07:10 02/07/2019

Lần đầu tiên Bộ Giao thông vận tải áp dụng mô hình bộ phận một cửa điện tử

Cải cách thủ tục hành chính đang là nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ đẩy mạnh, nhằm xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp phục vụ nhân dân, trong đó, thực hiện cơ chế một cửa liên thông giải quyết thủ tục hành chính. Từ ngày 2/7, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bắt đầu triển khai hệ thống thông tin một cửa điện tử.

Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ GTVT đã lập kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thành lập bộ phận một cửa tại cơ quan Bộ và một số đơn vị trực thuộc, nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Cụ thể, về mặt thể chế, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành một số quyết định thành lập bộ phận một cửa theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính của Bộ GTVT và công bố công khai danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ GTVT được tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả tại bộ phận một cửa.

Chú thích ảnh
Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại bộ phận một cửa TP Cần Thơ. Ảnh Thanh Liêm/TTXVN

Trụ sở của bộ phận một cửa được bố trí địa điểm riêng, trang bị đầy đủ máy móc, phương tiện làm việc, thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin, thiết bị giám sát... bảo đảm thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp đến liên hệ và làm việc thuận lợi.

Trước đó, ngày 1/7, Trung tâm Công nghệ thông tin đã hoàn thiện việc hiện nâng cấp Cổng dịch vụ công trực tuyến và xây dựng Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ GTVT, đáp ứng các yêu cầu tại Nghị định số 61/2018/NĐ-CP ngày 23/4/2018 của Chính phủ và các hướng dẫn về kỹ thuật của Bộ Thông tin và Truyền thông; hoàn thành phần mềm nghiệp vụ đối với 172 thủ tục hành chính được thực hiện tiếp nhận, trả kết quả tại bộ phận một cửa (trong đó, có 16 thủ tục thực hiện tại bộ phận một cửa tại cơ quan Bộ).

Đây là lần đầu tiên Bộ GTVT áp dụng việc triển khai mô hình bộ phận một cửa. Mô hình này có nhiều đổi mới so với cách thức giải quyết thủ tục hành chính hiện nay, trong đó người dân, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ của cơ quan Nhà nước, chỉ phải thực hiện nộp hồ sơ và nhận kết quả tại bộ phận một cửa. Việc giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế sự tiếp xúc giữa cán bộ, cơ quan trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính với người dân, doanh nghiệp, có sự tham gia giám sát chặt chẽ không chỉ của các cơ quan, quản lý nhà nước mà cả người dân, doanh nghiệp.

Tiến Hiếu/Báo Tin tức