08:07 16/08/2014

Lại chuyện tác quyền âm nhạc

Câu chuyện về bản quyền tác phẩm âm nhạc khá ồn ào sau những tranh cãi giữa Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Ban tổ chức các đêm nhạc Khánh Ly trong những ngày đầu tháng 8 này.

Câu chuyện về bản quyền tác phẩm âm nhạc khá ồn ào sau những tranh cãi giữa Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và Ban tổ chức các đêm nhạc Khánh Ly trong những ngày đầu tháng 8 này.

 

 Sự việc trở nên nghiêm trọng khi show diễn của ca sỹ Khánh Ly ở Bình Dương tối 12/8 đã phải hoãn lại. Trước đó, show diễn của ca sỹ Khánh Ly ở Đà Nẵng cũng diễn ra không trọn vẹn: Trên sân khấu thì ca sỹ biểu diễn, còn dưới hậu trường thì Ban tổ chức chương trình và đại diện VCPMC cãi nhau chan chát chuyện tiền bản quyền tác giả.


Những tranh cãi về bản quyền trong chương trình biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly để lại nhiều ý kiến khác nhau trong dư luận. Nhiều người cho rằng, việc “bầu sô” phải trả tiền bản quyền là hiển nhiên và được thực thi từ lâu trên thế giới. Nhưng ở Việt Nam, do thói quen sử dụng tác phẩm”chùa”, nên một số nhà tổ chức đã có hành vi phản đối khi được yêu cầu thực hiện tác quyền. Có ý kiến đồng tình về mặt chủ trương cần tôn trọng tác quyền, nhưng không phải ai cũng ủng hộ với cách thức hoạt động của VCPMC... Điều đó cho thấy những bấp cập trong việc thực thi quyền tác giả tại Việt Nam, mặt khác cũng đặt ra những câu hỏi về tư cách pháp nhân của VCPMC.

 

Những “lùm xùm” quanh chuyện bản quyền tác giả đã làm chương trình của ca sĩ Khánh Ly kém ý nghĩa. Ảnh: CTV

Trả lời báo giới, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho rằng, trung tâm của ông đã làm việc với Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về vấn đề tác quyền. VCPMC cũng được chính các nhạc sĩ ủy thác để thu hộ tiền tác quyền. Nhạc sĩ Phó Đức Phương còn khẳng định, mức thu được VCPMC thực hiện theo quy định của Nghị định 61 của Chính phủ. Theo đó, các đơn vị tổ chức biểu diễn phải trích từ 15 - 21% doanh thu của buổi diễn (tùy theo chương trình) để trả cho tất cả tác giả (gồm: biên kịch, nhạc sĩ, nhạc sĩ phối khí, nhạc sĩ chuyển thể, hoạ sĩ) và phía VCPMC chỉ nhận 5% từ khoản tiền thu được.

 

Nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng cho biết, gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã ủy thác quyền tác giả cho VCPMC từ năm 2009 và gần đây nhất, cuối tháng 7/2014, đại diện của gia đình nhạc sĩ là bà Trịnh Vĩnh Trinh còn gửi cho VCPMC văn bản các đơn vị sử dụng các tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Theo đó, VCPMC được toàn quyền thỏa thuận phí bản quyền với đơn vị sử dụng.


Vẫn biết VCPMC được chính các nhạc sĩ ủy thác để thu tiền tác quyền, nhưng cách thức mà VCPMC áp dụng cũng như tỷ lệ phần trăm mà VCPMC phải trả cho các nhạc sĩ còn tùy hứng, nếu chưa muốn nói là tùy tiện. Không chỉ than phiền mức giá mà VCPMC đưa ra quá cao so với doanh thu thực tế của show diễn, không ít nhà tổ chức phàn nàn về sự không nhất quán, “nâng lên đặt xuống” tùy mỗi show hoặc tùy vào mối quan hệ. Lý giải về việc phải hoãn đêm diễn của ca sĩ Khánh Ly ở Bình Dương, đơn vị tổ chức chương trình đã viện dẫn cách thu tác quyền không theo nguyên tắc nào của VCPMC trong các đêm diễn sử dụng tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đơn vị tổ chức cho rằng, VCPMC phải xây dựng cụ thể đơn giá thu, chứ không thể thu tùy tiện. Họ ủng hộ việc thực thi quyền tác giả trên cơ sở Luật Sở hữu trí tuệ, nhưng phải dựa trên nguyên tắc và các quy định của pháp luật.


Có bất cập cần sớm được giải quyết, đó là thủ tục cấp giấy phép biểu diễn (liên quan đến chuyện tác quyền) không thống nhất giữa các địa phương. Chẳng hạn, một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, chỉ cần đơn vị tổ chức biểu diễn cam kết trả tiền tác quyền là nghiễm nhiên có giấy phép biểu diễn. Còn ở TP Hồ Chí Minh, muốn được cấp giấy phép biểu diễn thì đơn vị tổ chức phải trưng ra giấy xác nhận đã thanh toán tác quyền. Do vậy, không ít đơn vị tổ chức biểu diễn và cả nghệ sĩ, muốn được cấp phép biểu diễn buộc phải tìm đến VCPMC trả tiền tác quyền. Không những thế, họ còn phải trả tác quyền cho cả những nhạc sĩ không hề ủy quyền cho VCPMC.


Suy cho cùng, VCPMC cũng chỉ là một đơn vị tư nhân, chưa đủ uy tín cũng như cơ sở pháp lý để thay mặt các nhạc sĩ đòi tác quyền. Giới làm nghề cho rằng, đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần phải xây dựng một đơn vị thu nhận tác quyền theo quy định pháp luật, để những ai muốn thực thi tác quyền có thể tìm đến, để khỏi ấm ức với số tiền mình đóng có được sử dụng đúng mục đích, hay nó rơi vào túi một vài cá nhân.


Yến Nhi