09:22 14/09/2015

Lai Châu nâng cao hiệu quả các mô hình kinh tế

Xác định đầu tư cho nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và vận động đồng bào ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi để nâng cao hiệu quả các mô hình.


Từ những diện tích đất trồng hoa màu kém hiệu quả, anh Lê Văn Tỉnh ở xã San Thàng, thành phố Lai Châu đã mạnh dạn đầu tư và tìm hiểu các kiến thức về cách trồng hoa hồng. Năm 2010, gia đình anh bắt đầu xây dựng mô hình, mua giống cây tại Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam. Vụ hoa đầu tiên gia đình anh đã thu lãi hàng chục triệu đồng. Thấy có hiệu quả, anh Tình tiếp tục mở rộng thêm diện tích, đến nay đã có khoảng 70.000 gốc, với nhiều loại hoa hồng khác nhau; trừ chi phí gia đình thu lãi trên 100 triệu đồng/năm. Mô hình trồng hoa của anh Tình còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.

Phát triển mô hình VAC của đồng bào dân tộc Thái tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên.


Còn gia đình chị Nguyễn Khánh Hòa, phường Tân Phong, thành phố Lai Châu, lại được biết đến là hộ tiên phong phát triển mô hình chuồng trại, đảm bảo giảm thiểu được ô nhiễm môi trường. Khu chuồng trại khép kín nằm ở rìa thành phố được chia làm 3 khu với diện tích khoảng 1 ha. Hệ thống tường bao và mái che được xây dựng thông thoáng và thường xuyên được phun thuốc khử trùng, khử khuẩn để đảm bảo vệ sinh. Trong thời gian hoạt động, gia đình chị luôn học thêm kiến thức từ sách báo và được đơn vị thú y hướng dẫn tiêm ngừa bệnh dịch.

Chị Hòa cho biết, từ khi xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín (năm 2011) đến nay, đàn lợn nuôi của gia đình chưa bao giờ bị mắc bệnh; trong chuồng lúc nào cũng có trên dưới 2.500 con. Việc chăn nuôi theo mô hình khép kín như vậy càng hiệu quả hơn khi gia đình có thể tiết kiệm chi phí tiêu dùng bằng việc lắp đặt hệ thống biogas nhằm tận dụng chất thải. Chính vì thế, mỗi năm gia đình thu lãi từ 250 - 300 triệu đồng.

Ở Lai Châu, các mô hình phát kinh tế nông nghiệp chủ yếu là VAC; VACR; mô hình chăn nuôi gia súc tập trung; mô hình đưa lúa nước lên ruộng vùng cao; mô hình trồng cây chè; mô hình trồng cây ăn quả... Với mô hình tăng vụ lúa đông xuân niên vụ 2014 - 2015 được triển khai; mở rộng diện tích lúa đông xuân lên các khu vực địa bàn vùng cao; diện tích lúa bán ngập vùng lòng hồ thủy điện là trên 217,3 ha; nhiều loại giống lúa chịu lạnh được đưa vào thử nghiệm cho kết quả khả quan. Mô hình cánh đồng tập trung triển khai ở các huyện Than Uyên, Tam Đường và Phong Thổ được triển khai những năm gần đây đã hướng tới hình thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao với năng xuất khoảng 60 tạ/ha. Với các mô hình trồng chè, hiện tại ước tính diện tích cây chè toàn tỉnh đã đạt 3.132 ha, đồng thời bà con còn trồng xen đậu tương trên diện tích chè với diện tích hơn 70 ha.

Bài và ảnh: Nguyễn Duy