05:17 07/05/2019

Lần đầu tiên chương trình 'Đại lộ di sản' sẽ diễn ra tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc

Lần đầu tiên, một chương trình nghệ thuật quốc tế mang tên “Đại lộ di sản” do Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện sẽ diễn ra lúc 20h10 ngày 12/5/2019, tại khu du lịch tâm linh Tam Chúc – Hà Nam, đúng vào dịp diễn ra Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, Đài truyền hình Việt Nam.

Thông tin trên được đại diện Ban tổ chức chương trình “Đại lộ di sản” cho biết tại cuộc họp báo chiều 7/5 tại Hà Nội.

Chú thích ảnh
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: BTC cung cấp

Chương trình sẽ giới thiệu đến khán giả trong nước và quốc tế những di sản văn hóa của Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Theo đó, sẽ có 7 đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia châu Á gồm: Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Bhutan, Thái Lan, Indonesia, Srilanka tham dự và mang theo những di sản truyền thống đặc sắc đến biểu diễn trong chương trình.  

Chương trình gồm 2 phần, phần một có chủ đề “Việt Nam – đất Phật ngàn năm”. Trong chủ đề này, khán giả sẽ được xem những phóng sự tài liệu nghệ thuật về di sản tín ngưỡng Việt Nam, thưởng thức chương trình biểu diễn được dàn dựng công phu, hoành tráng như ca khúc “Việt Nam Phật giáo rạng ngời”; ca cổ “Chuyện Phật Thích ca giáng trần”; tiết mục biểu diễn “Phật trong cõi nhân gian” với chùm bài hát: Hát ru – Đi Cấy – Vào chùa;  múa trống Thượng Đường/ Khai giác… với sự tham gia của các ca sỹ Ngọc Sơn, Phi Nhung, Đông Hùng, Khánh Linh, Ngọc Khuê và hàng trăm diễn viên múa chuyên nghiệp.

Phần hai của chương trình mang tên “Đại lộ di sản”, giới thiệu đến công chúng những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Việt Nam và các nước trong khu vực. Trong đó, Việt Nam giới thiệu điệu múa Hoa đăng – điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc cung đình triều Nguyễn; múa Odissi – một trong những điệu múa cổ của Ấn Độ; múa Awa Odori Nhật Bản, điệu múa được cho là bắt nguồn từ năm 1586, thể hiện tinh thần của đất nước võ sĩ đạo theo nhịp điệu của samisen, trống, chuông và sáo; múa Cham của Bhutan - một điệu nhảy truyền thống thường được biểu diễn trong những lễ hội lớn nhất tại Bhutan; múa Saman – một điệu múa mang thông điệp tôn giáo của người Gayo bản địa – di sản văn hóa của Indonesia… Mỗi tiết mục múa đều ẩn chứa một câu chuyện của riêng mình, những câu chuyện kể về tôn giáo, xứ sở và con người tại những quốc gia khác nhau trên thế giới từ xa xưa cho đến ngày nay.

Đại diện Ban tổ chức cho biết, những tiết mục tham dự chương trình đều là các di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia đó, hoặc di sản đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, phù hợp với không gian biểu diễn ngoài trời và sân khấu lớn.

Đây là năm đầu tiên chương trình nghệ thuật “Đại lộ di sản” được thực hiện, dự kiến sẽ được tổ chức hàng năm với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, nhằm đưa ra cách tiếp cận mới về di sản đến với khán giả, đánh thức kho báu di sản truyền thống, đồng thời qua đó góp phần bảo vệ di sản, bảo vệ các giá trị văn hóa chân – thiện – mỹ của Việt Nam và nhân loại.

Phương Lan (TTXVN)