phóng viên TTXVN thường trú tại Ai Cập cho biết, ngày 27/1 (giờ Việt Nam), Tổng thống Hosni Mubarak đã quyết định đặt 4 sư đoàn thiết giáp trong tình trạng khẩn cấp; các sỹ quan và binh sỹ đang nghỉ phép cũng được lệnh trở lại đơn vị. Trong khi đó, Thủ tướng Ahmed Nazif cho biết các lực lượng an ninh sẽ "can thiệp mạnh" để phá tan mọi âm mưu gây bất ổn tình hình đất nước.

"Biển" người biểu tình ở thủ đô Xana (Yêmen) ngày 27/1. Ảnh: AFP - TTXVN


Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình chống chính phủ đã lan rộng ra khắp cả nước, bất chấp lệnh cấm biểu tình, thậm chí cấp độ biểu tình và bạo động ngày càng leo thang. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất trong 3 thập kỷ qua, có sự tham gia của hàng chục nghìn người dân để phản đối tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, tham nhũng, bất công xã hội.

Tình hình tại thủ đô Cairô ngày 26/1 (giờ địa phương) cực kỳ căng thẳng sau khi rất đông người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài trụ sở Bộ Ngoại giao, phá cổng và tràn vào khuôn viên của bộ này trước khi bị cảnh sát giải tán bằng hơi cay.


Đêm cùng ngày, người biểu tình cũng phóng hỏa một cơ quan công quyền tại thành phố Suez, ném bom xăng vào văn phòng Đảng Dân tộc dân chủ (NDP) cầm quyền; trong khi hàng nghìn người khác tập hợp ở quảng trường Tel Talat Harb nằm trên trục đường dẫn tới quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô, nơi hàng chục nghìn người biểu tình đã tụ tập từ hôm 25/1.

Tính đến tối 27/1 (giờ VN), đã có 6 người thiệt mạng và khoảng 1.000 người biểu tình bị bắt giữ. Trong khi đó, cùng ngày nhóm tin tặc “Anonymous” (Nặc danh), từng tấn công các trang web của chính phủ Tuynidi trong làn sóng biểu tình mới đây ở quốc gia Bắc Phi này, đã đe dọa trả đũa chính phủ Ai Cập nếu Cairô tiếp tục ngăn cản những người biểu tình sử dụng Internet để tập hợp lực lượng.

Trước tình hình đó, ngày 27/1, Tổng thống Mubarak đã cử Bộ trưởng Quốc phòng Mohamed Hussein Tantawi tới Mỹ để khẩn cấp yêu cầu Oasinhtơn hậu thuẫn chính quyền Ai Cập đối phó với làn sóng biểu tình.


Trong các cuộc gặp tại Oasinhtơn, ông Tantawi cảnh báo các quan chức Mỹ đang khiến tình hình Ai Cập trở nên căng thẳng khi Mỹ chủ trương ủng hộ "bàn tay mềm" với những người biểu tình và đáp lại những đòi hỏi của họ.

Đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát ở Suez (miền bắc Ai Cập) ngày 27/1. Ảnh: AFP-TTXVN


Bộ trưởng Quốc phòng Ai Cập đề nghị Oasinhtơn mau chóng cung cấp các thiết bị kiểm soát bạo động tiên tiến cho Ai Cập. Vẫn chưa rõ phản ứng của Mỹ đối với đề nghị này của Ai Cập. Tuy nhiên, thông tin về chuyến thăm Oasinhtơn của ông Tantawi được dự đoán có thể đổ thêm dầu vào ngọn lửa bất mãn tại quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arập này.

Trong một động thái được coi là bất ngờ đối với nước đồng minh Arập quan trọng nhất của mình, Oasinhtơn đã kêu gọi Tổng thống Ai Cập Mubarack tiến hành cải cách chính trị, kinh tế và xã hội.


Thông báo gửi Cairô của Oasinhtơn nêu rõ: “Chính phủ Ai Cập đang có một cơ hội quan trọng để đáp ứng những khát vọng của người dân nước mình và tiến hành cải cách chính trị, kinh tế, xã hội để cải thiện cuộc sống của người dân và phát triển đất nước”. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng chính phủ Ai Cập "phải hành động ngay lập tức nếu muốn tránh kết cục tương tự như Tuynidi".

Cũng trong ngày 27/1 tại thủ đô Xana của Yêmen đã diễn ra cuộc biểu tình quy mô lớn đòi Tổng thống Ali Abdullah Saleh từ chức sau 32 năm nắm quyền lãnh đạo.

Những người biểu tình, ước tính hơn 16.000 người, cho rằng ông Salehê nắm quyền hơn 30 năm là quá đủ và đã đến lúc cần có sự thay đổi, giống như trường hợp Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tuynidi bị phế truất sau hơn 20 năm cầm quyền.


Những người biểu tình cũng đòi cải thiện điều kiện sống, giảm khoảng cách giàu - nghèo trong xã hội và đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng.

Trong khi đó, đảng cầm quyền Đại hội chung của nhân dân của Tổng thống Saleh cũng tổ chức các cuộc tuần hành phản đối biểu tình với sự tham gia của hàng nghìn người ủng hộ chính phủ. Những người tuần hành đã hô vang các khẩu hiệu "không được đánh đổ nền dân chủ và hiến pháp".

Tình trạng bất ổn chính trị ở các nước trên đang khiến dư luận thế giới hết sức lo ngại. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh để xảy ra đổ máu và tìm kiếm những giải pháp hòa bình.

Thanh Bình, Bùi Hoàn (P/v TTXVN tại Ai Cập)