09:11 16/09/2011

Làm và lo

Lại những chuyện không vui liên quan đến đăng ký thương hiệu xảy ra, lần này là đối với cà phê.

1. Lại những chuyện không vui liên quan đến đăng ký thương hiệu xảy ra, lần này là đối với cà phê. Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk đã bị công ty nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền trong vòng 10 năm tại Trung Quốc với hai nhãn hiệu "BUON MA THUOT & chữ Tàu" và "BUON MA THUOT COFFEE 1896 & logo". Rồi cả cà phê Đắk Lắk cũng đã bị một công ty ở Pháp đăng ký độc quyền nhãn hiệu và được bảo hộ ở hơn 10 quốc gia khác. Thế là, nói như một luật sư, việc chủ thể nước ngoài sở hữu những thương hiệu này đồng nghĩa với việc tài sản của Nhà nước bị rơi vào tay người khác.

2 Thương hiệu không chỉ là cái tên mà là tài sản vật chất đo đếm được, nhiều khi là tài sản rất lớn, thậm chí là vô giá. Vì vậy việc để người khác đăng ký mất thương hiệu của mình là thiệt hại vô cùng lớn, nhiều khi là không thể lường hết được.

3. Thực ra thì đây không phải là lần đầu, mà việc để cho công ty nước ngoài đăng ký mất thương hiệu đã từng diễn ra không ít đối với chúng ta và gây tổn hại không thể tính hết; thậm chí có ngân hàng đã phải thay đổi tên gọi vốn đã có uy tín rất lớn chỉ vì để nước ngoài đăng ký mất thương hiệu. Các nhà quản lý, các chuyên gia cũng đã từng phân tích, cảnh báo nhiều lần nhưng rồi việc vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Trách nhiệm thuộc về ai?

4. Các cụ từng răn dậy: “Một người lo bằng kho người làm”. Trong thời buổi kinh tế thị trường đặt trong “thế giới phẳng” này thì cái việc “lo” lại càng vô cùng quan trọng vì nó đem lại lợi ích to lớn và lâu dài. Đó chính là trách nhiệm của các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, những người ăn lương để lo cho dân cho nước.

5. Mất bò mới lo làm chuồng là điều không nên. Tuy nhiên, với một quốc gia có nhiều đặc sản như nước ta thì bài học mất thương hiệu nói trên không bao giờ cũ. Chỉ mong lãnh đạo các địa phương sở hữu những thương hiệu giá trị sớm có tầm nhìn xa trông rộng mà biết “lo” cho dân, đừng để bài học mất thương hiệu chúng ta học mãi mà… không thuộc. Và đừng để như tiền nhân đã nói: “Hay làm mà chẳng hay lo/Làm khốn làm khổ làm cho nhọc người”.

Tuệ Duyên