01:14 21/01/2022

Làn sóng biến thể Omicron đầu tiên làm lộ điểm yếu của vaccine công nghệ mRNA

Nghiên cứu một số ca mắc COVID-19 sau tiêm vaccine cho thấy các mũi tiêm tăng cường bằng vaccine công nghệ mRNA như vaccine do Pfizer/BioNTech sản xuất đã không ngăn chặn được biến thể Omicron.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Montreal, Quebec, Canada, ngày 24/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bloomberg, các nhà nghiên cứu tại Đại học Cape Town và Đại học Stellenbosch ở Nam Phi đã cho biết thông tin trên trong phát hiện được công bố mới đây trên tạp chí The Lancet. 

Các nhà nghiên cứu cho biết 7 du khách người Đức đến Cape Town ở Nam Phi đã nhiễm COVID-19 có triệu chứng từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12/2021 mặc dù đã được tiêm mũi tăng cường.

Tất cả các trường hợp đều nhiễm bệnh nhẹ hoặc trung bình, cho thấy mũi tiêm tăng cường có thể chống lại ca bệnh nặng, tử vong và nhập viện.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chứng minh Omicron có khả năng né tránh miễn dịch cho dù người nhiễm bệnh đã tiêm loại vaccine COVID-19 mạnh nhất. Các tác giả cho biết điều này cho thấy cần thiết phải tiếp tục chống đại dịch bằng các biện pháp khác bên cạnh việc tiêm chủng, chẳng hạn như giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.

Các mũi tiêm dường như tạo ra rào bảo vệ chống lại Omicron ở các bộ phận khác của hệ thống miễn dịch chứ không chỉ tạo kháng thể, ví dụ như tế bào T. Tới nay, dữ liệu về ca nhập viện và tử vong cho thấy tỷ lệ ít nghiêm trọng hơn so với biến thể Delta.

Biến thể Omicron lây lan nhanh chóng trên toàn cầu đã khiến Anh, Mỹ, Nam Phi và các quốc gia khác đẩy mạnh các chương trình tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy hạn chế của các kế hoạch tiêm tăng cường.

Vaccine được sản xuất bằng công nghệ mRNA mới đã trở thành ưu tiên hàng đầu trong đại dịch COVID-19. Các mũi tiêm “hướng dẫn” các tế bào tạo ra lượng kháng thể cao để “khóa” protein gai – bộ phận của virus giúp nó xâm nhập tế bào con người.

Dữ liệu sơ bộ từ một thử nghiệm ở Israel với 154 nhân viên y tế cho thấy rằng liều tiêm thứ tư của vaccine Pfizer không thể ngăn ngừa nhiễm Omicron. Tuy nhiên, những người trong thử nghiệm có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Dữ liệu từ Anh cũng cho thấy vaccine có khả năng đáng kể trong việc ngăn chặn ca có triệu chứng và nhập viện sau khi tiêm mũi tăng cường. Tuy nhiên, có thể người trên 65 tuổi cần thêm mũi thứ tư.

Trong nghiên cứu ở Cape Town, có bốn trong số những người Đức đang tham gia đào tạo tại các bệnh viện địa phương, ba người đang đi nghỉ và tất cả đều ở độ tuổi từ 25 đến 39. Năm người là nữ, hai người là nam và không ai bị béo phì.

Năm người đã được tiêm ba liều vaccine Pfizer-BioNTech và một người đã được tiêm vaccine Moderna cũng bằng công nghệ mRNA và tiêm mũi tăng cường Pfizer. Một người khác được tiêm một liều vaccine AstraZeneca, sau đó là hai mũi Pfizer. Họ chưa mắc COVID-19 trước đó. Năm đối tượng được tiêm liều nhắc lại vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2021.

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Nhóm người Đức này là cơ hội duy nhất để nghiên cứu các ca nhiễm Omicron “vượt rào” ở những cá nhân đã tiêm mũi tăng cường bằng vaccine mRNA”.

Họ cho biết tất cả các đối tượng đều bắt đầu xuất hiện các triệu chứng hô hấp trong khoảng thời gian từ ngày 30/11 đến ngày 2/12/2021 và cuối cùng là mắc bệnh nhẹ hoặc trung bình.

Các nhà nghiên cứu cho biết phản ứng mạnh mẽ từ các tế bào T đã được phát hiện ở các đối tượng. Họ nói: “Diễn biến bệnh nhẹ đến trung bình cho thấy rằng việc tiêm phòng đầy đủ sau đó là một liều nhắc lại vẫn giúp bảo vệ tốt trước ca bệnh nặng do Omicron gây ra”.

Họ cho biết sẽ cần đến những loại vaccine tốt hơn để ngăn chặn các ca nhiễm Omicron có triệu chứng.

Thùy Dương/Báo Tin tức