12:11 14/12/2018

Lần đầu tiên bộ ba truyện đồ họa cho thiếu nhi Việt Nam được xuất bản

Đây là một thể loại truyện mới lạ do các nhà văn, họa sĩ Việt Nam viết cho bạn đọc nhí cả nước, vừa được nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng ra mắt độc giả.

Chú thích ảnh
Bộ ba truyện đồ họa lần đầu xuất hiện có tên: “Cô bé ganh tị” (Nguyên Hương Phương Thảo), “Phía sau cánh cửa” (Ngọc Linh - Phạm Ngọc Tân), “Hạ về trên đồi cỏ lau hồng” (Vương Thùy Linh - Hoàng Phương Thúy).

Đại diện NXB Kim Đồng cho biết, truyện đồ họa (Graphic Novel) là một thể loại mới lạ tại Việt Nam, được các nhà văn, họa sĩ tham gia Dự án Hỗ trợ văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch phối hợp sáng tác sau nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm. Theo đó, việc xuất bản bộ truyện đồ họa sẽ mang đến sự hứng thú cho độc giả vì các tác phẩm văn chương này đem đến một làn gió mới cho thể loại truyện nhiều minh họa của Việt Nam. 

Nếu như ở các truyện có minh họa truyền thống, họa sĩ vẽ minh họa từ truyện đã có nội dung hoàn chỉnh thì ở thể loại mới này, nhà văn và họa sĩ phải làm việc với nhau ngay từ khâu ý tưởng. Phần tranh và phần lời hòa quyện với nhau. Tranh minh họa đa dạng về cách thể hiện vì ngoài các minh họa nhân vật, bối cảnh thông thường, họa sĩ có thể vẽ những khung tranh lớn thay thế hoàn toàn cho lời, những kiểu chữ làm tăng hiệu ứng thị giác, hay đôi lúc là những minh họa dạng tranh truyện hiện đại thay cho việc diễn giải lời thoại theo cách thông thường…”, vị đại diện này cho biết thêm.

Theo họa sĩ Vương Thùy Linh, đây là lần đầu tiên chị tham gia vẽ minh họa cho một tác phẩm thuộc thể loại truyện đồ họa (thể loại truyện mới ở Việt Nam). Trong quá trình thực hiện, họa sĩ và nhà văn phải thường xuyên trao đổi kĩ càng và cần có sự đồng điệu về tâm hồn, cảm xúc. Cái khó của họa sĩ viết truyện đồ họa còn là việc minh họa các khung tranh trong phần đối thoại, làm sao để thể hiện được tốt nhất cảm xúc của nhân vật. Vì vậy, khi tác phẩm hoàn thành, mọi người đều ưng ý vì hình ảnh rất sinh động và cuốn hút với bạn đọc nhí.

Hoàng Tuyết/Báo Tin tức