10:18 13/10/2011

Làm thế nào để sử dụng gas an toàn?

Việc quản lý, phòng ngừa các sự cố trong sử dụng gas là một yêu cầu thiết thực đối với cộng đồng...

Khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), gas, là nguồn năng lượng sạch và tiện dụng, giúp con nguời giải quyết tình trạng khan hiếm năng lượng và bảo vệ môi trường. Ở Việt Nam, việc sử dụng LPG đã đi vào từng hộ gia đình và nó là nguồn năng lượng không thể thiếu, nhất là với những nơi đô thị hóa mạnh như TP.HCM.

Tuy nhiên, việc sử dụng LPG cũng có rất nhiều nguy cơ gây sự cố. Các nguy cơ này ngày càng khó kiểm soát khi việc sang chiết gas trái phép đã trở nên phổ biến; đặc biệt quan ngại là ở TP.HCM là nơi có mật độ dân cư cao. Thực tế, đã xảy ra rất nhiều vụ cháy nổ do sử dụng LPG trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt.

Các vụ cháy nổ chủ yếu do bất cẩn, thiếu kiến thức. Đơn cử một vài trường hợp như tại quán ăn Nhất Vị Quán - số 478 đường Nguyễn Chí Thanh, P7, Q10, do ông Trịnh Văn Tuấn làm chủ đã xảy ra vụ nổ bình gas năm 2009. Vụ nổ này làm ông Tuấn bị bỏng nặng và ông Nguyễn Văn Quý, người hành nghề xe ôm đang đứng ngoài quán ăn, cũng bị thương nặng do cánh cửa sắt bung ra từ quán ăn bay xa 10 mét, đè trúng người. Kết quả điều tra vụ nổ do cơ quan chức năng tiến hành cho thấy, người sử dụng có ngửi thấy mùi gas nhưng lại không kiểm tra để xử lý mà lại thắp hương để bén khí gas rò rỉ, gặp lửa gây nổ. Nguyên nhân là do đường dây dẫn gas bị chuột cắn thủng làm rò rỉ gas.

Hoặc vụ nổ gas vào hồi 7 giờ 30 phút ngày 5/5/2009, tại quán cơm số 31C đường Nguyễn Du, P Bến Nghé, Q 1 cũng là điển hình về bất cẩn trong sử dụng gas. Vụ nổ xảy ra khi 2 nhân viên quán ăn đang nấu bếp bằng bình gas mini thì bình phát nổ, từ đó vụ nổ lan thêm sang 4 bình gas mini bên cạnh làm vụ nổ thêm nghiêm trọng, khiến 2 người bị bỏng nặng.

Vụ cháy gas vào đêm 28/2/2009 tại quán ăn Bảy, đường Cây Keo, P Hiệp Tân, Q Tân Phú, làm 2 người bị thương nặng, cũng do bất cẩn từ việc tháo van bình gas nhưng quên khóa, hơi gas bay ra gặp lò than bên cạnh bùng phát thành đám cháy lớn...

Hình ảnh chuyên chở gas không đúng quy định (quá số lượng chai gas, chằng buộc không chắc chắn).


Trước hiện trạng đó, việc bảo vệ sức khỏe người lao động và dân cư, nâng cao sự hiểu biết về mức độ nguy hiểm của LPG và đề ra các biện pháp an toàn để ngăn ngừa sự cố do LPG gây là rất cần thiết. Các nhà khoa học đã “Khảo sát sự cố và đề xuất giải pháp bảo đảm an toàn trong sử dụng khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại TP.HCM” với những vấn đề chính như: Các đặc tính nguy hại của LPG và đánh giá rủi ro trong sử dụng LPG; nguy cơ gây sự cố và đề xuất giải pháp bảo đảm an toàn trong sử dụng LPG tại TP.HCM trong 2 năm (2009 - 2010) với 10 hộ tiêu thụ gas công nghiệp, 45 đại lý kinh doanh gas và 500 người sử dụng tại hộ gia đình nhằm đánh giá nhận thức và ý thức của người sử dụng gas về ATLĐ, BVMT và PCCN; nguy cơ gây sự cố và những sự cố đã xảy ra trong sử dụng LPG.

Qua khảo sát cho thấy, thực tế phát triển sản xuất công nghiệp và bảo vệ môi trường không đồng bộ; hình thành nhiều KCN, xí nghiệp, nhà máy; cơ sở tiểu thủ công nghiệp xen lẫn trong các khu dân cư dẫn tới tình huống là nếu xảy ra sự cố trong sử dụng LPG thì dễ dẫn tới sự cố dây chuyền. Quá trình đô thị hóa tăng nhanh, gia tăng dân số làm gia tăng áp lực cho hệ thống dịch vụ cung cấp LPG cùng môi trường, nhiệt độ, độ ẩm không khí cao cũng là những nguyên nhân dễ gây sự cố trong sử dụng LPG.
 
Mặt khác cũng phải kể đến dịch vụ du lịch tăng cao dẫn tới các dịch vụ phục vụ như nhà hàng, khách sạn tăng, sử dụng nhiều gas đốt, tăng nguy cơ sự cố LPG; các khu công nghiệp phát triển, sử dụng nhiều năng lượng, trong đó liên quan tới chuyên chở, bảo quản, sử dụng LPG, tăng nguy cơ gây sự cố. Có một thực tế đáng báo động là, hiện nay, việc sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LPG) càng gia tăng, không chỉ trong phạm vi các xí nghiệp mà đã lan rộng tới hộ gia đình, khu chung cư.
 
Đối với các hộ gia đình, do điều kiện kinh tế, thói quen, tâm lý tiêu dùng nên người sử dụng chủ yếu quan tâm tới giá cả, ít quan tâm tới chất lượng. Hơn nữa, khi sử dụng LPG, do tính chất đơn lẻ, xen kẽ trong khu dân cư, nên việc xảy ra các tai nạn, cháy nổ sẽ rất nguy hiểm vì tính chất lan rộng của ngọn lửa, thiệt hại sẽ rất lớn.

Sử dụng bình gas cạnh lò nấu sơn trên đường phố rất dễ gây cháy, nổ.


Tại TP.HCM đã xảy ra nhiều sự cố, và có thể sẽ xảy ra những sự cố đáng tiếc hơn nếu chúng ta không có giải pháp phòng ngừa. Điều này càng trở nên cấp thiết, vì việc sử dụng LPG thay thế xăng làm nhiên liệu cho các phương tiện giao thông vận tải ngày càng phát triển, nhất là tại TP.HCM cần phải xây dựng nhiều trạm cung cấp LPG, khi đó nguy cơ xảy ra sự cố từ các trạm cung cấp LPG sẽ có nguy cơ ngày càng tăng.

Mặc dù vậy, nhưng nhận thức về mức độ nguy hiểm và ý thức phòng ngừa sự cố trong sử dụng LPG của người dân còn hạn chế. Các đại lý phân phối gas chưa hướng dẫn cụ thể cách sử dụng an toàn khi cung cấp gas cho người dân. Công tác quản lý ATMT ở Việt Nam cũng còn bất cập bởi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, các TCVN về an toàn, PCCN và BVMT có liên quan tới LPG dù đã được ban hành khá nhiều nhưng có sự không thống nhất giữa các văn bản này, gây chồng chéo trong quản lý, gây lúng túng trong thực hiện ở cơ sở.

Do vậy, việc quản lý, phòng ngừa các sự cố trong sử dụng gas là một yêu cầu thiết thực đối với cộng đồng ngày càng đông đảo từ hộ gia đình đến các cơ quan, xí nghiệp… Các cơ quan quản lý cần có các qui định khả thi, hợp lý và các chế tài đầy đủ để cho gas thật sự là nguồn năng lượng sạch đối với xã hội hiện nay.

TS Lý Ngọc Minh