01:13 27/01/2016

Lại mối lo an toàn thực phẩm dịp Tết

Sức tiêu thụ sản phẩm dịp Tết đang tăng cao, nếu không kiểm tra và kiểm soát kịp thời, nguy cơ thực phẩm "bẩn" vào Thành phố và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là rất lớn.

"Số cơ sở bị phát hiện vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) trong thời gian qua vẫn còn tương đối cao, nhưng số cơ sở vi phạm bị xử phạt vẫn còn ở mức thấp. Trong thời gian tới, bên cạnh công tác truyền thông thì cần phải có giải pháp chế tài để răn đe, các cơ sở đã phát hiện sai phạm là phải xử phạt", ông Nguyễn Văn Nhiên, Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế đã cho biết.


Số cơ sở vi phạm cao


Vào những ngày này, lượng hàng phục vụ Tết đang dồn dập về TP Hồ Chí Minh. Qua kiểm tra, các cơ sở vi phạm về VSATTP vẫn ở mức cao. Các cơ quan ban ngành lo ngại, nếu không được kiểm soát kịp thời thì nguồn thực phẩm "bẩn" đổ về TP Hồ Chí Minh sẽ ở vào tình trạng báo động.


Nhìn nhận về vấn đề này ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thời điểm này, trung bình mỗi ngày TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 1.000 -1.100 tấn thịt gia súc, gia cầm trong đó một số lượng lớn nhập từ các tỉnh khác. Qua quá trình kiểm tra cho thấy, số trường hợp vi phạm về VSATTP không giảm so với trước đây và có thể rơi vào tình trạng báo động nếu không có sự kiểm soát kịp thời.

Qua kiểm tra 365 mẫu gia súc, gia cầm phát hiện 64 mẫu dương tính với chất cấm

Theo báo cáo của Chi cục Thúy y TP Hồ Chí Minh, chỉ trong một thời gian ngắn, qua kiểm tra 117 lô hàng với 365 mẫu thì phát hiện 64 mẫu dương tính với chất cấm. Lo ngại về vấn đề lợn bơm nước trong thời gian qua, ông Phan Xuân Thảo cho rằng, tình trạng lợn được bơm nước có giảm đáng kể nhưng thỉnh thoảng ngành thú y vẫn phát hiện thịt chảy chất dịch. Qua kiểm tra cho thấy, do Thành phố kiểm tra nghiêm ngặt nên các cơ sở này không đưa lợn bơm nước vào thành phố mà thực hiện bơm nước và giết mổ tại tỉnh rồi vận chuyển về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. 


Những con lợn không chỉ được bơm nước mà còn được sử dụng thuốc an thần. "Trong thời gian tới, lượng hàng Tết về phục vụ tại thành phố tăng gấp 2 -2,5 lần sẽ rất khó kiểm soát và sàng lọc. Nếu không kiểm tra và kiểm soát kịp thời thì nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng là rất lớn", ông Phan Xuân Thảo chia sẻ thêm.


Không chỉ lo ngại những sản phẩm tươi sống từ gia súc, gia cầm mà các sản phẩm đông lạnh từ các tỉnh đưa về thành phố tiêu cũng đáng lo ngại, bởi các loại sản phẩm này khi chuyển về thành phố tiêu thụ thường trong tình trạng cận ngày sử dụng hoặc hết ngày sử dụng vẫn được bán trên thị trường.


Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục VSATTP TP Hồ Chí Minh, cũng cho biết ngành y tế đã lấy 154 mẫu giám sát, trong có có 8 mẫu không đạt chiếm tỉ lệ 1,3%. Thanh tra 1.975 cơ sở có 602 cơ sở vi phạm chiếm 30,5%. Trong đó, 179 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt 1.060.540.000 đồng, đình chỉ 3 cơ sở và tiêu hủy sản phẩm của 21 cơ sở với hơn 1.835 kg thực phẩm các loại, số còn lại đang tiếp tục chờ xử lý. Các cơ sở vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, vệ sinh trang thiết bị dụng cụ, con người, chất lượng sản phẩm...


Tăng cường công tác chế tài


Công tác VSATTP được các sở ban ngành xác định là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài. Để bảo đảm cho người dân có một cái tết an vui, các cơ quan ban ngành đã tăng cường hơn nữa công tác thanh kiểm tra. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức độ vi phạm VSATTP vẫn chưa giảm là do các chế tài xử phạt của chúng ta vẫn chưa đủ sức răn đe.

Tăng cường kiểm tra các mặt hàng phục vụ tết như bánh mứt, rượu bia...


Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, cho biết Sở đã tăng cường kiểm tra từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Đồng thời tăng cường công tác chốt chặn tại các cửa ngõ đi vào TP Hồ Chí Minh để ngăn chặn các loại thực phẩm bẩn từ các tỉnh đưa vào. Không chỉ kiểm tra thực phẩm ở Thành phố mà ngành nông nghiệp còn tổ chức ký kết với các tỉnh khác để kiểm tra nguồn thực phẩm từ gốc và xây dựng chuỗi sản phẩm an toàn của thành phố.


Còn theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, Sở sẽ đảm bảo nguồn hàng hóa trong dịp Tết và đã tổ chức 300 điểm bán hàng bình ổn với các mặt hàng đảm bảo VSATTP. Song song đó, Sở cũng khuyến khích hệ thống siêu thị Co.op Mart tổ chức kiểm tra sản phẩm tại chỗ để tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức 400 chuyến bán hàng lưu động về các vùng nông thôn với những sản phẩm đạt chuẩn. Đồng thời, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm.


"Bên cạnh công tác tuyên truyền, các đơn vị còn tăng cường công tác thanh kiểm tra. Các công tác thanh kiểm tra tập trung vào nhóm sản phẩm có nguy cơ cao như bánh mứt, rượu bia, thực phẩm, nhóm sử dụng phụ gia, rau củ quả... đặc biệt tập trung kiểm tra ở những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Bởi các cơ sở này sản xuất không ổn định", ông Huỳnh Lê Thái Hòa cho biết.


Để bảo đảm sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng khi lưu thông và tiêu thụ trên thị trường, đặc biệt là kiểm soát các sản phẩm rau củ quả, động vật có sử dụng chất cấm trong nuôi trồng, Thành phố đã tăng 10% số cuộc thanh tra so với năm 2015. Theo đó, hiện nay TP Hồ Chí Minh đã thành lập 405 đoàn thanh tra, kiểm tra. Trong đó, UBND TP thành lập 3 đoàn thanh tra liên ngành và đã thực hiện thanh tra 7 quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, trong thời gian tới sẽ tiếp tục thanh tra các quận ,huyện còn lại. Song song đó, từng sở ngành thành phố, quận huyện cũng thành lập các đoàn thanh tra liên ngành.

Đan Phương ( )