06:08 23/06/2012

Làm thế nào để giải phóng hàng tồn kho?-Bài cuối: Khơi thông thị trường và nỗ lực của doanh nghiệp

Giải cứu hàng tồn kho đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai trong thời gian này.

Giải cứu hàng tồn kho đã được Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phải triển khai trong thời gian này. Tuy nhiên, cùng với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và khơi thông thị trường của Chính phủ, bản thân các DN cũng phải nỗ lực điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng hàng hóa...

 

Gỡ khó từ chính sách


Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, trước tình hình sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, Chính phủ triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN. Theo đó, Chính phủ tập trung vào các giải pháp phối hợp hài hòa, linh hoạt giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để từng bước hạ lãi suất ngân hàng, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho, kích thích tổng cầu của nền kinh tế, tạo sự lưu thông nhịp nhàng về tiền - hàng trong nền kinh tế.


 

Ưu tiên số 1 của doanh nghiệp hiện nay là giải quyết hàng tồn kho. Ảnh: Trần Việt - TTXVN

 

Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chủ động tăng cường tiếp xúc, lắng nghe các phản hồi về chính sách từ các DN để có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giúp DN tiêu thụ hàng tồn kho, phát triển thị trường trong nước, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên trong 2 - 3 tháng tới để giúp các DN sớm trở lại trạng thái kinh doanh bình thường.


Cũng nhằm giải quyết hàng tồn kho, Chính phủ cũng lưu ý các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu. Trước hết là duy trì đà tăng trưởng cao của các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm... như gạo, cà phê, hải sản, cao su, dệt may, giầy dép, hàng điện tử, máy tính, điện thoại và linh kiện, đồ gỗ... Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; có giải pháp hỗ trợ phù hợp đối với các sản phẩm, ngành hàng xuất khẩu chủ lực, có lợi thế và khả năng cạnh tranh...


Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII vừa qua đã khẳng định, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh công tác phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hiệu quả và thực chất hơn nữa để kích cầu tiêu dùng nội địa, tạo điều kiện cho DN đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa tồn kho.


Các chuyên gia kinh tế thậm chí còn cho rằng, giải quyết tình trạng tồn kho còn cấp thiết hơn cả việc khơi thông nguồn vốn. “Dù lãi suất giảm, tiếp cận vốn dễ hơn nhưng nếu không giải phóng được lượng hàng tồn kho thì việc vay vốn đồng nghĩa với việc sẽ tăng thêm rủi ro. Do đó, ưu tiên số 1 của DN hiện nay là giải quyết hàng tồn kho, ưu tiên thứ 2 là tiếp cận nguồn vốn và ưu tiên thứ 3 mới là mức lãi suất. Khơi thông đầu ra cho sản phẩm, thị trường mới là điều mà DN trông đợi nhất ở thời điểm này”, chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương nhấn mạnh.

 

Đến nỗ lực của DN


Đánh giá về chỉ số tồn kho các mặt hàng, Tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, tồn kho là quy luật tất yếu của thị trường, nhưng vấn đề tồn kho cao như hiện nay ngoài lý do sức mua trên thị trường trong và ngoài nước sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao còn có nguyên nhân rất lớn từ bản thân các DN.


Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, có mặt hàng bị tồn kho ở mức cao hiện nay như vật liệu xây dựng là do sản xuất phá vỡ quy hoạch... Nhiều mặt hàng tiêu dùng có mức tồn kho cao là do hệ thống phân phối sản phẩm của DN cũng còn có vấn đề chưa tốt, làm cho tiêu thụ sản phẩm chậm. Bên cạnh đó, các DN vẫn còn định giá bán sản phẩm ở mức cao; khi nền kinh tế gặp khó khăn thì tất yếu sức mua sẽ giảm.


Thậm chí, có chuyên gia kinh tế thẳng thắn cho rằng, với việc tồn kho cao, DN nước ta cũng nên xem lại khả năng cạnh tranh hàng hóa của mình. Bởi có thực tế, trong khi các sản phẩm của DN nước ta ế ẩm thì các sản phẩm cùng loại của ngoại nhập vẫn bán chạy. Ở đây, nguyên nhân một phần do tâm lý sính hàng ngoại vẫn còn, một phần do định hướng tiêu dùng hàng Việt Nam vẫn chưa được làm tốt nhưng bản thân DN cũng phải xem lại chất lượng, mẫu mã và giá bán hàng hóa đã đủ sức cạnh tranh hay chưa.


Các chuyên gia kinh tế cho rằng: Càng gặp khó khăn, DN càng phải quan tâm đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Trong giai đoạn thị trường khó khăn như hiện nay, DN cũng cần phải có sự đánh giá thị trường thật nghiêm túc để điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh cho phù hợp. Ngoài ra, các DN nên tập trung tổng lực để nhắm vào một điểm yếu hay một phân khúc trống của thị trường. Để giải phóng hàng tồn kho, các chuyên gia cho rằng, các DN cần có những biện pháp chủ động để đẩy mạnh bán hàng ra thị trường, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm.

 

Thu Hường