03:17 15/03/2019

Lần đầu tiên Việt Nam tách gan ghép cho 2 người

Lá gan từ người hiến chết não đã được tách ra để ghép cứu sống thành công 1 bệnh nhân ung thư gan và 1 bệnh nhân suy gan nặng. Đây là sự thành công vượt bậc trong kỹ thuật ghép tạng của Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi được ghép gan đang phục hồi tốt chức năng gan. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN

Sáng 15/3, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã công bố thực hiện thành công kỹ thuật chia một lá gan để ghép cho 2 bệnh nhân nhờ nguồn hiến từ người cho chết não.

Ngày 8/3, một nam thanh niên 30 tuổi chết não do tai nạn giao thông và gia đình có nguyện vọng hiến tạng. Cùng lúc có 2 bệnh nhân mắc bệnh gan có bệnh lý hiếm và nặng chỉ còn chờ nguồn gan ghép mới có thể được cứu sống. Một bệnh nhân mới 9 tuổi, mắc suy gan biến chứng nặng, rối loạn đông máu và một bệnh nhân nam 49 tuổi bị ung thư gan trên nền xơ gan.

Ngay sau khi có nguồn tạng hiến, lần đầu tiên các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện ca ghép tách 1 lá gan để ghép cho 2 bệnh nhân. Bệnh viện đã huy động toàn bộ nhân lực đầu ngành và phối hợp với Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện.

GS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Lá gan được chia đôi ngay trong cơ thể của người hiến từ lúc tim còn đang đập, giúp thời gian sống của mảnh ghép có thể tương đương với việc ghép toàn bộ gan từ người cho chết não hoặc người hiến sống. Tuy nhiên, kỹ thuật này rất khó thực hiện bởi phẫu thuật viện không nắm được giải phẫu của gan người hiến trước khi chia; kỹ thuật chia ghép gan hiện nay cũng chưa phổ biến. Bên cạnh đó, bác sĩ phải cùng lúc thực hiện ghép gan cho 2 bệnh nhân, mỗi bàn ghép phải có 3 kíp kỹ thuật để ghép gan trong điều kiện cấp cứu.

Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực hết mình của các bác sĩ, cả 2 ca ghép gan đều thành công. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân nam 49 tuổi và bệnh nhân 9 tuổi đều tiến triển tốt, các bệnh nhân đã tỉnh táo, chức năng gan đang hồi phục. Bệnh nhi 9 tuổi không còn rối loạn đông máu, gan mới đã tiết ra mật tốt.

Đây là một thành công đáng ghi nhận của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khi trên thế giới kỹ thuật chia gan để ghép vẫn còn chưa phổ biến. Năm 2016, tại Mỹ chỉ có gần 400 ca ghép gan sử dụng kỹ thuật chia gan, còn tại Châu Âu, tỷ lệ này mới chỉ có 6%.

Cũng theo GS. Trần Bình Giang, khó khăn lớn nhất của ghép gan là sự khan hiếm của nguồn tạng. Hiện nay, số lượng gan có sẵn để ghép chỉ đáp ứng 10% - 15% số bệnh nhân. Chính vì vậy, bệnh viện đã chủ trương tăng tối đa khả năng ghép gan cho bệnh nhân, trong đó giao cho Trung tâm ghép tạng nghiên cứu triển khai kỹ thuật chia gan để ghép.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức