08:14 02/08/2018

Làm gì để thực hiện hiệu quả việc cơ cấu lại nền kinh tế?

Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn 2018-2020 tổ chức sáng 2/8, tại Hà Nội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì, các bộ, ngành, địa phương đã đề xuất nhiều ý kiến, giải pháp hữu hiệu.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần tập trung duy trì kết quả đã đạt được về cơ cấu lại nền kinh tế.

Theo ông Cung, cần tập trung vào các giải pháp để hoàn thành hơn 50% số nhiệm vụ đang triển khai nhưng chưa có kết quả rõ ràng. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị bổ sung các giải pháp mới để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế có thể đạt hơn 7%. Ngoài ra còn có một số nhân tố mới xuất hiện như chiến tranh thương mại gia tăng, nên cũng cần có các giải pháp ứng phó nhiều hơn.

“Có thể tìm kiếm thêm một số động lực kinh tế mới như 3 đầu tàu kinh tế, hay khu vực kinh tế tư nhân vì nếu mỗi đầu đầu kinh tế chỉ cần tăng thêm 1% thì sẽ kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước tăng theo”, ông Cung nói.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết vai trò ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ (KHCN) trong phát triển kinh tế vào giai đoạn này là rất quan trọng. Riêng Bộ Giao thông vận tải thời gian gần đây đã rất chú trọng đến vấn đề này nên đã hình thành một số đơn vị chuyên sâu để nghiên cứu, tiếp thu các thành tựu KHCN hiện đại của thế giới vào ngành, đem lại lợi nhuận cho đất nước.

Còn theo ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội thì cho rằng trong những năm tới cần phải bảo vệ thị trường trong nước, giữ được thị trường xuất khẩu, nâng cao hiệu quả nền kinh tế trên cơ sở phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cần phải bảo vệ phần vốn nhà nước, để tập trung nguồn lực đầu tư. Đồng thời nâng cao hệ số an toàn trong các tổ chức tín dụng, thu lại toàn bộ phần vốn nhà nước tại các DNNN.

Về vấn đề nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc sở hữu đất đai không phải là vấn đề quyết định nông nghiệp thành công hay không thành công mà Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể theo Luật HTX mới là đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp chứ không phải đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thì khẳng định: “Lần đầu tiên chúng ta xem xét lại các chính sách về thể chế và tiếp cận một cách đồng bộ, rõ ràng. Do đó, đi liền với cải cách về tái cấu trúc nền kinh tế thì việc điều hành chính sách vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Vấn đề đầu tư cũng còn đang quan tâm đến hạ tầng, riêng năng lượng cần quan tâm đến năng lượng sạch, bảo vệ môi trường. Về lĩnh vực đất đai cũng không nên sa đà vào vấn đề tích tụ đất đai”.

Đối với Bộ Công Thương, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trên thực tế mới có 2 năm triển khai thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, mặc dù vậy trong quá trình chuyển dịch cơ cấu của ngành công nghiệp thực tế đã có chuyển biến rất mạnh. Những kết quả đạt được trong 2 năm 2016-2017 là những thành tựu quan trọng để tạo động lực cho các năm tới.

“Cái yếu kém nhất hiện nay của nền kinh tế là năng suất lao động, phụ thuộc vào nguồn nhân lực hạ tầng, trình độ công nghệ. Việc đổi mới doanh nghiệp là sự chưa đồng bộ về thể chế để đảm bảo chất lượng cổ phần hóa. Bên cạnh việc cần tập trung thực hiện cải cách thể chế thì các ngành dệt may, da giày và đề gỗ vẫn phải nằm trong các ngành công nghiệp cần phải tái cơ cấu”, người đứng đầu ngành Công Thương cho hay.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, triển khai cơ cấu lại ngành kinh tế, Hà Nội đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ cấu lại ngành công nghiệp, mở rộng các khu công nghiệp; cơ cấu lại ngành dịch vụ; phát triển các làng nghề; sắp xếp lại toàn bộ hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố; tỷ trọng doanh nghiệp tư nhân tăng lên; tăng cường các giải pháp tăng thuế thu nhập trong khu vực FDI,  thúc đẩy các dự án đầu tư trong khối doanh nghiệp tư nhân....

Từ kết quả này, theo ông Nguyễn Đức Chung, điểm yếu của nền kinh tế vẫn là năng suất lao động. Do đó, trong giai đoạn hiện nay nên tích cực tìm kiếm và chuyển giao công nghệ từ thế giới. Đầu tư các giải pháp tiết kiệm trong năng lượng, tối ưu hóa trong quản lý. Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư cho giáo dục để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển trong tương lai; Đầu tư cho các ngành dịch vụ mới, phân tích dữ liệu....

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ bày tỏ quan điểm làm thế nào để huy động toàn bộ sức lực của xã hội, sự tham gia của người dân và cộng đồng doanh nghiệp là rất quan trọng để cải cách kinh tế thành công.

Còn đại diện TP Hồ Chí Minh thì cho rằng để cơ cấu lại nền kinh tế thành phố, phải chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu xuất khẩu, mô hình cơ cấu theo thành phần, các ngành nghề, doanh nghiệp tư nhân và vấn đề cơ chế chính sách đối với khu vực doanh nghiệp này.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng cũng bày tỏ quan điểm tiếp tục nền tảng tái cơ cấu đã đạt được theo hướng tích cực bởi tư duy cải cách từ Trung ương tới địa phương đã thay đổi. Tuy nhiên cần có cơ chế chính sách đầu tư vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, tập trung đầu tư công theo hướng lan tỏa và liên kết vùng, tập trung phát triển thị trường vốn gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, phân tích các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; Tìm ra các hạn chế kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế... kết luận tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng những tồn tại, hạn chế của kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng trong thời gian qua có nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Cần tìm động lực mới cho tăng trưởng như kinh tế tư nhân, vai trò của phát triển khoa học công nghệ, tập trung vào cực tăng trưởng ở các đô thị, đặt trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới…. Thực hiện kỷ luật kỷ cương, chống tham những, tiêu cực, lợi ích nhóm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho đầu tư, thương mại. Có năng lực sản xuất mới để tạo động lực phát triển.

Nhắc nhở các bộ, ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan với kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để việc tái cơ cấu thực hiện thành công; trong đó, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo tiêu chí đã ban hành; Bộ Tài nguyên và Môi trường cơ cấu lại ngành đất đai theo Luật Đất đai 2013. Các bộ ngành, địa phương cũng tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; xây dựng các đề án cơ cấu lại ngành, địa phương mình và có chế độ báo cáo kiểm tra.
 

Sau phiên họp này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thành viên Ban Chỉ đạo sẽ tiếp thu các ý kiến, tiếp tục rà soát và hoàn thiện Báo cáo sơ kết kết quả thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; định hướng và giải pháp trọng tâm giai đoạn 2018-2020.
 
Mai Phương (TTXVN)