04:08 13/04/2021

Làm thế nào cảnh sát Mỹ lại rút nhầm súng lục với súng điện?

Một cảnh sát Mỹ đã vô tình rút súng lục thay vì súng điện gây choáng, bắn chết một thanh niên da đen vào tối 11/4. Tuy hiếm gặp, nhưng một loạt sự cố tương tự đã xảy ra trong những năm gần đây trên khắp nước Mỹ.

Chú thích ảnh
Đã xảy ra những vụ định rút súng điện gây choáng (Taser) nhưng lại rút nhầm súng lục tại Mỹ. Ảnh: 

Cảnh sát trưởng thành phố Brooklyn Center (bang Minnesota), Tim Gannon, cho biết viên cảnh sát đã phạm sai lầm khi xả súng vào Daunte Wright, 20 tuổi, khiến anh này tử vong. Video từ bodycam của cảnh sát cho thấy, nữ cảnh sát đã hét lên: “Taser! Taser!”, nhưng liền sau đó lại là một phát đạn từ súng lục.

Cảnh sát trưởng Gannon cho rằng viên cảnh sát đã vô tình rút nhầm súng trong khi vật lộn với nạn nhân Wright.

“Như bạn có thể nghe thấy, viên cảnh sát, trong khi vật lộn với anh Wright đã hét lên‘ Taser! Taser!’ nhiều lần. Đó là một phần trong quá trình đào tạo của sĩ quan trước khi triển khai Taser, một thiết bị ít gây chết người hơn”, ông Gannon nói. “Khi xem video và nghe lệnh từ cảnh sát, tôi tin rằng viên sĩ quan có ý định sử dụng khẩu Taser, nhưng thay vào đó lại bắn anh Wright bằng một phát đạn”.

Dưới đây là những thắc mắc về việc cảnh sát Mỹ rút nhầm súng lục trong khi chỉ định dùng súng điện gây choáng.

Có thường xảy ra rút nhầm súng không?

Các chuyên gia đồng ý rằng hiện tượng này là có nhưng rất hiếm xảy ra, có lẽ chỉ xảy ra trung bình không đến một lần mỗi năm trên toàn nước Mỹ. 

Một bài báo trên tạp chí luật Người Mỹ Vì thực thi luật pháp hiệu quả”, xuất bản năm 2012 đã ghi lại 9 trường hợp, kể từ năm 2001, trong đó cảnh sát bắn nghi phạm bằng súng lục trong khi chỉ có ý định dùng súng gây choáng.

Xem video vụ cảnh sát bắn chết Daute Wright hôm 11/4, nghi do nhầm súng:

Tại sao nhầm lẫn như vậy lại xảy ra?

Các lý do được đưa ra gồm việc đào tạo sĩ quan cảnh sát, cách họ mang vũ khí và áp lực từ những tình huống nguy hiểm, hỗn loạn. 

Để tránh nhầm lẫn, các sĩ quan thường mang súng gây choáng ở bên tay không thuận của họ và cách xa súng ngắn vốn được mang ở bên tay thuận.

Đây là trường hợp vụ việc ở Brooklyn Center vừa qua, nơi cảnh sát trưởng Gannon cho biết các cảnh sát tại đây được huấn luyện mang súng ngắn bên tay thuận và súng gây choáng bên tay còn lại.

Chú thích ảnh
Súng gây choáng Taser được một cảnh sát để bên tay trái, tay không thuận. Ảnh: Getty Images

Ông Bill Lewinski, một chuyên gia về tâm lý học cảnh sát và là người sáng lập Viện Khoa học Lực lượng ở Mankato, Minnesota, đã sử dụng cụm từ lỗi "trượt và bắt" để mô tả hiện tượng này. 

Ông Lewinski, từng ra làm chứng thay mặt cảnh sát, cho biết các sĩ quan đôi khi thực hiện ngược lại với hành động dự định của họ trong tình trạng căng thẳng - hành động của họ "trượt" và bị "bắt" bởi một phản ứng mạnh mẽ hơn. Ông lưu ý rằng các sĩ quan thường luyện tập cách rút và bắn súng ngắn nhiều hơn so với sử dụng súng gây choáng.

Tuy nhiên, các chuyên gia khác lại bày tỏ sự hoài nghi về lý thuyết này.

Geoffrey Alpert, Giáo sư tội phạm học tại Đại học Nam Carolina và là chuyên gia về việc sử dụng vũ lực của cảnh sát cho biết: “Không có khoa học nào đằng sau nó. Đó là một lý thuyết hay, nhưng chúng tôi không biết nó có chính xác hay không”.

Giáo sư Alpert cho biết một yếu tố chính khiến các sĩ quan rút súng nhầm là súng gây choáng thường trông giống như một khẩu súng thường. Thị trưởng thành phố St. Paul, bang Minnesota, Melvin Carter cũng đưa ra quan điểm tương tự trong một cuộc họp báo hôm 12/4.

“Tại sao chúng ta lại có những khẩu Taser hoạt động, chức năng, cảm nhận và triển khai giống chính xác như một khẩu súng? Tại sao chúng ta không thể có những khẩu Taser trông và cảm nhận khác biệt? Để bạn không bao giờ có thể nhầm lẫn khi rút súng và chúng tôi có thể đảm bảo rằng những sai lầm đã xảy ra trước đây không bao giờ lặp lại nữa”. 

Chú thích ảnh
Cảnh sát Mỹ tập bắn súng Taser. Ảnh: Getty Images

Những vụ rút nhầm súng gây xôn xao ở Mỹ

Ở một trong những vụ án nổi tiếng nhất, một sĩ quan áp giải trong lúc phản ứng với vụ ẩu đả tại nhà ga xe lửa ở Oakland, California, đã giết chết Oscar Grant, 22 tuổi vào năm 2009. 

Trước toà, viên sĩ quan Johannes Mehserle khai rằng, vì sợ Grant có vũ khí, anh ta đã với lấy khẩu súng gây choáng của mình nhưng lại rút nhầm khẩu súng ngắn. Grant bị bắn chết khi đang nằm úp mặt. Mehserle bị kết tội ngộ sát và lĩnh án 2 năm tù. Sở cảnh sát của anh đã bồi thường 2,8 triệu USD cho con gái và mẹ của nạn nhân.

Chú thích ảnh
Nạn nhân Daunte Wright, 20 tuổi, bị cảnh sát bắn chết, nghi do nhầm súng, ở Brooklin Center, bang Minnesota ngày 11/4.

Tại Tulsa, Oklahoma, viên cảnh sát da trắng Robert Bates đã vô tình bắn nhầm súng lục của mình khi chỉ có ý định dụng súng gây choáng với một người đàn ông da đen không vũ trang tên là Eric Harris, khi người này đã bị các cảnh sát khác khống chế vào năm 2015.

Bates bày tỏ xin lỗi vì đã giết người, nhưng cũng mô tả nhầm lẫn chết người của anh là một vấn đề phổ biến trong thực thi pháp luậ. Bates bị kết tội ngộ sát cấp độ hai và nhận án 4 năm tù. Quận Tulsa nơi anh ta làm việc cuối cùng đã đồng ý trả 6 triệu USD cho gia đình Harris để dàn xếp một vụ kiện nhân quyền liên bang.

Năm 2019, cảnh sát thành phố St. Louis, Julia Crews cho biết cô định sử dụng súng gây choáng nhưng lại rút nhầm khẩu súng lục ổ quay và bắn một người tình nghi trộm cắp, khiến nạn nhân bị thương nặng.

Crews từ chức, nhưng không nhận tội với cáo buộc hành hung cấp độ 2. Thành phố Ladue cũng không thừa nhận hành vi bị cáo buộc và chi 2 triệu USD dàn xếp với nạn nhân Ashley Hall.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo AP)