05:19 19/05/2020

Lần đầu tiên có Kỳ họp Quốc hội họp trực tuyến

Đúng 8 giờ ngày 20/5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV sẽ họp Phiên khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội bằng hình thức họp trực tuyến.

Chú thích ảnh
Các đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Dương Giang/TTXVN.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tổ chức kỳ họp theo hình thức họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung và chia làm 2 đợt. Đợt 1, Quốc hội họp trực tuyến qua cầu truyền hình từ Nhà Quốc hội đến 63 Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ ngày 20/5 đến ngày 29/5/2020). Đợt, Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội (từ ngày 8/6 đến ngày 18/6/2020).

Thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan đã khẩn trương chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội; đồng thời, tổ chức tiếp xúc cử tri, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cử tri để phản ánh với Quốc hội tại kỳ họp.

Tổng Thư ký Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Đây là một kỳ họp đặc biệt trong lịch sử Quốc hội Việt Nam hơn 70 năm qua. Thực tế thời gian qua, dịch COVID-19 đã làm thay đổi nhiều vấn đề của đời sống, kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, có liên quan đến việc họp của các nghị viện.  

Hiện nay, đã có khoảng 21 nghị viện đã có chuẩn bị cho việc họp trực tuyến, trong đó có Việt Nam. Họp trực tuyến của Quốc hội có những đặc thù khác so với họp trực tuyến của Chính phủ. Bởi vì, thời gian họp Quốc hội dài hơn và các yêu cầu về một số phần mềm đảm bảo cho hoạt động của nghị viện cũng khác với các cuộc họp thông thường. Vì vậy, đòi hỏi phải đáp ứng nhiều yêu cầu phức tạp hơn.

Do đó, để đáp ứng được yêu cầu của cuộc họp trực tuyến đợt 1 của Quốc hội, đòi hỏi công tác chuẩn bị của Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội phải rất kỹ lưỡng và đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đơn vị phát triển công nghệ thông tin.  

Cũng theo Tổng Thư ký Quốc hội, Nguyễn Hạnh Phúc, đến thời điểm này công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất. Trong đó, Văn phòng Quốc hội chú trọng đến việc đảm bảo đường truyền thông suốt và đảm bảo hệ thống dự phòng. Về cách thức tổ chức, đại biểu Quốc hội của Đoàn nào sẽ tham dự kỳ họp ở điểm cầu ở ngay tại Đoàn đó.

Trường hợp đang công tác tại tỉnh, thành phố khác sẽ lựa chọn tham dự tại điểm cầu ở nơi công tác hoặc nơi mình tham gia Đoàn và đăng ký với Trưởng Đoàn nơi sẽ tham dự họp. Đại biểu công tác tại Hà Nội (trừ đại biểu thuộc Đoàn TP Hà Nội) sẽ tham dự kỳ họp tại Hội trường Diên Hồng.

Tại các phiên họp trực tuyến, đại biểu tại điểm cầu của 63 Đoàn thực hiện đăng ký phát biểu, tranh luận qua đường dây nóng. Đại biểu tại Hội trường Diên Hồng đăng ký phát biểu và tranh luận như các kỳ họp trước. Danh sách đăng ký phát biểu được kịp thời cập nhật vào hệ thống điều hành của Đoàn Chủ tịch theo thứ tự đăng ký của đại biểu và được thể hiện trên màn hình tại Hội trường Diên Hồng.

Về biểu quyết, các đại biểu Quốc hội sử dụng phần mềm cài đặt trên Ipad để biểu quyết. Kết quả biểu quyết sẽ được hiện trên màn hình ở Hội trường Diên Hồng. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội vẫn được duy trì và bảo đảm thực hiện thông qua các phần mềm ứng dụng.

Theo đó, đại biểu Quốc hội có thể truy cập ứng dụng Quốc hội để tra cứu Văn kiện tài liệu hoặc Thư viện số để tìm kiếm và sử dụng tài liệu tham khảo của Kỳ họp thứ 9. Đại biểu Quốc hội có thể gửi câu hỏi, yêu cầu cung cấp thông tin và nhận kết quả trực tiếp trên hệ thống cung cấp thông tin trực tuyến của Thư viện Quốc hội.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, Phó Trưởng Đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị tại Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cơ bản đã hoàn tất, việc trang trí khánh tiết, kiểm tra hệ thống đường truyền đã được tiến hành kỹ lưỡng.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, việc cung cấp tài liệu thông qua hình thức trực tuyến rất hiệu quả, giúp tiết kiệm chi phí in ấn tài liệu. Cải tiến này đã được ứng dụng từ kỳ thứ 7 và được đại biểu đón nhận, đánh giá cao.

Chú thích ảnh
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo thông báo chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoa XIV. Ảnh: Viết Tôn.

Mặc dù vậy, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khó khăn lớn nhất là phải giữ đường truyền liên tục trong thời gian dài. Từ trước đến nay chưa từng có họp trực tuyến dài ngày như vậy, thông thường chỉ họp trực tuyến từ 1-2 ngày. Đây là lần đầu tiên họp đến 10 ngày, vì vậy phải đảm bảo an toàn trực tuyến. Bên cạnh đó, phải đảm bảo an toàn an ninh mạng trong suốt thời gian Quốc hội họp trực tuyến.

Ngoài ra, các phần mềm về đăng ký phát biểu, tranh luận, biểu quyết... phải đảm bảo ổn định, an toàn và không bị gián đoạn, để khi tất cả đại biểu Quốc hội biểu quyết thì có kết quả hiện về hệ thống trên phòng Diên Hồng trong vòng 1 phút. Đây là phần mềm mới, viết riêng cho họp trực tuyến của Quốc hội. Tuy nhiên, vì là lần đầu, nên không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc nhất định.

"Liên quan đến vấn đề dịch bệnh, Văn phòng Quốc hội vẫn luôn chú trọng các biện pháp để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch như: Hạn chế tối đa số lượng người ra vào Nhà Quốc hội. Đợt 1, việc bố trí chỗ ngồi của đại biểu ở phòng Diên Hồng đảm bảo giãn cách và so le; phối hợp với các cơ quan y tế xây dựng phương án cụ thể về phòng chống dịch trong thời gian họp Quốc hội… Văn phòng Quốc hội cũng bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các cơ quan thông tấn, báo chí thuận tiện trong tác nghiệp, chuyển tải kịp thời, đầy đủ diễn biến kỳ họp đến cử tri và nhân dân. Nhìn chung, để kỳ họp diễn ra thành công, cần sự phối hợp với chặt chẽ, hiệu quả của các ngành, đơn vị có liên quan”, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay.

Văn phòng Quốc hội cũng đã tích cực phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) bảo đảm nguồn điện; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) bảo đảm hệ thống hội nghị cầu truyền hình; Bộ Y tế hướng dẫn công tác vệ sinh dịch tễ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch COVID-19; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng. Đồng thời, đề nghị các cơ quan trên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ở địa phương phối với các Văn phòng Đoàn trong việc bảo đảm các điều kiện tại địa điểm họp của Đoàn.

Phiên khai mạc sẽ được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước cùng theo dõi.

Trước đó, vào sáng 19/5, Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trước ngày khai mạc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Đoàn Đại biểu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đại biểu Quốc hội chuyên trách, đại biểu Quốc hội tại Hà Nội đã tới đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

V.Tôn/Báo Tin tức