06:10 13/06/2013

Lại chuyện mục đích và phương tiện

Việc một cựu nhân viên kỹ thuật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) vừa tiết lộ thông tin “động trời” về chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ một lần nữa lại tạo ra làn sóng tranh cãi giữa vấn đề đảm bảo an ninh và quyền bí mật riêng tư thiêng liêng của mỗi người.

Việc một cựu nhân viên kỹ thuật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) vừa tiết lộ thông tin “động trời” về chương trình theo dõi bí mật của chính phủ Mỹ một lần nữa lại tạo ra làn sóng tranh cãi giữa vấn đề đảm bảo an ninh và quyền bí mật riêng tư thiêng liêng của mỗi người.


Cựu nhân viên CIA nói trên là Edward Snowden, người mới đây tiết lộ với báo chí rằng Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã bí mật thu thập bảng kê điện thoại của hàng triệu người, bao gồm số điện thoại, thời gian, ngày tháng và địa điểm đàm thoại. Chưa hết, trong một chương trình có tên Prism được tiến hành từ năm 2007, NSA còn can thiệp trực tiếp vào các tập đoàn Internet hàng đầu như Yahoo, Facebook, Google… để theo dõi email, trò chuyện trên mạng và các liên lạc khác của người sử dụng. Đối tượng bị theo dõi chủ yếu là người nước ngoài.


Ngay lập tức dư luận Mỹ và nhiều nước khác đã lên tiếng phản đối chương trình nghe lén của chính phủ Mỹ. Theo họ, việc này là vi phạm hiến pháp, nhân quyền và quyền tự do cá nhân. Không chỉ kêu gọi xuống đường biểu tình, họ còn đề xuất điều tra và có thể truy tố các tổ chức an ninh, tình báo Mỹ. Ngay cả Liên minh châu Âu, đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố, cũng phản đối và tiến hành họp khẩn trước nguy cơ công dân châu Âu bị xâm phạm đời tư.


Đứng trước sức nóng của dư luận, một lần nữa chính phủ Mỹ lại phải dùng “cái ô” chống khủng bố để che chắn cho việc làm của mình. Tổng thống Barack Obama nói rằng việc nghe lén là cần thiết nhằm đảo bảo an ninh cho chính người dân Mỹ.


Sự mâu thuẫn giữa “mục đích cao cả” và “phương tiện xấu xa” luôn là vấn đề tranh cãi muôn thuở. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp dư luận đều không đồng tình với chủ trương đạt mục đích bằng mọi cách. Lịch sử đã nhiều lần chứng minh các biện pháp “không đàng hoàng” của chính phủ Mỹ là sai lầm. Điển hình là vụ NSA lên kế hoạch đặt máy nghe trộm 6 nước tại Liên hợp quốc nhằm tìm kiếm sự chuẩn bị cho quân đồng minh tấn công vào Irắc năm 2003; Vụ Watergate năm 1972 khi chính quyền của Tổng thống Richard Nixon đặt thiết bị nghe lén ở trụ sở của đảng Dân chủ; Hay vụ “Hồ sơ Lầu Năm Góc”, trong đó Daniel Ellsberg - một nhân viên phân tích cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ - công bố bản tài liệu tối mật về sự can dự chính trị và quân sự ngấm ngầm của Mỹ vào cuộc chiến tranh tại Việt Nam từ năm 1945 đến 1967, qua đó vạch rõ “hành vi trái với hiến pháp của nhiều vị tổng thống Mỹ kế tiếp, vi phạm lời tuyên thệ của chính họ”.


Trở lại với Snowden, hiện vẫn chưa rõ số phận của cựu nhân viên CIA 29 tuổi này ra sao, do anh vẫn đang trên đường trốn chạy sau khi tiết lộ vụ nghe lén nói trên. Thời gian sẽ trả lời ai đúng ai sai. Nhưng ít nhất sự dũng cảm của Snowden đã khiến anh ngay lập tức được nhà sáng lập trang Wikileaks gọi là “người hùng”.


Nhìn dưới góc độ khác, việc chính phủ Mỹ hợp pháp hóa chương trình theo dõi ngầm Prism chắc chắn sẽ khuyến khích các nước khác làm điều tương tự. Khi đó, quyền riêng tư cá nhân - một trong những quyền cơ bản của con người - sẽ không còn được tôn trọng nữa.

 


Thành Vinh