10:06 06/10/2017

Lạm thu đầu năm học, tại ai?

Mới vào giai đoạn đầu năm học, câu chuyện lạm thu trong trường học đã trở thành tâm điểm ồn ào trong cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Qua các đợt thanh tra, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) cũng đã khẳng định có xảy ra tình trạng lạm thu trong các trường học.

Lạm thu có sự “góp sức” của Ban đại diện cha mẹ học sinh?

Nhiều buổi họp phụ huynh mất quá nhiều thời gian cho việc đóng tiền.

Vào đầu năm học, thông tin lạm thu đã rộ lên ở một số địa phương. Trong khi Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng hầu hết phản ánh là không đúng và Quỹ Hội cha mẹ học sinh (CMHS) đều trên tinh thần tự nguyện, thì một loạt các sở GD - ĐT đã có chấn chỉnh tình trạng lạm thu ở địa phương mình.

Cụ thể, sau chỉ đạo của lãnh đạo TP Thanh Hóa về chấn chỉnh tình trạng lạm thu đầu năm học, có 35 trường đã trả lại tiền thu sai quy định cho phụ huynh.

Báo cáo thanh tra chuyên ngành của Sở GD - ĐT Nghệ An sau đợt kiểm tra 117 trường học cho thấy, một số trường học trên địa bàn thu tiền bán trú, tiền học tăng buổi ở mức tối đa khi chưa được cấp trên phê duyệt; nhiều trường thu tiền không có biên lai, phiếu thu...

Trước tình trạng này, dư luận đặt ra câu hỏi, liệu có phải nhiều Ban đại diện CMHS không đứng về phía cha mẹ học sinh, mà trở thành “cánh tay nối dài” của Ban giám hiệu, đặt ra các khoản thu hết sức vô lý, tiếp tay cho lạm thu?

Phụ huynh Đỗ Anh Sơn (ở Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, anh từng rất tự hào khi được bầu vào Ban đại diện CMHS khi con học lớp 3. Tuy nhiên sau đó chính anh cũng cảm nhận được những bất cập về hoạt động của ban này: “Ban đại diện hầu hết là những người có địa vị cao, khá giả hoặc có tầm ảnh hưởng, nên đôi khi cũng có ít thời gian đi sâu vào việc học tập của các con, mà trở thành cổng truyền tin của trường thay lời nói, ý kiến của hiệu trưởng. Với việc chỉ là người thông báo ý kiến của Ban giám hiệu, vậy mà đến cuối năm lại bị ì xèo về các khoản thu chi, nên tôi đã xin rút lui khỏi Ban này vào đầu năm học sau”.

Anh Nguyễn Minh Đức, có 3 con học ở 3 trường từ mẫu giáo tới THCS trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Đi họp phụ huynh cho hai cậu con lớn học lớp 6 và lớp 8 ở 2 trường THCS khác nhau nhưng các khoản thu được Ban đại diện CMHS thu hộ cũng chẳng có gì khác biệt cả.Tôi nghĩ trong tiền học phí đã bao gồm tiền trang bị cơ sở vật chất rồi, nhưng cứ đầu năm là lại được yêu cầu đóng tiền trang bị micro không dây cho cô giáo, ghế nhựa cho các con ngồi dưới sân trường... những khoản năm trước cũng đã đóng. Rõ ràng, ở đây có sự mập mờ trong các khoản thu, chi”.

Phụ huynh Lê Phương An ở Giáp Nhị, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: "Ban đại diện CMHS hiện nay khác hẳn so với cách tôi vẫn hình dung về tổ chức này thời còn đi học. Vào đầu năm học, khi các lớp chưa họp phụ huynh, chưa bầu Ban đại diện, thì nhà trường triệu tập Ban đại diện các lớp cũ đi họp trù bị. Tại buổi họp này, Ban giám hiệu nhà trường đã đề xuất các khoản kinh phí cần hỗ trợ. Đến ngày họp của lớp, mặc định các thành viên Ban đại diện cũ đứng ra kêu gọi tự nguyện đóng góp việc này việc kia cho trường, cho lớp".

Bức xúc trước việc Ban đại diện CMHS làm thay nhà trường việc thu hộ nhiều khoản thu được gọi là tự nguyện nhưng được mặc định là có định mức chung; theo phụ huynh Trương Khánh Toàn (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Ban đại diện CMHS giờ chỉ còn chức năng duy nhất là giúp đỡ nhà trường thu tiền. Mọi việc Ban đại diện đều nhất nhất nghe theo Ban giám hiệu, không có tiếng nói riêng, không có hoạt động riêng để gắn kết các phụ huynh. Một Ban đại diện mất hẳn tiếng nói như vậy thì sự tồn tại gần như là không còn cần thiết!

Không thể bỏ mất  “cây cầu”

Trong khi nhiều phụ huynh bức xúc thì luồng ý kiến khẳng định không thể bỏ mất “cây cầu” kết nối giữa phụ huynh và nhà trường cũng chiếm phần đông.

Thực tế cho thấy, Ban đại diện CMHS là những người nhiệt tình, có trách nhiệm trong việc phối hợp với giáo viên chủ nhiệm lớp và nhà trường để thực hiện các hoạt động giáo dục học sinh. Những hoạt động của trường, của lớp không thể được thực hiện tốt nếu không có sự hỗ trợ, sát cánh của Ban đại diện CMHS.

Ông Chu Viết Đáp, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Tiến, huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) từ năm 1997 - 2008, chia sẻ quan điểm: “Tôi về giảng dạy tại Thái Bình nhiều năm, lúc đó Ban đại diện CMHS hoạt động rất tốt trong việc phát huy vai trò là cầu nối hữu hiệu giữa thầy, cô giáo với các bậc phụ huynh, góp phần tích cực cùng với Hội đồng Giáo dục nhà trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, văn hóa, đạo đức cho con em. Thời gian gần đây, dư luận lên tiếng than phiền về việc Ban đại diện CMHS, thậm chí đề nghị bãi bỏ tổ chức này. Theo tôi, cần bình tĩnh nhìn nhận đúng bản chất của Ban đại diện CMHS, nếu hoạt động đúng mục đích sẽ có tác động thiết thực trong việc chăm lo giáo dục học sinh những ngày ngồi trên ghế nhà trường”.

Còn theo ông Nguyễn Duy Thuần (58 tuổi, Hải Phòng), người đã nhiều năm làm công việc của Ban đại diện CMHS, Ban đại diện CMHS trước hết là đại diện cho phụ huynh học sinh và luôn phát huy vai trò của Ban trong việc thu các khoản đóng góp tự nguyện, tránh tình trạng áp đặt, gây hiểu lầm và phản ứng của phụ huynh học sinh như thời gian qua. Cuối năm học, cần một bản quyết toán chi tiết, gọn nhẹ nhưng phải thể hiện đầy đủ nội dung chi, mục đích chi.

Cũng theo ông Thuần, không nên giải tán một tổ chức hội rất nên duy trì trong xã hội mà cần củng cố, “nâng cấp”, trả vị trí Ban đại diện CMHS về đúng bản chất tốt đẹp của nó, ngõ hầu sẽ nhận được sự đồng thuận của đông đảo phụ huynh học sinh và dư luận xã hội .

Trước vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương (ĐH Sư phạm Hà Nội) nêu quan điểm: Thực tế, Bộ GD - ĐT đã có Thông tư 55 trong đó quy định rất rõ Ban đại diện CMHS không được quyên góp các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện CMHS như: Bảo vệ cơ sở vật chất, an ninh của nhà trường, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, khen thưởng, mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường... Nhưng qua kiểm tra của nhiều địa phương cho thấy, rất nhiều nơi, Ban đại diện CMHS đang thu không đúng và vận động sai cách thức.

Còn PGS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhận định, Ban đại diện CMHS có trách nhiệm vận động mọi người tự giác thực hiện đồng giám sát thực hiện thu và chi đó, chứ không phải nhà trường giao phụ huynh thu và chi các khoản đó và cuối cùng đổ trách nhiệm xem như nhà trường không chịu trách nhiệm làm việc đó hoàn toàn không đúng.

Giữ Ban đại diện CMHS nhưng sẽ điều chỉnh

Bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, cho rằng Ban đại diện CMHS là cần thiết để kết nối nhà trường với gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh. Tuy nhiên, hoạt động như thế nào cũng cần phải xem xét để đảm bảo đúng hiệu quả và phát huy đúng vai trò, chức năng của mình.

L.Sơn/Báo Tin Tức