10:17 11/10/2018

Lâm Đồng: Phúc tra hiện trường các vụ phá rừng, hủy hoại rừng từ năm 2016 đến nay

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình (tại văn bản số 9640/VPCP-V.L ngày 5/10/2018 của Văn phòng Chính phủ) về việc xử lý phản ánh của báo chí nêu về tình trạng phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phúc tra tất cả các hiện trường xảy ra phá rừng, hủy hoại rừng trên địa bàn.

Chú thích ảnh
Khu vực rừng thông thuộc khu phố Bạch Đằng, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng bị cưa hạ la liệt. Ảnh: TTXVN

Cụ thể tại văn bản số 6499/UBND-LN ngày 9/10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá: Thời gian qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường các biện pháp, giải pháp quyết liệt để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng. Các sở, ban, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo, tăng cường thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại, khuyết điểm trong việc thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo quy định của pháp luật… Tuy nhiên, các vụ vi phạm vẫn xảy ra và diễn biến phức tạp, nhất là tại các địa phương như huyện Lâm Hà, Đạ Tẻh, Lạc Dương…

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Giám đốc, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và người đứng đầu các đơn vị chủ rừng tiếp tục chỉ đạo, tập trung thực hiện quyết liệt, đầy đủ, kịp thời các nội dung chỉ đạo về công tác quản lý, bảo vệ rừng của UBND tỉnh. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy, chính quyền địa phương cấp trên và trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm, sang nhượng đất lâm nghiệp trái quy định của Nhà nước, mà không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Chính quyền các huyện, thành phố cũng được UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo các đơn vị chủ rừng rà soát tất cả các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái quy định của Nhà nước từ năm 2016 đến nay; lập kế hoạch và tổ chức giải tỏa ngay để khôi phục rừng và quản lý, sử dụng đất đúng mục đích.

Đặc biệt, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập tổ công tác, tổ chức phúc tra tất cả các hiện trường xảy ra phá rừng, hủy hoại rừng có dấu hiệu hình sự hoặc đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can từ năm 2016 đến nay; yêu cầu tổ công tác báo cáo rõ thời điểm, vị trí, địa điểm xảy ra vi phạm, biện pháp đã xử lý, hiện trạng trên đất tại thời điểm phúc tra và các nội dung khác có liên quan, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng trước ngày 10/11/2018.

Trong nhiều năm qua, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng liên tục xảy ra các vụ phá rừng, hủy hoại rừng với các hình thức từ phá trắng với quy mô lớn cho đến thủ đoạn ken gốc, khoan gốc cây để bơm thuốc trừ cỏ vào gốc, khiến cây chết dần rồi lấn chiếm từng diện tích nhỏ. Nhiều vụ vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng, có tính chất băng nhóm xã hội đen, tấn công người thi hành công vụ bảo vệ rừng, hoặc có sự tiếp tay của những người có trách nhiệm. Nguyên nhân của thực trạng này chủ yếu là do tình trạng thiếu đất ở đô thị, đất sản xuất, đất kinh doanh du lịch… tại một số địa phương. Với đặc điểm được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng, tỉnh Lâm Đồng có thế mạnh để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển du lịch sinh thái. Giá chuyển nhượng đất ở, đất sản xuất tại thành phố Đà Lạt và các huyện giáp ranh vì thế đã lên tới mức cao nhất cả nước.

Điều đáng nói là có một số vụ phá rừng, hủy hoại rừng, lấn chiếm đất nông nghiệp xảy ra ngay gần trụ sở UBND xã hoặc ngay trong khu vực đã được giao khoán cho chủ đầu tư quản lý bảo vệ, làm du lịch dưới tán rừng…

Chu Quốc Hùng (TTXVN)