02:13 20/02/2015

Làm rõ thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác

Việc đề xuất thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác tại dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) có nhiều ý kiến khác nhau.

Góp ý kiến dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi), việc đề xuất thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác tại dự thảo Bộ luật có nhiều ý kiến khác nhau.

Điều 182 Khoản 1 của dự thảo Bộ luật dân sự quy định: "Việc xác lập quyền sở hữu và vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm tài sản được chuyển giao, nếu hợp đồng hoặc luật không có quy định khác. Trường hợp hợp đồng và luật cùng quy định nhưng khác nhau về thời điểm xác lập quyền sở hữu, vật quyền khác thì áp dụng theo quy định của luật. Thời điểm tài sản được chuyển giao được hiểu là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ trực tiếp nắm giữ, chi phối tài sản”.

Lý giải rõ hơn về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - Kinh tế Bộ Tư pháp, thành viên Ban soạn thảo Dương Đăng Huệ khẳng định, một trong những vấn đề mà chế định quyền sở hữu phải giải quyết đó là vấn đề thời điểm chuyển giao quyền sở hữu. Ông Huệ cho biết, hiện trên thế giới đang tồn tại hai hệ thống. Hệ thống thứ nhất là hệ thống thỏa thuận tức là khi hợp đồng được coi là ký kết thì quyền sở hữu chuyển sang người mua ngay. Mô hình này rất ít nước theo như Pháp hay Nhật.

Hệ thống thứ 2 là thời điểm chuyển quyền sở hữu là thời điểm ký kết hợp đồng. Đối với động sản thì kể từ thời điểm giao tài sản cho người nhận thì lúc đó mới là chủ sở hữu. Đối với bất động sản thì không phải từ thời điểm chuyển giao mà từ thời điểm bất động sản này được đăng ký tại một cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ông Dương Đăng Huệ cho biết, hiện tuyệt đại đa số các nước trên thế giới trong đó có các nước như Nga, Trung Quốc, Đức…. đang theo hệ thống chuyển giao này và dự thảo Bộ luật dân sự của Việt Nam hiện cũng quy định theo hướng này.

Đề cập tới quy định thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác tại dự thảo Bộ luật dân sự, PGS.TS Phùng Trung Tập cho rằng, thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với động sản, hay bất động sản hoặc quyền tài sản hay tài sản khác cần căn cứ vào sự chuyển giao sở hữu từ cá nhân sang cá nhân, tổ chức sang tổ chức...Vấn đề xác định quyền sở hữu của người được chuyển giao rất quan trọng để ngăn chặn hành vi xâm phạm và xác lập chủ quyền sở hữu đối với tài sản đó.

PGS.TS Phùng Trung Tập thể hiện quan điểm tán đồng và cho rằng quy định như trong dự thảo Bộ luật là phù hợp, khái quát. Đối với những tài sản mà không buộc phải đăng ký thì có thể căn cứ vào tình hình chuyển giao nhưng một dạng hợp đồng thực tiễn là chuyển giao vật, chuyển giao tài sản sẽ phát sinh quyền của người được nhận tài sản đó. Liên quan tới bất động sản như đất đai hay nhà ở hiện nay thì hợp đồng được chứng nhận ở công chứng, nhà nước ta thống nhất quản lý về đất đai thì phải theo thủ tục để đăng ký quyền sở hữu đó. Quy định này nhằm bảo vệ quyền của người sử dụng đất, bảo vệ lợi ích chung, ngăn chặn các hành vi lạm dụng để chiếm đoạt tài sản…

Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Khởi đánh giá đây là vấn đề không đơn giản. Theo ông, đây là nội dung khi xây dựng Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản vẫn tồn tại hai luồng quan điểm trái ngược nhau. Hiện nay trong quá trình tranh luận có những quan niệm khác nhau về việc phân biệt thời điểm xác lập, thời điểm chuyển quyền và thời điểm công nhận quyền sở hữu. Có quan điểm đánh đồng thời điểm xác lập và thời điểm công nhận quyền sở với nhau. Bởi vậy, đề nghị xem xét thêm đối với quy định về bất động sản.

Nói rõ hơn về nội dung này, ông Dương Đăng Huệ cho rằng Bộ luật dân sự không thể bao quát được tất cả các vấn đề. Các luật chuyên ngành phải giải quyết vấn đề trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản đã được quy định tại Bộ luật dân sự. Luật chuyên ngành có thể đưa ra cách giải quyết khác nhưng không được mâu thuẫn với Bộ luật dân sự.


Quỳnh Hoa (TTXVN)