12:10 08/12/2018

Lâm Đồng thu hồi 3 giấy phép khai thác cát trên sông Đồng Nai

Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành các Quyết định số 2520, 2521, 2522/QĐ-UBND ngày 6/12, thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng trên sông Đồng Nai, thuộc địa bàn huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà, Công ty TNHH Thanh Hằng và ông Nguyễn Tiến Dương.

Chú thích ảnh
Công trường khai thác cát gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh suối Đại Lào.  Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN

Lý do được nêu trong các quyết định là các tổ chức, cá nhân trên trong khi khai thác vẫn tiếp tục để xảy ra sạt lở và vi phạm phương tiện khai thác theo nội dung cam kết ngày 10/5/2018 của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hà, cam kết ngày 18/5/2018 của ông Nguyễn Tiến Dương và cam kết ngày 28/5/2018 Công ty TNHH Thanh Hằng. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân này đã không tuân thủ Thông báo số 50/TB-UBND ngày 13/2/2018 giữa UBND tỉnh Lâm Đồng và UBND tỉnh Đồng Nai về quy định khai thác khoáng sản cát trên sông Đồng Nai.

UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai thu hồi các giấy phép trên và thông báo hết hiệu lực đến đối tượng bị thu hồi cùng các cơ quan đơn vị có liên quan; giao UBND huyện Cát Tiên tổ chức quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác theo quy định.

Theo ông Phùng Khắc Đồng - Chánh văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng, trong năm 2018, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức làm việc với các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước về tình trạng khai thác cát, làm sạt lở nhiều diện tích đất dọc bờ sông Đồng Nai thuộc địa bàn giáp ranh 3 tỉnh. Tuy nhiên, chỉ có tỉnh Đồng Nai phối hợp cùng tỉnh Lâm Đồng triển khai các biện pháp ngăn chặn tình trạng này.

Liên quan đến tình trạng khai thác cát, làm sạt lở bờ sông, trong Đơn kiến nghị khẩn cấp của ông N.V.C, ngụ tại thôn Thuận Lộc, xã Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh (tỉnh Lâm Đồng) gửi TTXVN ngày 5/12/2018 có nêu: Hiện nay, một số doanh nghiệp khai thác cát trên sông Đồng Nai đã gây sạt lở bờ sông đến mức trầm trọng, tác động xấu đến môi trường sinh thái khu vực; đồng thời ảnh hưởng nguy cấp đến Vườn quốc gia Cát Tiên và Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia Cát Tiên (thường gọi là Thánh địa Cát Tiên).

Các doanh nghiệp này đã khai thác khoáng sản cát không đúng quy trình như không thả phao, cắm mốc, khai thác vượt sản lượng cấp phép gấp 20-30 lần; sử dụng xuồng khai thác công suất quá lớn, không đăng ký biển số, không đăng kiểm theo quy định. Các cơ quan chức năng địa phương thiếu kiểm tra, giám sát đã vô tình tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vi phạm Luật Khoáng sản, Luật Giao thông đường thủy nội địa…

Theo phản ánh của một số người dân tại địa bàn huyện Đạ Tẻh và huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng), Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Cát Tiên nằm trên địa bàn huyện Cát Tiên hiện đang sạt lở rất nghiêm trọng do tình trạng khai thác cát trên sông Đồng Nai gây ra. Một số vị trí bờ sông đã bị sạt lở vào trong khu vực của di tích. Nhiều tàu hút cát đã hút được các hiện vật khảo cổ như Linga, Yoni, tượng nhỏ… và mua bán lén lút, trái pháp luật trên thị trường chợ đen. Tình trạng sạt lở kéo dài dọc bờ sông từ địa bàn huyện Cát Tiên cho tới huyện Đạ Tẻh. Vườn Quốc gia Cát Tiên, khu vực thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai phía đối diện với huyện Cát Tiên cũng đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng do khai thác cát gây ra.

Được biết, các tổ chức, cá nhân khai thác cát trên sông Đồng Nai chủ yếu do các tỉnh có con sông này chảy qua là Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước… cấp giấy phép khai thác khoáng sản cát xây dựng.

Chu Quốc Hùng   (TTXVN)