10:08 25/10/2014

Lạm phát khó tăng đột biến vào cuối năm

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK) ngày 24/10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2014 tăng 0,11% so với tháng trước; tăng 2,36% so với tháng 12 năm trước.

Theo công bố của Tổng cục Thống kê (TCTK) ngày 24/10, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2014 tăng 0,11% so với tháng trước; tăng 2,36% so với tháng 12 năm trước. Mặc dù nhu cầu mua sắm của người dân dịp cuối năm sẽ tăng, tăng trưởng tín dụng sẽ “ấm” hơn nhưng các chuyên gia kinh tế dự báo: CPI năm nay chỉ tăng 4,5- 4,7% so với cuối năm 2013, thấp so với kế hoạch mà Quốc hội đề ra dưới 7%.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ phó Vụ Thống kê giá (TCTK) cho biết: CPI tháng 10 tăng chủ yếu do một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí năm học 2014- 2015, khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 1,31%, góp 0,08% vào mức tăng chung 0,11% CPI. “Tuy nhiên, với tốc độ tăng CPI trong tháng này, so với các năm trước thì không phải là mức cao mà cũng không phải là mức thấp. CPI tháng 10 tăng không có gì đột biến”, bà Ngọc nói.

Nhu cầu mua sắm cuối năm sẽ cao nhưng không tăng đột biến.Ảnh: Lê Phú

Đại diện TCTK phân tích: Chỉ số CPI tháng này đã được duy trì ở mức khá ổn định nhờ các yếu tố, như giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới ổn định, nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào. Bên cạnh đó, xăng, dầu sau 3 đợt giảm giá (ngày 19/9; 30/9 và 13/10, tổng cộng xăng giảm 820 đồng/lít, giá dầu diezel giảm 1.530 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm 1.420 đồng/lít) đã góp phần giúp chỉ số giá xăng, dầu giảm 2,19% và chỉ số giá dịch vụ giao thông công cộng cũng giảm 0,45% so với tháng trước.

Cước vận tải vẫn “đứng im”

Trong hoạt động vận tải, mặc dù xăng dầu chiếm tới khoảng 40 - 50% chi phí nhưng từ đầu năm đến nay, đã 8 lần giá xăng dầu hạ nhiệt mà cước vận tải và giá tiêu dùng vẫn “đứng im”. Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải thành phố Hà Nội, giá xăng dầu giảm nhưng biên độ giá giảm trong các lần vừa rồi là quá thấp, chưa đủ bù so với các đợt tăng giá trước đó, có lần chỉ giảm 30 đồng/lít. Nếu muốn thay đổi giá cước, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian và chi phí về thủ tục đăng ký điều chỉnh cước, thay đồng hồ cước, bảng biểu, vé... Do đó, giá cước sẽ không thể điều chỉnh giảm ngay khi giá xăng dầu giảm.

Theo Báo cáo phân tích của TCTK, giá lương thực tháng 10 tăng nhẹ 0,15% so với tháng 9/2014 là do nhu cầu mua vào của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo để thực hiện các hợp đồng giao hàng đã giảm. Ngoài ra, một số mặt hàng thực phẩm tươi sống cũng tăng nhẹ do nhu cầu tăng vào mùa cưới hỏi, như giá thịt lợn tăng 0,2%, giá thủy hải sản tăng 0,37%, giá các mặt hàng bơ, sữa tăng, bánh kẹo tăng 0,1- 0,3%. Tuy nhiên, mức tăng giá nhẹ của nhóm lương thực, thực phẩm không tác đọng nhiều đến chỉ số CPI.

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết: “Đối với người dân, CPI tăng thấp giúp người dân đỡ áp lực chi tiêu, thêm niềm tin vào tiền đồng, gửi tiền vào ngân hàng đỡ lo mất giá. Trong hoạt động kinh doanh, lạm phát thấp sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được chi phí”.

Theo bà Ngọc, từ giờ tới cuối năm sẽ có một số yếu tố tăng giá, tạo áp lực cho CPI. Bên cạnh đó, sức cầu cuối năm bao giờ cũng cao, lưu thông tiền tệ nhiều hơn nhưng CPI năm nay sẽ tăng không quá 5%.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng: CPI tăng thấp trong bối cảnh hiện nay cũng không quá lo ngại nhưng vẫn thể hiện sức cầu yếu. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, tính ổn định của lạm phát vẫn còn chưa cao do chưa chịu tác động của các chính sách kích thích tăng trưởng, tín dụng, nguy cơ giá cả hàng hóa biến động vào cuối năm.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cũng nhận định: CPI năm nay sẽ không vượt quá 4,5% do tổng cầu thấp và giá thị trường thế giới theo dự báo không có biến động lớn.

Minh Phương