06:15 06/06/2011

Làm rõ nguyên nhân hồ Ba Bể bị bồi lấp

Sáng 6/6, Đoàn kiểm tra của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có buổi làm việc với UBND, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh Bắc Kạn về các hoạt động khoáng sản có liên quan đến việc bồi lấp hồ Ba Bể.

Sáng 6/6, Đoàn kiểm tra của Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có buổi làm việc với UBND, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) của tỉnh Bắc Kạn về các hoạt động khoáng sản có liên quan đến việc bồi lấp hồ Ba Bể.

Hồ Ba Bể đang bị bồi lấp (ảnh do Hội những người yêu Ba Bể cung cấp).

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 7 mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép hoạt động trong phạm vi cách hồ Ba Bể 20 km theo đường thẳng. Trong đó có 3 mỏ do Bộ TN&MT cấp phép là: mỏ đá vôi trắng Nà Hai, mỏ sắt Pù Ổ và mỏ chì kẽm Khuổi Khem; 4 mỏ còn lại do UBND tỉnh cấp phép là: mỏ sắt Bản Cuôn 1, mỏ đát vôi trắng Bản Lồm, mỏ chì kẽm Lũng Cuổi và mỏ sắt Bản Lác.

Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bắc Kạn: các đơn vị được cấp giấy phép khai thác các mỏ nêu trên đều có Báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, trong số 7 mỏ nêu trên có mỏ chưa khai thác hoặc khai thác rất ít: mỏ Nà Hai mới khai thác thử, sau đó ngừng khai thác do đang xây dựng nhà máy chế biến; mỏ Pù Ổ khai thác từ cuối 2009; mỏ Bản Cuôn 1 khai thác từ cuối 2009 (không xả thải mà dùng nước tuần hoàn); mỏ Bản Lồm khai thác cuối 2008 mới được 5.000 m3 đá thì dừng khai thác từ đầu 2009 đến nay; mỏ Lũng Cuổi khai thác từ 2007 đến 2009 dừng do không không có quặng và đến tháng 10/2010 thông báo khai thác trở lại; mỏ Bản Lác chưa thông báo khai thác. Như vậy, hai mỏ nằm trong vùng đệm của hồ Ba Bể là Nà Hai và Bản Lồm thì một khai thác thử rồi ngừng và một không hoạt động từ 2009 đến nay. Đối với mỏ sắt Pù Ổ tuy nằm gần suối Nam Cường nhưng cách xa hồ Ba Bể khoảng 17 km, hệ thống hồ lắng cũng đã được cơ quan chuyên môn nghiệm thu.

Ông Trần Nguyên, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bắc Kạn khẳng định, nước trong lòng hồ Ba Bể hoàn toàn nằm trong độ an toàn cho phép. Theo ông Nguyên, mẫu nước lấy từ lòng hồ Ba Bể cách đây 2 tuần cho thấy mọi chỉ số sinh hóa liên quan đến việc bồi lắng đều chưa đến ngưỡng cho phép của tiêu chuẩn Việt Nam. Duy nhất chỉ số chất rắn lơ lửng vượt độ cho phép nhưng cũng rất ít (0,9%).

Tiến sĩ khai thác mỏ Lê Văn Thanh, Chánh thanh tra Đoàn kiểm tra Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam nhận định: ngay từ trước khi mỏ sắt Pù Ổ hoạt động, các chỉ tiêu chất rắn lơ lửng, về nhu cầu oxy sinh hóa tại hồ Ba Bể đã cao hơn mức tiêu chuẩn Việt Nam như hiện nay. Đồng thời, vị trí các mỏ đều cách khá xa vùng hồ Ba Bể, theo tính toán chiều dài nước mưa chảy tràn thì lượng chất rắn (nếu có) trong việc xả thải đến được hồ Ba Bể cũng rất ít.

Các chuyên gia cũng nhận định, nguyên nhân gây việc bồi lắng hồ Ba Bể không phải do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra. Ông Phạm Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết: "Chúng tôi đã khảo sát, xác định được 3 lưu vực thượng lưu gây bồi lắng cho hồ Ba Bể là suối Chợ Lèng, suối Nam Cường và suối Tà Han chảy vào từ hàng nghìn năm nay, mang theo phù xa gây bồi lấp. Việc bồi lấp hồ Ba Bể xảy ra mạnh mẽ nhất từ giai đoạn những năm 1960 đến 1970 do người dân phá rừng làm nương rẫy ở đầu nguồn. Tuy nhiên, việc bồi lấp không lớn và không thể gây ảnh hưởng trong thời gian ngắn như những thông tin gần đây".

Ông Nguyễn Văn Du, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thời gian gần đây UBND tỉnh Bắc Kạn đã nhận được văn bản của Hội những người yêu Ba Bể đề nghị trả lời đơn kêu cứu của người dân về các hoạt động khai thác khoáng sản gây ảnh hưởng đời sống người dân và bồi lấp hồ Ba Bể. UBND tỉnh đã rà soát chính quyền các cấp nhưng không tìm thấy đơn thư nào, do đó UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Hội những người yêu Ba Bể cung cấp đơn thư của người dân để giải quyết.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn cho biết đã xây dựng Đề án chống bồi lấp hồ Ba Bể trình UBND tỉnh phê duyệt và báo cáo Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương. Theo Đề án, trước mắt Bắc Kạn sẽ thực hiện các giải pháp lâm - thủy kết hợp để khôi phục bền vững thảm phủ thực vật rừng và xây dựng các công trình thủy lợi trên các lưu vực suối để giảm thiểu lượng bùn cát chảy vào hồ. Về lâu dài, Bắc Kạn sẽ chống bồi lấp hồ Ba Bể trên cơ sở đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên của khu vực hồ Ba Bể. Đề án sẽ được thực hiên trên địa bàn 10 xã của hai huyện Ba Bể và Chợ Đồn với tổng kinh phí dự kiến gần 625 tỷ đồng.

Hoàng Nam